4 đại gian thần đáng căm hận trong Thủy Hử
Bộ tứ này, qua ngòi bút của Thi Nại Am, hiện lên trong Thủy Hử là những tên đại tham quan, độc ác và rất nhiều thủ đoạn. Đích xác là phường hại nước hại dân. “Tứ đại ác nhân” Dương Tiễn – Cao Cầu – Đồng Quán – Sái Kinh luôn có mưu đồ cướp đoạt công lao và làm hại các anh hùng Lương Sơn.
Tứ đại ác nhân Thủy Hử - những gian thần hủy hoại nhà Bắc Tống trong lịch sử Trung Quốc.
Đỉnh điểm chính là hồi cuối cùng của Thủy Hử truyện (hồi 120), “Tứ đại ác nhân” đã đồng mưu vu cáo với Hoàng đế, Lư Tuấn Nghĩa – Tống Giang có mưu đồ làm phản. Trong khi Tống Huy Tông có phần nửa tin nửa ngờ thì nhóm này tiếp tục thi triển bước tiếp theo của mưu hèn kế bẩn: sai thủ hạ bỏ độc vào đồ ăn và rượu vua ban cho Lư – Tống để sát hại họ.
Kết quả Lư Tuấn Nghĩa trúng độc thủy ngân, ngã xuống nước thiệt mạng còn Tống Giang dù sớm biết bị gian thần mưu hại nhưng cũng cam lòng chịu chết. Kết quả này kéo theo những cái chết đầy thương tâm của Lý Quỳ (bị Tống Giang lừa cho uống rượu độc), Ngô Dụng và Hoa Vinh (tự vẫn cạnh mộ Tống Giang). Khi vụ việc bị phát giác, “Tứ đại ác nhân” đã đổ vấy trách nhiệm cho bọn thủ hạ. Nhóm Dương Tiễn, Đồng Quán, Cao Cầu, Sái Kinh chỉ bị Huy Tông trách mắng qua loa không bị trị tội.
Cái kết của Thủy hử đặc tả bi kịch của những anh hùng hảo hán, coi Nhân Nghĩa là lẽ sống, lấy việc phò Nước giúp Dân làm tôn chỉ hành động nhưng cũng cho thấy sự thối nát đến tận cùng của triều Đại bắc Tống, thời Huy Tông thể hiện qua chi tiết những kẻ đại gian đại ác như Dương Tiễn, Cao Cầu, Đồng Quán, Sái Kinh vẫn ung dung mà chẳng chịu bất kì quả báo nào.
Tuy nhiên, đấy là cái kết trong Thủy Hử. Còn lịch sử thì khác. Hầu hết những cái tên sừng sỏ trong “Tứ đại ác nhân” này đều chịu sự xét xử công bằng của Định Mệnh, phải nếm trải những năm cuối đời trong ô nhục.
Hoạn quan Dương Tiễn
Dương Tiễn vào cung làm hoạn quan tử nhỏ, được giao hầu hạ những cung nữ được Hoàng đế sủng ái. Khi Tống Huy Tông lên ngôi dùng Tiễn làm người hầu hạ. Dương Tiễn khéo biết tâm lý vua nên rất được lòng Huy Tông. Huy Tông sai Tiễn phụ trách việc nội thị tỉnh trong cung. Tiễn hoàn thành tốt, với dấu ấn là Cung Long Đức vô cùng xa hoa tráng lệ. Năm 1114, Tiễn được phong làm Tiết độ sứ Chương Hóa quân, chuyên hộ vệ cho vua Huy Tông.
Hoạn quan Dương Tiễn, mộ phần bị tàn phá vài năm sau khi chết.
Dương Tiễn chính là người kiến nghị Huy Tông tăng cường thu thuế sản lượng nông nghiệp. Nghe lời Tiễn, Huy Tông lập ra cơ quan quản lý gọi là Sở tây thành, nhằm vắt sạch thành quả của lương dân qua những chính sách thuế siêu hà khắc: tính thuế trên cả những vùng đất bãi hoang, đồi trọc, đầm hồ không canh tác. Mỗi huyện ngoài mức thuế thông thường còn phải nộp thêm 10 vạn quan tiền hàng năm, khiến lương dân đói khổ càng thêm oán thán.
Năm 1121, Dương Tiễn qua đời, được truy tặng chức Thái sư, hiệu Ngô quốc công. Tiễn là cái tên duy nhất trong nhóm “Tứ đại ác nhân” không phải trải qua sự nhục nhã những năm cuối đời bởi gã chết trong giai đoạn triều đình của Huy Tông chưa đi đến tận cùng của sự thối nát. Nhưng khi triều đại Bắc Tống sụp đổ (1127), mộ phần của Tiễn bị dân đen oán hận tàn phá nặng nề, hài cốt thất lạc gần như không còn lại gì.
Thái úy Cao Cầu
Cao Cầu người phủ Khai Phong, cha là Cao Đôn Phục, một nhân vật khá có tiếng ở kinh thành. Thân phận và cuộc đời Cao Cầu có ghi chép trong Huy chủ hậu lục của Vương Minh Thanh thời Nam Tống. Thuở trẻ Cầu vốn làm thư lại trong nhà Tô Đông Pha. Sau Cầu theo Khu mật đô thừa chỉ Vương Tấn Khanh, bạn thơ phú với danh sĩ họ Tô.
Thái Úy Cao Cầu, sau khi thất sủng, bị cách chức đã chết trong bệnh tật và cô độc.
Do Đoan vương (chính là Tống Huy Tông sau này) và Tấn Khanh có quan hệ thân thiết nên Cao Cầu có cơ hội tiếp xúc thường xuyên. Khi Đoan vương lên ngôi, Cầu được cử đi lo liệu công việc vùng biên ải, rồi đi sứ nhà Liêu. Khi về, Cầu được Huy Tông cất nhắc làm trọng thần coi quản việc ba quân với chức thái úy.
Năm 1126, quân Kim đánh xuống phía nam. Quân Tống yếu ớt không kháng cự được. Tống Huy Tông vội vã nhường ngôi cho thái tử Triệu Hoàn (tức Tống Khâm Tông) rồi cùng Đồng Quán bỏ kinh thành Khai Phong chạy. Cao Cầu chính thức thất sủng, bị cách chức, tịch thu hết của nả. Thời thế đổi thay, Cao Cầu, vì thế mà mắc bệnh nặng, chết trong cô độc vào tháng 5 âm lịch cùng năm.
Thái Sư Đồng Quán
Đổng Quán chính là kẻ chủ trương thành lập Ứng phụng cục chuyên đi tìm kiếm, cướp bóc những thứ quý lạ trong dân gian như ngà voi, sừng tê, cây cảnh quý, đá quý… chủ yếu từ Giang Nam để dâng vua Tống Huy Tông khiến lòng dân oán thán. Đây chính là khởi nguồn cho cuộc khởi nghĩa của Phương Lạp vào năm 1120.
Thái Sư Đồng Quán bị giết chết đường đi lưu đày.
Tới tháng 3 năm 1122, Đồng Quán dẹp yên loạn Phương Lạp, hoàn toàn bình định Giang Nam. Nhờ chiến tích này, Đồng Quán được phong làm Thái sư. Đầu năm 1123, Quán được phong làm Tuyên phù sứ Hà Bắc, Yên Sơn. Năm 1125, tiếp tục được phong làm Quảng Dương quận vương, một mình một cõi.
Năm 1126, Tống Huy Tông nhường ngôi cho con là Khâm Tông trong bối cảnh quân Kim tiến sát kinh đô. Đồng Quán bị gọi trở về Biện kinh. Khâm Tông tuyên bố sẽ thân chinh ra trận, sai Đồng Quán ở lại giữ kinh thành. Quán cậy mình được lòng Huy Tông, chống lệnh Khâm Tông, mang quân bản bộ hộ tống Thái thượng hoàng chạy về phía nam.
Khi Huy Tông qua cầu phao, nhiều tướng sĩ, dân thường trèo lên cầu khóc nức nở mong Thái thượng hoàng ở lại ứng chiến. Đồng Quán sợ không rút kịp, bèn sai quân cung nỏ bắn vào họ, giết chết hàng trăm người. Nhiều đại thần bất bình, cùng nhau kiến nghị vua Khâm Tông. Khâm Tông truyền lệnh giữ Đồng Quán lại, cách chức và điều làm Chiêu Hòa quân Phó tiết độ sứ.
Không lâu sau Đồng Quán bị Khâm Tông bắt lưu đày, sung vào quân đội ở Cát Dương. Khi Quán chưa tới nơi, Khâm Tông lại sai Giám sát ngự sử Thượng Huy mang chiếu thư đuổi theo, kể 10 tội trạng của Quán, rồi xử tử ngay trên đường. Năm đó Đồng Quán 73 tuổi. Thượng Huy giết Quán, bỏ xác vào bao tải mang về Biện Kinh phơi giữa kinh thành.
Thừa tướng Sái Kinh
Sái Kinh (1047-1126) là người giữ chức vụ quan đầu triều (thừa tướng) nhiều lần nhất thời Bắc Tống và bị sử sách nhìn nhận là gian thần. Trong 50 năm trên quan trường, Sái Kinh 4 lần đứng ở cương vị quan đầu triều. Nếu tính cả lần thăng từ Thượng thư Hữu bộc xạ lên Thượng thư Tả bộc xạ thì Sái Kinh đã 5 lần làm quan đầu triều và 3 lần… bị mất ngôi vị này.
Thừa tướng Sái Kinh chết trong nhục nhã và đói khổ.
Năm 1126, Sái Kinh nghe tin Huy Tông nhường ngôi cho con trai Khâm Tông bỏ Khai Phong rút chạy, cũng vội mang tất cả của cải (ước tính gần 200 gánh vàng bạc châu báu) chất lên thuyền lớn, rời kinh thành. Sức ép của quân Kim ngày càng lớn, Khâm Tông buộc phải trọng dụng viên tướng chủ chiến Lý Cương để ngăn địch. Lúc đó nhiều người dâng sớ xin trị tội Vương Phủ, cha con Sái Kinh, Đồng Quán, Lý Nhan, Chu Diến… hại nước hại dân. Tống Khâm Tông bèn hạ lệnh bắt giết Vương Phủ, Lý Nhan, Chu Diến, và lưu đày Đồng Quán, các con Sái Kinh (Sái Tiêu, Sái Du).
Nhưng các đại thần chưa hết bất bình, tiếp tục đòi xử tử Sái, Đồng. Khâm Tông bèn hạ lệnh cho người đuổi theo giết Đồng Quán. Riêng Sái Kinh được ban đặc ân, chỉ bị đi đày ở Lĩnh Nam. Khi nhận lệnh biếm chức, Sái Kinh đang ở Bặc châu. Trên đường đi lưu đày, dân địa phương oán hận Sái Kinh làm nhiều điều ác, nên đóng cửa giấu thực phẩm không bán, cả ngàn người chặn đường mắng chửi; còn quan địa phương thì xua đuổi bắt phải đi đường nhỏ.
Khi Sái Kinh đến Đàm châu, vì không tìm được chỗ nghỉ nên phải tạm lưu ở chùa Đông Minh và qua đời tại đây, thọ 81 tuổi. Hoàn cảnh Sái Kinh lúc chết thảm hại vô cùng. Không có quan tài, người nhà mang xác Kinh gói vào vải xanh cũ mà dân nghèo thường dùng khi chôn cất. Sái Kinh bị xem là một trong những tội nhân hàng đầu gây ra sự suy vong của nhà Bắc Tống. Cái kết thảm hại này chính là sự báo ứng cho những việc làm ác độc của họ Sái khi còn quyền thế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.