Những chiếc quạt cổ tưởng vứt đi nhưng qua tay phục chế của “ông vua quạt cổ” Trần Công Phúc và người con trai nó lại có giá trị lên tới cả trăm triệu đồng. Với bộ sưu tập quạt cổ có một không hai này, ông Phúc đã từng được ghi danh trong “kỷ lục Guinness Việt Nam”.
Ông Phúc lúc còn sống với “bảo tàng quạt cổ” của mình.
Tính tới thời điểm này, “ông vua quạt cổ” Trần Công Phúc đã ra đi hơn 4 năm nhưng tình yêu với những chiếc quạt cổ ấy không hề bị gián đoạn. Bởi người con trai của ông là anh Trần Hồng Đức và người học trò là anh Nguyễn Văn Ngọc đã nối nghiệp cha, tiếp tục “thổi hồn” để hồi sinh những chiếc quạt cổ.
"Hiện tại ở Hà Nội rất ít cửa hàng sửa chữa quạt cổ, chỉ có 2 – 3 cửa hàng. Chính vì vậy, thợ sửa chữa quạt cổ cũng rất hiếm, tôi và 2 người thợ ở đây do chính bố tôi đào tạo", con trai ông Phúc cho hay.
Năm 2012, ông Trần Công Phúc được xác lập kỷ lục Việt Nam “Người có bộ sưu tập quạt cổ nhiều nhất”.
“Việc phục chế một chiếc quạt tưởng như bỏ đi khiến nó sống lại gần như nguyên bản đó là một việc làm vô cùng thích thú. Nó đem lại cho tôi cảm giác chinh phục và say mê. Cũng giống như thầy, tôi có thể ngồi lì cả ngày để tìm tòi, khám phá ra cách phục chế hoàn hảo nhất”. Anh Ngọc (học trò của ông Phúc) chia sẻ.
Trong căn nhà chỉ rộng chừng 20 mét vuông của anh Đức nhiều quạt đến nỗi tất cả những chiếc quạt trần treo trong nhà đều phải tháo cánh cất riêng.
Nhiều nhất là quạt Marelli, thứ đến là quạt Emi Hà Lan, Calor Pháp, quạt tai voi của Nga, quạt National dùng điện 110 volt của Nhật nhập vào miền Nam trước 1975…
"Chiếc quạt cổ lần đầu tiên bán đi cũng chính là chiếc quạt trần hiệu Marelli nổi tiếng của Ý. Bố tôi mang về sửa chữa và mông má lại treo trước nhà, không lâu sau, một ông Tây đến trả giá 200 đô la trong khi giá mua chỉ có 70.000 đồng”. anh Đức chia sẻ thêm.
"Ít ai biết chiếc quạt này gần như là đời đầu, khi bắt đầu xuất hiện điện thì và chế tạo ra quạt thì đây là dòng đầu tiên" anh Ngọc hào hứng chia sẻ.
"Còn chiếc quạt này có từ thời những năm 1921-1930 và càng về sau, các loại quạt được thiết kế nhỏ gọn hơn, tiết kiệm điện và nguyên liệu làm ra hơn".
Những chiếc quạt cổ này trước đây được người Pháp chở sang trang hoàng cho các dinh sở, biệt thự để làm dịu đi cái nóng miền nhiệt đới. Đã có thời gian, những chiếc quạt điện chỉ dành cho những gia đình quý tộc.
Chúng được treo trong nhà không những chỉ tạo mát mà còn là vật trang trí thể hiện sự giàu sang.
Chiếc quạt trần cổ này được treo trong nhà ông Phúc được định giá hơn 100 triệu đồng.
Nổi bật nhất trong bộ sưu tập quạt cổ là dòng Marelli của Ý vốn được là vua của các loại quạt, các chi tiết đều đạt đến đến độ tinh xảo. Quạt được làm chính xác công phu đến từng con ốc, bánh răng, chân đế… Chính vì thế, chúng có khả năng hoạt động bền bỉ hàng trăm năm.
Hiện tại, cửa hàng nhà anh Đức có hơn 10 chiếc quạt cổ dòng Marelli, chúng đều được làm bằng đồng nguyên chất. Chiếc rẻ nhất có giá vài triệu, chiếc đắt nhất có giá trăm triệu đồng.
Không chỉ dòng Marelli đắt giá mà có những dòng quạt cổ của Pháp cũng có giá lên đến trăm triệu đồng/chiếc.
Hàng ngày, có nhiều vị khách tìm đến ngôi nhà nhỏ để mua cho được một kỷ vật mang dấu ấn thời gian đang được bảo lưu trong lòng Hà Nội.
Và sở dĩ quạt cổ hấp dẫn không chỉ tuổi đời mà vì vẻ đẹp trong thiết kế với các đường cong, bo trong cổ điển, lớp mạ đồng của lồng và cánh quạt sáng bóng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.