Khách Mỹ, Nhật sẵn sàng chi tiền mua ngao cỡ lớn, đáng tiếc Việt Nam không đáp ứng được

Minh Huệ Thứ năm, ngày 29/12/2022 09:59 AM (GMT+7)
Trước đây trọng lượng con ngao của Việt Nam đạt bình quân 20-50 con/kg, nhưng bây giờ ngao càng ngày càng bé, 80-100 con/kg. Doanh nghiệp Mỹ, Nhật, Hàn sẵn sàng chi tiền mua hàng trăm tấn ngao cỡ lớn, đáng tiếc là Việt Nam không đáp ứng được.
Bình luận 0

Tiềm năng nuôi ngao rất lớn, nhưng thiếu quy hoạch vùng nuôi

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hồ Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tại Diễn đàn "Doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2022", do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Phát triển nguồn nhân lực phối hợp tổ chức ngày 28/12. 

Doanh nghiệp Mỹ, Nhật sẵn sàng bỏ tiền mua hàng trăm tấn ngao cỡ lớn, đáng tiếc Việt Nam không đáp ứng được - Ảnh 1.

Trước đây trọng lượng con ngao của Việt Nam đạt bình quân 20-50 con/kg, nhưng bây giờ ngao nuôi với mật độ dày, thời gian thu hoạch ngắn, khiến con ngao càng ngày càng bé, 80-100 con/kg.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên cho biết, hiện nay nhu cầu tiêu thụ ngao trên thị trường rất lớn, cả nội địa và xuất khẩu đều rất tiềm năng, nhưng nghề nuôi ngao ở nước ta mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Trước đây, trọng lượng con ngao của chúng ta lớn, kích cỡ trung bình từ 20-30 con/kg, hoặc 40 - 50 con/kg, nhưng bây giờ ngao nuôi càng ngày càng bé, lên tới 80-100 con/kg. Tỷ lệ thịt và vỏ không đảm bảo. Nguyên nhân là do người dân nuôi với mật độ quá dày, thời gian thu hoạch rút ngắn lại.

Trong khi đó, rất nhiều khách hàng Mỹ, Nhật Bản đưa ra yêu cầu có bao nhiêu ngao cũng mua, với điều kiện đạt kích cỡ lớn hơn. 

"Đáng tiếc là các vùng nuôi ngao của chúng ta không đáp ứng được. Hiện nay giống ngao của chúng ta bị thoái hóa, dễ bị nhiễm dịch bệnh, trong khi chi phí nuôi ngao của bà con ngày càng cao, dẫn đến năng suất nuôi ngao chưa tốt, giá thành cao, khó cạnh tranh với ngao nuôi của các nước khác. Hồi trước người Nhật, Hàn sẵn sàng mua ngao với hàng trăm tấn, nhưng hiện nay chỉ có thể mua đc 15 – 20 tấn mà thôi" - ông Nguyên nói.

Nghề nuôi ngao chỉ cần thành công vài vụ, nông dân đã có thể thu tiền tỷ, nhưng cũng có thể mất trắng tay nếu ngao bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, môi trường. Do đó, theo ông Nguyên, chúng ta cần có chính sách nâng cao nhận thức, tư tưởng đối với người nuôi mới đáp ứng được thị trường, Đây không chỉ là yêu cầu đối với ngành ngao mà ngành nào cũng vậy. Hiện Lenger đã hình thành được chuỗi liên kết với người nuôi, xây dựng các vùng nuôi đạt chứng chỉ ASC (tiêu chuẩn quốc tế về nuôi thủy sản bền vững) tại Nam Định, vùng nuôi ngao huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Trà Vinh, Tiền Giang.

Tuy nhiên, thực tế tỷ lệ cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm ngao tại nước ta chưa nhiều; sản phẩm thiếu đa dạng, và ít giá trị gia tăng; khâu quảng bá, phát triển thương hiệu, thị trường còn hạn chế...

Doanh nghiệp Mỹ, Nhật sẵn sàng bỏ tiền mua hàng trăm tấn ngao cỡ lớn, đáng tiếc Việt Nam không đáp ứng được - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hồ Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: M.H

Cũng theo ông Nguyên, nghề nuôi ngao ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn với nhiều bãi triều, nhưng hiện nay các vùng nuôi ngao đang bị xâm lấn, ảnh hưởng bởi các dự án du lịch, dự án công nghiệp... Bản thân Lenger đã từng bị thiệt hại khi vùng nuôi ngao bị nhiễm kim loại nặng, sản phẩm không xuất khẩu được. 

"Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng ngao giống rất khó khăn. Ngay như ở Nam Định, nơi được ví là đất  nuôi ngao ở miền Bắc song tỉnh cũng đang có tới 4 khu công nghiệp. Như vậy con ngao giống không thể sống được. Trong khi các nước quy định rất chặt chẽ, ngay cả khu du lịch sinh thái cũng không được nuôi ngao, hàu. Do đó, chúng ta rất cần xây dựng quy hoạch vùng nuôi riêng" - ông Nguyên hiến kế. 

Khách Mỹ, Nhật sẵn sàng chi tiền mua ngao cỡ lớn, đáng tiếc Việt Nam không đáp ứng được - Ảnh 3.

Lô hàng ngao đóng họp của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Theo Tổng cục Thủy sản, nhuyễn thể được xác định là một trong những ngành hàng chủ lực bởi giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển. Các đối tượng nuôi chủ yếu là: nghêu (ngao), sò huyết, ốc hương, trại ngọc, điệp, bào ngư, hàu… Các tỉnh nuôi nhuyễn thể chủ lực là Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Tp Hồ Chí Minh.

Lũy kế 10 tháng năm 2022, xuất khẩu nhuyễn thể của nước ta mang về 124 triệu USD, thì riêng xuất khẩu ngao (nghêu) chiếm 70%, đạt trên 87 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam sang Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Bồ Đào Nha và Hà Lan tăng liên tục trong 5 tháng đầu năm, tăng từ 19-52%, sau đó giảm dần về cuối năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem