Không hào nhoáng và ồn ã như những sự kiện văn nghệ khác, người đến nhận giải, người đến thưởng thức các tác phẩm đều trong một tâm thái trân trọng, nâng niu những quả quý của một mùa gieo hạt.
12 trong số 18 ca khúc đoạt giải của cuộc vận động đã được trình diễn trên sân khấu đem đến một không gian âm nhạc xanh mát với đồng lúa, cánh cò, dòng sông và tình cảm của người nông dân với đất đai, quê hương.
3 tác phẩm đoạt giải A gồm "Đất và mẹ" (nhạc Ngọc Khuê, thơ Hà Linh), "Màu xanh quê tôi" (Phạm Quế Nguyên), "Tình ca đồng bằng" (Nguyễn Đình Bảng) đều hứa hẹn trở thành những "bản nhạc ăn khách" trong tương lai của dòng nhạc tình ca quê hương.
|
Biểu diễn ca khúc đoạt giải cuộc vận động tại lễ tổng kết. |
Chỉ có một điều hơi tiếc cho văn học, đó là 10 tiểu thuyết được giải của cuộc vận động thực ra chỉ là một sự tôn vinh lại những tác phẩm đã thu được khá nhiều giải thưởng từ những năm trước.
Đó là "Thời xa vắng" (Lê Lựu) "Lá non" (Ngô Ngọc Bội); "Mưa mùa hạ" (Ma Văn Kháng), "Người giữ đình làng" (Dương Duy Ngữ), "Mảnh đất lắm người nhiều ma" (Nguyễn Khắc Trường) "Dòng sông Mía" (Đào Thắng), "Bến không chồng"(Dương Hướng)... hay truyện vừa "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư.
Chưa có được các tác phẩm "ra trò" về những vấn đề của nông thôn và người nông dân ngày hôm nay, hình như các nhà văn vẫn còn chưa trả được một "món nợ lớn" với những độc giả của mình.
Nhìn nhà văn Lê Lựu phải được dìu đỡ lên sân khấu nhận giải hay những nhạc sĩ, nhà thơ đã thành danh như Nguyễn Đình Bảng, Lê Mây, Cát Vận, Ngọc Khuê... vẫn háo hức, mừng vui với giải thưởng y như các tác giả trẻ, khán giả của buổi lễ trao giải ai cũng cảm thấy ấm lòng.
Bởi cho dù giải thưởng không có nhiều giá trị về vật chất, lại ở một cuộc vận động về đề tài mà khá nhiều người "lắc đầu lè lưỡi" về độ khó mà các nghệ sĩ vẫn dành hết tâm sức, vẫn có thể "tung hoành", thì những độc giả, khán giả ở nông thôn có thể yên tâm là mình chưa bao giờ bị lãng quên.
Lê Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.