Vẫn có nhiều học sinh bị điểm liệt môn Toán
Vẫn có tỷ lệ nhất định thí sinh có điểm ảo
Bộ Giáo dục vừa công bố công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 với tỷ lệ đỗ của khối THPT đạt 93,42%, khối giáo dục thường xuyên đạt 70,08%, bình quân chung là 91,58%. Tỷ lệ tốt nghiệp của các thí sinh dự thi tại cụm thi do trường đại học chủ trì là 94,74%, cụm do các Sở Giáo dục chủ trì là 84,45%.
Trao đổi với Infonet, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng,với kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015 mà Bộ GD & ĐT vừa mới công bố có khác hơn mọi năm. Theo đó, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT ở những năm trước lên tới gần 100% nhưng năm nay giảm xuống còn xấp xỉ 92%. Điểm khác ấy theo GS Thuyết là do các cụm thi thuộc trường ĐH coi thi chặt hơn, giáo viên chấm thi cũng có kinh nghiệm hơn so với các cụm thi do địa phương (các Sở) tổ chức.
Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp tại các cụm thi do các Sở Giáo dục chủ trì đạt 84,4%, GS Thuyết đánh giá vẫn khá cao, chưa sát với thực tế. Bởi đây là những em không có lực học trung bình và yếu, không đủ tự tin thi ĐH, CĐ. Tuy nhiên, trên thực tế một tỉnh miền núi học sinh ở trường chuyên đi thi ở cụm thi thuộc trường ĐH tổ chức điểm lại thấp hơn các em của trường dân tộc nội trú tỉnh đó thi tại địa phương.
GS Nguyễn Minh Thuyết
“Đây là điều rất lạ. Phải chăng cụm thi do Sở chủ trì trông thi và chấm thi không công bằng? Phải chăng đây là lý do mà Bộ không cho các cụm thi tự công bố điểm thi mà phải đưa về Bộ công bố? Phải chăng đây cũng chính là lý do mà Bộ không công bố toàn bộ điểm thi của thí sinh mà chỉ công bố điểm số cho từng em biết? Rõ ràng nếu công bố công khai, rộng rãi sẽ lộ ra sự không công bằng giữa các cụm thi. Điều này cho thấy sẽ có tỷ lệ nhất định thí sinh có điểm thi không đúng với năng lực thực sự của mình”- GS Thuyết bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng việc Bộ Giáo dục nói tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của các cụm thi do Sở chủ trì thấp hơn cụm thi do các trường đại học minh chứng cho việc coi thi ở địa phương đã nghiêm túc là không chính xác. Bởi lẽ, các học sinh thi ở cụm địa phương chỉ với mục tiêu xét tốt nghiệp, chủ yếu là học lực yếu, kém nên chắc chắn số lượng trượt cao hơn.
Khá bất ngờ khi có điểm liệt môn Toán quá nhiều
Đánh giá về phổ điểm thi môn tiếng Anh rất thấp và môn Toán quá nhiều điểm liệt, GS Thuyết cho rằng với kết quả môn tiếng Anh ông hoàn toàn không bất ngờ. Đây là kết quả được dự báo từ trước. Bởi thực tế việc học và giảng dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông của chúng ta rất yếu.
Tuy nhiên với môn Toán nhiều điểm liệt GS Thuyết rất ngạc nhiên. “Để đạt điểm khá môn Văn, điểm giỏi môn Toán mới khó chứ điểm trung bình hay trung bình khá ở môn Toán theo tôi là không khó. Bởi với chương trình giáo dục như hiện nay, học sinh được học toán rất nhiều, không hiểu tại sao lại có nhiều em bị điểm liệt đến thế. Rõ ràng, điều này chứng tỏ kết quả học toán của các em không tốt” – GS Thuyết nói thêm.
Bổ sung cho ý kiến này, thầy giáo Cai Việt Long, giáo viên Toán trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cho rằng, phổ điểm môn Toán chủ yếu rơi vào mức điểm 4-7 điểm, nghĩa là mức điểm trung bình. Điều này phản ánh đề thi năm nay được ra tương đối an toàn và có thể phân loại được học sinh. Vì vậy, học sinh trung bình, các em có thể đạt được 5 điểm theo đúng tinh thần của Bộ, thậm chí nếu cẩn thận có thể đạt được 6 điểm hoặc cao hơn. Học sinh khá và giỏi thì đòi hỏi trình độ cao hơn mới có thể đạt đc điểm 8, 9.
Tuy nhiên, có nhiều điểm liệt đã phản ánh được thực chất thực trạng dạy và học, theo đó vẫn có nhiều học sinh lười học, tư tưởng chủ quan, ỉ lại vào những sự trợ giúp từ xung quanh. Thầy Cai dự đoán số học sinh bị điểm liệt có lẽ rơi vào các em học khối dân lập và hệ Giáo dục thường xuyên.
Ngoài ra, việc có nhiều điểm liệt cũng cho thấy vẫn tồn tại tình trạng học lệch, bởi vốn dĩ có sự phân ban, các em vẫn sẽ chỉ chú trọng những môn học mình thi. Còn những môn khác (còn lại) các em sẽ không học. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của kỳ thi ĐH những năm trước, các em học lệch từ những năm bắt đầu bước vào THPT nên thói quen học tập vẫn được tiếp tục đến kỳ thi này.
Thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về cách thức tổ chức kỳ thi 2 trong 1 này, GS Thuyết cho rằng cần phải có sự thay đổi. Hãy giao các trường ĐH, CĐ được quyền tự chủ trong giảng dạy cũng như tuyển sinh. Có như thế họ mới tuyển chọn được đúng đối tượng mà họ mong muốn đào tạo. Còn lại việc thi tốt nghiệp THPT Bộ nên giao cho các Sở tổ chức trong phạm vi cấp tỉnh, các tỉnh chủ động lên kế hoạch, bố trí ngày thi mà không nhất thiết phải đồng loạt cùng ngày trên cả nước.
Ngô Châu Anh (Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.