Khắc phục lúa bị ngộ độc phèn sắt ở Cà Mau

Thứ tư, ngày 14/11/2012 07:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Do mưa chụp trong tháng 10, nước ngập làm cho lượng phèn, trong đó có chất sắt lan tràn khắp nơi. Từ đó ảnh hưởng cho diện tích sạ, cấy lúa vụ 2 ở một số huyện Cà Mau, nặng nhất là huyện U Minh.
Bình luận 0

Lúa bị ngộ độc phèn sắt, khi ruộng lúa đang xanh thì mép lá sẽ chuyển sang màu tím, trên lá xuất hiện những đốm nâu chấm rất nhỏ.

Khi lá bị nặng sẽ chuyển sang màu vàng và có thể chết. Nhổ cây lúa lên quan sát, nếu nhiễm phèn sắt nhẹ thì rễ lúa sẽ có màu vàng hơi trắng, còn nặng thì sẽ có màu vàng nâu, nếu nặng hơn thì toàn bộ rễ sẽ chuyển sang màu đen và mềm nhũn... Cây lúa không hút được dinh dưỡng.

Để khắc phục, nên xả bỏ bớt nước trên ruộng, thay nước mới. Dùng phân lân để bón. Chất lân sẽ có tác dụng hạ phèn, cố định chất sắt lại, giảm tác hại cho bộ rễ. Song song với việc bón lân, bà con nên sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng lân cao (siêu lân), các phân bón lá hữu cơ Humat, K-Humic… phun trên lá, một phần nuôi dưỡng bộ rễ, một phần giúp lúa giải độc phèn sắt cho bộ rễ.

Lúa đang bị ngộ độc phèn, tuyệt đối không được bón phân đạm (urê) hoặc phun phân bón lá có hàm lượng đạm cao. Sau 5 ngày xử lý bón phân lân, phun phân bón lá hữu cơ, bà con kiểm tra thấy bộ rễ lúa ra màu trắng thì ruộng lúa đã được khắc phục.

Trên thị trường hiện có rất nhiều loại phân lân với hàm lượng lân (P2O5) khác nhau, khi mua bà con nên chọn loại phân lân có hàm lượng lân 16-18% và bón đủ lượng phân lân từ 25-30kg/công mới có hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem