Khai thác cát biển làm cao tốc: Hết sức thận trọng, không thể đánh cược với môi trường

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại Quốc Hội, Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, XI Thứ tư, ngày 29/05/2024 14:09 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh thiếu cát sông để làm đường cao tốc ở ĐBSCL, dùng cát biển để thay thế là một hướng tìm kiếm. Tuy nhiên việc thay thế là có điều kiện mà khi chưa đáp ứng thì triển khai đại trà là một sự liều lĩnh, đánh cược với môi trường.
Bình luận 0

Ngày 11/5/2024 một cuộc họp với các địa phương để giải quyết vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam đã được tổ chức tại Vĩnh Long do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì.

Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo tình hình thiếu cát san lấp cho hai cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng được Bộ quy hoạch xây dựng trên mặt đất vẫn chưa được cải thiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo đã hoàn thành dự án "Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng ĐBSCL" và đã bàn giao kết quả cho UBND tỉnh Sóc Trăng, với trữ lượng khoảng 145 triệu m3, điều kiện khai thác khả thi và có thể chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác.

Khai thác cát biển làm cao tốc: Hết sức thận trọng, không thể đánh cược với môi trường- Ảnh 1.

Khai thác cát sông trong đất liền đã phức tạp, địa phương lại không có khả năng quản lý khai thác cát biển ngoài khơi nên lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo giao Cảnh sát biển là đơn vị quản lý đối với nguồn tài nguyên này.

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ đặt câu hỏi: Hiện nay Cần Thơ không bị nhiễm mặn, nếu sử dụng cát biển liệu có ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên hay không?

Lãnh đạo Sóc Trăng và Cần Thơ băn khoăn về cơ sở pháp lý của việc áp dụng cơ chế đặc thù để khai thác cát biển phục vụ cho cao tốc. Hai vị lãnh đạo kiến nghị Chính phủ cần có văn bản pháp lý hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng cát biển thay thế cát sông để địa phương không bị vướng mắc khi triển khai.

Kết luận cuộc họp Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định "Cát biển cấp cho dự án cao tốc là nằm trong cơ chế đặc thù"... Vì vậy, các địa phương có cát biển triển khai các thủ tục cung cấp mỏ cát biển phục vụ cho dự án cao tốc áp dụng theo cơ chế đặc thù. 

Mặt khác Phó Thủ tướng chỉ đạo "Hiện nay các dự án cao tốc nào đang thiếu cát, Bộ GTVT chuyển hết sang sử dụng cát biển, không làm cát sông nữa".

Việc sử dụng cát biển trong xây dựng các đường cao tốc ở Tây Nam sông Hậu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần đốc thúc và giao nhiêm vụ cụ thể cho các Bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ phối hợp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu dùng cát biển san lấp cao tốc thay cát sông, nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường (1).

Về vấn đề này, trên thực tế như thế nào? Trong công văn số 2499/BGTVT-KHCN&MT, Bộ GTVT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo một số kết quả, nội dung việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông (2), theo đó:

Việc sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ô tô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện.

Hội đồng cấp Bộ thống nhất việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường ô tô cao tốc với một số điều kiện: chỉ sử dụng cát biển đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu theo TCVN 9436:2012, sử dụng cho nền đắp có độ chặt K≤ 95 tại các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của Dự án thí điểm.

Khai thác cát biển làm cao tốc: Hết sức thận trọng, không thể đánh cược với môi trường- Ảnh 2.

Nguồn cát tại công trình đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn đi qua ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) lẫn nhiều tạp chất là những vỏ nhuyễn thể. Ảnh: Huỳnh Xây

Trong chưa đầy hai tháng việc hoàn thành các yêu cầu thí điểm trong công văn 2499/BGTVT-KHCN&MT là điều không thể. Việc áp dụng cát biển đại trà là trái với điều kiện mà Hội đồng cấp Bộ đã nêu.

Ngày 16/5/2024, chỉ năm ngày sau cuộc họp ở Vĩnh Long nhiều báo đưa tin việc nông dân ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy tỉnh Hậu Giang đã bị thiệt hại hai vụ lúa Đông Xuân và Hè thu liên tiếp vì ruộng lúa của họ ở hai bên đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau đang xây dựng bị nhiễm mặn (3).

Có 9 hộ ở ấp 9 có ruộng bị nhiễm mặn. Số liệu trong Đơn thư cho thấy trên tổng diện tích 33.300 m2 có đến 9700 m2 bị thiệt hại vì ruộng bị nhiễm măn (tỷ lệ thiệt hại bình quân là 29,1%, có 4 hộ tỷ lệ thiệt hại trên 50%).

Nguyên nhân từ đâu thì còn chờ kết luận chính thức, nhưng chắc chắn từ hiện trường là ruộng lúa hai bên cao tốc đang san nền, nước bị nhiễm mặn (có số liệu đo đạc) và trong cát san nền có nhiều vỏ sò mà cát sông hiện tại không thể có.

Hai trích dẫn trên đây cho thấy việc khai thác cát biển để làm cao tốc cần phải hết sức thận trọng, trên cơ sở khoa học và kết quả thí điểm.

Không phải là bàn lại việc xây cao tốc ở ĐBSCL, nhất là ở Tây Nam sông Hậu, vì đây là khao khát từ lâu của đồng bào, mà là góp ý để các tuyến cao tốc là khả thi và lâu bền, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng. 

Đã có những đề xuất hết sức xây dựng từ tháng 3/2023, chấp nhận các tuyến mà Bộ đã vạch, chỉ thay xây dựng cao tốc trên cầu cạn ở những địa bàn mà điều kiện môi trường khó khăn, nhưng Bộ GTVT vẫn giữ nguyên quyết định xây cao tốc trên mặt đất.

Xin được nhắc lại, thiếu cát san nền chỉ là một thách thức tình huống đối với giải pháp xây cao tốc trên mặt đất. Giả sử có đủ cát để xây dựng, con đê cao tốc này sẽ chạy xuyên những cánh đồng lũ, trũng, cao trình thấp, nền đất yếu.

Từ đó, nó sẽ làm tăng thêm nguy cơ sụt lún, mặt đường nhanh chóng xuống cấp, lồi lên tại các cống thoát nuóc và sụp xuống tại các mố cầu, hạn chế tốc độ của các phương tiện lưu thông. 

Nó sẽ chia cắt cảnh quan, tác động đến thủy văn, đến sinh kế người dân và đời sống xã hội ở hai bên nó. Đó mới là các thách thức căn bản mà chính nó tạo nên.

Nay nếu từ con đê này còn tiết ra mặn do cát biển không được rữa mặn dùng để san lấp thì quả là một tai họa. Trách nhiệm này thuộc về ai?


(1) Công điện ngày 12/9/2023, Xem https://vnexpress.net/thu-tuong-day-nhanh-viec-dung-cat-bien-lam-cao-toc-4652681.html.

(2) a. https://baophapluat.vn/chua-the-dung-cat-bien-xay-dung-duong-cao-toc-post507020.html;

b. https://etime.danviet.vn/da-co-ket-qua-dung-cat-bien-lam-duong-cao-toc-0240318113832917.htm

(3) Một bài báo: https://danviet.vn/nong-dan-hau-giang-trong-lua-cap-cong-trinh-duong-cao-toc-nuoc-bat-ngo-nhiem-man-thiet-hai-ca-2-vu-20240516090726055.htm

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem