Kết nối điểm nhìn thiên niên kỷ

Thứ tư, ngày 02/02/2011 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thăng Long xưa thoáng chớp mắt qua thời gian đằng đẵng. Thủ đô qua thiên niên kỷ, lắng vào trong mình gấm vóc của giang sơn, văn hiến của dân tộc.
Bình luận 0

Ngoảnh mặt nghìn năm

Thời gian cứ trôi đều đặn, nhích giây, nhích phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm, liên miên qua đi mãi, già nua rồi hồi sinh, hồn nhiên mãi. Ngoảnh mặt đã chuẩn bị một mùa xuân mới reo lên trong nắng sớm.

Mùa xuân này, trong cái thăm thẳm của thời gian và xa rộng của không gian, lòng người thành kính với bao sợi dây bền chặt, nối con người với gốc gác xa xưa, với thực tại và nối vào những hy vọng dài lâu mai sau.

Biết bao điều khiến ta trân trọng và gìn giữ. Nghĩ về một chốn kỳ vĩ và yêu thương của toàn dân tộc: Thủ đô Hà Nội! - Chúng ta có được những cảm xúc như thế!

 img
Biểu diễn chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh Lê Anh Tuấn

Thăng Long xưa thoáng chớp mắt qua thời gian đằng đẵng, nay đã đi qua mốc son nghìn tuổi. Thủ đô qua thiên niên kỷ, lắng vào trong mình gấm vóc của giang sơn, văn hiến của dân tộc. Những ngày qua, nước non mở hội mừng Thăng Long - Hà Nội nghìn năm, tưởng nhớ và tôn vinh công ơn xưa của bao đời liệt tổ, liệt tông đã nối tiếp nhau dựng nước, giữ nước, làm rạng rỡ cho sông núi đất Việt.

Hàng loạt chương trình, hoạt động, sự kiện chào đón Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội đã diễn ra từ đầu năm 2010, do các cơ quan trung ương, các bộ ngành, các tỉnh thành cả nước và các tầng lớp nhân dân tổ chức. Cao điểm là đợt hoạt động 10 ngày Đại lễ với hàng trăm sự kiện lớn nhỏ được tổ chức trong và ngoài địa bàn Hà Nội.

Thật khó điểm cho hết các chuỗi hoạt động, chương trình văn hoá, nghệ thuật ca múa nhạc, liên hoan sân khấu, tuần lễ phim, triển lãm tranh, ảnh, các hoạt động khoa học, ngoại giao, du lịch, giao thông, xây dựng… nhiệt liệt hưởng ứng những ngày Đại lễ. Tràn chảy từ những làn sóng liên tiếp ấy, là tinh thần lớn lao của Hà Nội văn hiến, hoà bình, phát triển dâng lên mạnh mẽ, được cộng hưởng với niềm tin yêu, tự hào của muôn vạn người con Hà Nội và hàng triệu con dân đất Việt.

Hào quang Thăng Long sáng mãi

Cuộc hành trình vĩ đại dừng chân ở thành Đại La xưa - điểm định đô cho Nhà Lý và những triều đại sau này. Trong khói hương thơm thảo và thành kính của những ngày Đại lễ vừa qua, chắc nhiều người đã có vài khắc tưởng mình đang đi qua một giấc mơ, tưởng đang hoà lại với người đời xưa nhịp đập của trái tim ngày mới.

Nhịp đập ấy như khí phách, bản sắc dân tộc, qua nghìn năm được vun đắp và mãi mãi bền bỉ, được lớp lớp các thế hệ người Việt gìn giữ, trao truyền, có những khi vướng chút bụi hay bị tro tàn chiến tranh che phủ, nhưng rồi lại sáng bừng lên, thăng hoa, quật cường và xây đắp nên những dấu mốc không thể nào quên trên hành trình dài lâu dựng nước, giữ nước.

Lịch sử không phải là chuyện đã qua, đã ra đi không trở lại, lịch sử mãi mãi sống động, mãi mãi mang lại những bài học và kinh nghiệm cho hôm nay, kể cả những nhìn nhận mới, những ý tưởng hay, chúng ta vẫn có thể tiếp tục tìm thấy trong lịch sử. Đó là khi ta biết soi chiếu, biết tìm đến lịch sử, lắng nghe và hoà nhịp, để lịch sử mãi mãi là một phần của hiện tại và tương lai, để chúng ta vững bền và mạnh mẽ vì có gốc cội, có quá khứ.

Trong đời sống bình thường, hẳn rằng chúng ta vẫn có thể tìm thấy, nhận ra khí phách dân tộc mình trong bao nhiêu điều dung dị, trong thật nhiều những giờ phút mà người dân của đời sống đương đại hồi tưởng và tái hiện cảnh xưa trên nền di tích cũ, trong không gian di sản còn gợi bóng vàng son.

Dáng hình văn hiến, bản sắc dân tộc được tôn vinh trong những ngày Đại lễ, trước thềm xuân nô nức này, vẫn sáng lên với tinh thần cởi mở, dung hoà của người Việt Nam, vừa gợi nhớ lịch sử, khơi dậy niềm tự hào truyền thống, lòng yêu đất nước cháy mãi qua năm tháng, vừa như động lực giúp chúng ta vững vàng bước tiếp trên con đường hội nhập.

Con đường thiên đô xưa của Đức Thái tổ Lý Công Uẩn - vị Vua khởi nghiệp Nhà Lý, mãi mãi như ánh sáng của niềm tin tương lai, của hy vọng đổi mới, bền vững. Hôm nay, toàn dân tộc vẫn ngợi ca cuộc dời đô vĩ đại ấy, và hẳn rằng trong mỗi chúng ta, vẫn sẽ tìm được cho riêng mình một suy nghĩ mới mẻ và mạnh mẽ khi nghĩ về áng hùng văn bàn chuyện dời đô của bậc minh quân nghìn năm trước. Sớm xuân nay, gió thành Đại La, gió từ năm Canh Tuất 1010 vẫn thổi về đây giữa bầu trời trong trẻo, không ngừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem