Xuất khẩu vẫn ảm đạm
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới sụt giảm, ngoại trừ Philippines. Dự báo nguồn cung lúa gạo thế giới sẽ tiếp tục gia tăng sản lượng do mức tăng từ các nước lớn.
Cùng với yếu tố giảm nhập khẩu từ các thị trường nhập khẩu lớn như trung Quốc, Indonesia, Bangladesh dẫn đến kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước hàng đầu là Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đều khá ảm đạm.
Cần xây dựng một chuỗi liên kết đúng nghĩa từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo. (ảnh minh họa) Ảnh: Nguyên Vỹ
"Các doanh nghiệp cũng phải thể hiện sự trung thực trong thương mại từ năng lực sản xuất đến chế biến, xuất khẩu. Doanh nghiệp đừng coi thường cái tên của mình khi đã in trên bao bì sản sản phẩm, để không xảy ra trường hợp như bị trả hàng về, bị đánh giá kém…”.
Ông Trần Quốc Khánh
|
Điều đáng lưu ý là những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng và nhập khẩu đang thay đổi mạnh mẽ chính sách liên quan, như thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo, thay đổi phương thức nhập khẩu, cho phép nhiều nguồn cung cùng tham gia các đợt thầu hoặc nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất để đảm bảo tự chủ lương thực...
Các động thái và tình hình trên đã làm gia tăng lượng cung gạo toàn cầu, tăng tồn kho tại các nước xuất khẩu và làm thay đổi sâu sắc quan hệ cung cầu theo hướng thị trường thuộc về người mua. Việc xuất khẩu của các nước sản xuất lúa gạo như Việt Nam rơi vào thế muôn trùng khó khăn.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm tới 72%. Mặc dù xuất khẩu sang Philippines tăng mạnh nhưng cũng mới chỉ bù được một phần giảm sút của thị trường Trung Quốc.
Nếu như nửa đầu năm 2019, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tạm ổn với mức sụt giảm nhẹ thì dự báo những tháng cuối năm sẽ còn khó khăn hơn nhiều. “Không chỉ năm 2019, mà những năm tiếp theo, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ còn đối mặt với nhiều thách thức”- bà Tâm nhận định.
Cần một chuỗi liên kết đúng nghĩa
Tính đến nay đã có gần 200 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc gia tăng số lượng thương nhân không mang nhiều ý nghĩa nếu vị thế hạt gạo Việt vẫn còn thiếu vững chắc.
Ông Phạm Thái Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP.Cần Thơ) cho rằng, cách duy nhất để khắc phục “điểm đen” của ngành lúa gạo hiện nay là thực hiện mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân. Vì nếu nông dân không sản xuất theo tín hiệu thị trường, doanh nghiệp không đầu tư cho nguồn cung chất lượng cao thì cả hai sẽ còn khó dài dài.
“Thực tế đã có nhiều chính sách hỗ trợ thực hiện mối liên kết này nhưng vẫn chưa thành công là do thiếu vốn đầu tư. Sự tham gia của ngân hàng vào khâu này là rất quan trọng” - ông Bình nhấn mạnh.
Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định cần phải có chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo đúng nghĩa. Nhưng quan trọng nhất vẫn là kết nối được bên cung với bên cầu. Không có mắc xích bên ngoài thì các liên kết bên trong đều vô nghĩa.
Ông Khánh thừa nhận có những khó khăn, bất cập trong việc tiếp cận thị trường xuất khẩu gạo những năm gần đây. Nhiều đơn vị vẫn còn đem tư duy nông nghiệp truyền thống bước ra thị trường thế giới. Kiểu như đi chợ huyện, bán hàng đắt thì tốt, không đắt thì đổ bỏ.
Cuộc cạnh tranh xuất khẩu gạo sẽ ngày càng gay gắt nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế mà Nghị định 107 đã mở ra. Đơn cử như việc thực hiện báo cáo thông tin, rất nhiều doanh nghiệp chưa chịu làm. Doanh nghiệp cứ đòi Bộ Công Thương cung cấp thông tin thị trường trong khi chính mình không cập nhật thông tin cho Bộ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.