Dự án luật từ sáng kiến của nữ đại biểu sẽ được trình ra Quốc hội

PV Thứ sáu, ngày 08/06/2018 15:22 PM (GMT+7)
Chiều nay (8.6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Bình luận 0

img

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Ảnh VPQH).

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến vào 9 dự án luật, trong đó có Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp... Các luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Tại kỳ họp cuối năm 2019, Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Thanh niên (sửa đổi).

Trong các dự án luật dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, đáng chú ý có dự án Luật Hành chính công do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - người trình sáng kiến dự án luật làm trưởng ban soạn thảo.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh là Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường Quốc hội.

Trước đó vào tháng 8.2017, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đã trình dự thảo Luật Hành chính công. Nữ đại biểu này cho biết, Hiến pháp năm 2013 đã quy định một số nguyên tắc lớn trong quản lý hành chính nhà nước… Tuy nhiên, trong quản lý điều hành nền hành chính từ T.Ư xuống địa phương, cơ sở, còn nhiều các nguyên tắc chung rất cần thiết mà chưa được quy định ở luật nào, như: quy định và thực hiện thủ tục hành chính, phối hợp liên ngành, liên vùng, liên thông, quản lý địa bàn giáp ranh…

“Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, với việc xây dựng các luật chuyên ngành như hiện nay không thể tránh khỏi tình trạng các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Vì vậy, ở nhiều nơi, vẫn còn tồn tại sự tùy tiện trong ban hành thủ tục hành chính, tự đặt ra các thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền; mang nặng cơ chế quản lý cũ, nặng về “xin - cho”; cơ quan quản lý giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho cá nhân, tổ chức”, đại biểu Khánh cho biết.

Vẫn theo đại biểu Khánh, trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật hành chính công còn nhiều bất cập liên quan các nguyên tắc chung trong quản lý, điều hành; thủ tục hành chính; quản lý dịch vụ công; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử; kiểm soát hành chính công; cải cách hành chính.“Vì vậy, xây dựng dự án Luật Hành chính công sẽ góp phần khắc phục những bất cập trên trọng xây dựng, thực thi pháp luật hiện nay”, nữ đại biểu này nói.

Cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về đề nghị của ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo, chuyên viên là thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật tiếp tục tham gia, hỗ trợ ban soạn thảo trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Hành chính công; phối hợp, hỗ trợ ban soạn thảo dự án luật trong việc tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật về các vấn đề có liên quan thuộc nội dung của dự án Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem