Kết quả bất ngờ dự thảo Luật từ sáng kiến của nữ đại biểu Quốc hội

Lương Kết Thứ ba, ngày 11/09/2018 13:04 PM (GMT+7)
Sáng nay (11.9), phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Hành chính công (dự luật từ sáng kiến của nữ đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Trong lịch sử Quốc hội có 2 sáng kiến pháp luật. Lần đầu không thành, trường hợp dự luật Hành chính công là lần thứ hai, chính vì sáng kiến của đại biểu Quốc hội nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất trân trọng.
Bình luận 0

img

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (ảnh Quochoi,vn).

Băn khoăn phá vỡ hệ thống pháp luật

Sáng nay (11.9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 27, cho ý kiến về dự án Luật Hành chính công. Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật, dự luật này được xây dựng gồm gồm có 5 chương, 45 điều, quy định thủ tục hành chính; dịch vụ công; mối quan hệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính và dịch vụ công.

Trình bày báo cáo thẩm tra, sau khi phân tích chỉ ra những điểm còn hạn chế, bất cập của dự Luật, ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhận thấy, thủ tục hành chính và dịch vụ công là hai nội dung lớn, là vấn đề trọng tâm của nền hành chính, có phạm vi tác động rộng, liên quan đến hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; đồng thời cũng liên quan trực tiếp đến hoạt động của hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước.

img

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, người có sáng kiến lập pháp (ảnh Quochoi.vn).

Tuy Ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong xây dựng dự án Luật và đã đạt được những kết quả nhất định song việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được rà soát, bổ sung, hoàn thiện thì mới bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội.

Góp ý vào dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, so với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần trước thì phạm vi lần này thu hẹp hơn. Tuy nhiên nhiều khái niệm không rõ, “nếu ban hành có thể phá vỡ hệ thống pháp luật”, ông Hiển băn khoăn.

Giải trình điều này, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, những nội dung trong dự thảo Luật không phá vỡ hệ thống pháp luật, vì các luật hiện hành chưa quy định về vấn đề này.

Dừng dự án Luật

Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói, qua 2 năm thực hiện nhưng cho đến giờ chưa đủ trình ra Quốc hội. Vấn đề có nên tiếp tục hay không? Nếu không thực hiện thì dừng lại coi dự luật này như là công trình khoa học.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, cần phải xem xét kỹ lưỡng nội dung của dự Luật đã khả thi hay chưa; thời điểm ban hành có phù hợp hay không khi mà Chính phủ đã rút luật tương tự như luật này ra khỏi chương trình xây dựng luật. “Nên chăng, dự án Luật chỉ dừng lại ở một công trình nghiên cứu khoa học ghi dấu ấn của Ban soạn thảo”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói.

Đại diện cơ quan Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, đây là một dự án Luật có liên quan đến rất nhiều luật trong hệ thống pháp luật nói chung, tính khả thi thì còn tiếp tục phải bàn và nếu được được ban hành thì sẽ phải sửa đổi rất nhiều luật khác. Ông đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cân nhắc về tính khả thi, thời điểm đưa dự Luật này ra Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tạo các điều kiện thuận lợi cho đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cũng như Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên khái niệm hành chính công có nội hàm rất lớn, phức tạp, nội dung cụ thể của hành chính công đang được điều chỉnh ở các đạo luật hiện hành... Vì vậy, sự thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của dự án Luật này chưa đạt yêu cầu, còn chung chung; một số điều chỉ là luật hóa một số quy định trong các nghị định của Chính phủ và vẫn còn chung chung, thậm chí chưa cụ thể bằng các quy định trong nghị định.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên dừng dự án Luật này lại. “Chúng ta không phủ nhận trí tuệ của đại biểu Quốc hội, đây là một công trình khoa học cần thiết, đề nghị được sử dụng như một công trình nghiên cứu chứ không xếp vào ngăn kéo”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Chốt lại vấn đề, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (người được phân công điều hành phiên thảo luận) đã nói: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị dừng dự án Luật Hành chính công, và dự Luật này sẽ ở góc độ của một công trình nghiên cứu khoa học, một tài liệu nghiên cứu, tham khảo có giá trị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem