Khai giảng, nghĩ về những gần gụi, xa xôi…

Nguyễn Tri Thức Thứ tư, ngày 05/09/2018 16:38 PM (GMT+7)
Sáng sớm nay, tôi háo hức sang phòng đánh thức 2 con trai dậy sớm hơn thường ngày để đến trường khai giảng. Để là bộ quần áo đồng phục trắng tinh, phẳng phiu. Nhưng rồi chợt bần thần, khi các con bảo rằng, “trường con hôm nay không tổ chức khai giảng”…
Bình luận 0

Bọn trẻ trả lời, thậm chí còn có chút thản nhiên...

Cũng phải thôi, đứa lớn cuối cấp đã vào học hơn 1 tháng rồi, cậu em thì đến trường cũng hơn cả nửa tháng.

Học sớm, ngày đầu tiên đến trường với học sinh các cấp mới thực sự là ngày chúng háo hức, hồi hộp đợi chờ. Để được gặp lại bạn bè, để được biết lớp mới, thầy cô giáo mới… Đằng này, học đã vào nếp, đã quen thuộc mái trường… Ngày khai giảng, vì thế, cũng trở nên bớt ý nghĩa, bớt giá trị hơn, nhất là khi bọn trẻ phải đội nắng nhễ nhại mồ hôi, đội mưa nhem nhép nước…

img

Ngày khai trường bây giờ đã khác xưa. Lớp học bây giờ cũng đã khác xưa rất nhiều, khang trang, hiện đại, hội nhập hơn. Nhưng chất lượng giáo dục vẫn là vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt khi những cải cách bao năm qua chưa cho ra đáp án hoàn hảo, trái lại, còn gây ra những sự cố như kiểu điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao chót vót một cách bất thường ở các tỉnh vốn không phải là “đất học”, như Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình…

Hay mới nhất là câu chuyện gây xôn xao báo chí, mạng xã hội xung quanh bộ sách “Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục”, với đa phần là ý kiến phản đối, thậm chí hết sức gay gắt, từ chính các chuyên gia sư phạm, những thầy cô trực tiếp giảng dạy cho đến phụ huynh học sinh... Ấy là còn chưa kể đến những chuyện đằng sau sự ra đời, xuất hiện, phổ biến rộng rãi của bộ sách “lạ” với những phỏng đoán, đồn đại không phải là đã thiếu cơ sở trên mạng xã hội…

Sáng sớm nay, dọc đường đến nơi làm việc, tôi vẫn đi qua một số ngôi trường với ồn ào, náo nức không khí ngày khai giảng – ngày nhập học với biết bao đợi chờ, mộng mơ sau những tháng ngày nghỉ hè dài dặc... Với nhiều phụ huynh học sinh nán lại ở cổng trường ngoái vào xem các con mình tập trung ở sân trường nghe đọc diễn văn, xem biểu diễn văn nghệ hay nô đùa, chuyện trò rôm rả cùng bạn bè… Ngày khai trường, dẫu không phải là ngày đầu tiên đến lớp, dẫu đã bớt đi nhiều hồi hộp, háo hức, thiêng liêng, nhưng vẫn là một ngày đặc biệt, một ngày chính thức đánh dấu năm học mới, nhất là với các em đầu cấp, cuối cấp, các em học sinh vào lớp 1…

Ngày khai giảng năm nay, dẫu có ồn ào thêm bởi những sự cố bất ngờ phát lộ trước đó khiến xã hội bị bào mòn, suy giảm niềm tin vào chất lượng giáo dục, môi trường sư phạm, vào sự kinh doanh giáo dục, thì nó vẫn là ngày chính thức đánh dấu năm học mới của gần 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước…

Một năm học có tính chất bản lề trong lộ trình thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) thông qua…

img

Thầy trò trường PTDTBT THCS Nậm Ngà (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) lại tổ chức lễ khai giảng đón chào năm học mới bên bờ suối. 

Bất chợt, tôi nhớ tới chuyến công tác Hà Giang vào tháng 8.1999. Hồi ấy, lần đầu đến Hà Giang, tôi được biết thế nào là những con đường xóc nảy, trơn nhầy nhụa, cheo leo bên vách đá dựng đứng bên vực sâu hun hút đầy gian nan, chênh vênh, hiểm nguy. Hồi ấy, tôi được biết đến những điểm trường (dù là dễ đến nhất) vô cùng khó đi, về điều kiện sống gian nan, khổ cực của cả giáo viên, học sinh lẫn người dân. Đó là các điểm trường bản Lèng Xảng (xã Ma Lé, huyện Đồng Văn), Trù Sán (còn gọi là bản Tre Núi, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc), Há Chúa Lả (xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn), Mã Pì Lèng (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc)… Và rồi, tôi về viết phóng sự “Nhọc nhằn cái chữ lên non”, ra ngày 4.9.1999, ngay trước ngày cả nước tưng bừng tổ chức lễ khai giảng, bắt đầu năm học mới, mà thấy cái sự học ở các vùng, miền khác nhau thật xa...

Đã 19 năm trôi qua, giáo dục giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị vẫn còn những khoảng cách ngút ngàn, về nhiều mặt. Tất nhiên, không phải là khoảng cách điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông vợi cao bất thường. Tất nhiên, không phải có sự cố rồi thì chúng ta cứ mặc nhiên mất đi niềm tin vào chất lượng, phẩm hạnh giáo dục của một địa phương nào đó, thậm chí của cả một ngành...

Nhưng chắc rằng, ai trong số chúng ta cũng rất mong, rất cần giáo dục được trả lại đúng nghĩa là môi trường dạy và học thực chất, là môi trường nuôi dưỡng, rèn giũa những giá trị, nhân cách làm người trung thực, tử tế, tài năng… cho lớp lớp các thế hệ sau này. Để tạo dựng, bồi đắp niềm tin cho người dân.

Để mỗi khi xảy ra sự cố, thì bản chất, đó chỉ là sự vô tình, chứ không phải chủ ý của cá nhân, hay nhóm nhỏ nào đó…

Để quan trọng nhất, thực sự như câu khẩu hiệu chúng ta vẫn kẻ vẽ, giăng ra,  nhìn thấy hằng ngày, nhất là vào ngày khai trường, rằng: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Cả với thầy cô và học sinh. Khắp cả nước…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem