Khám phá “Bệnh viện quạt cổ” nức tiếng khu phố cổ Hà Nội
Khám phá “Bệnh viện quạt cổ” nức tiếng khu phố cổ Hà Nội
Thảo Quyên
Thứ năm, ngày 11/08/2022 09:55 AM (GMT+7)
Ngôi nhà số 2 phố Tạ Hiện (Hà Nội) nổi tiếng với cái tên "Bệnh viện quạt cổ" bởi đây là nơi "khám" và "chữa trị" cho những chiếc quạt tưởng chừng như không còn giá trị sử dụng...
“Bệnh viện quạt cổ” nức tiếng khu phố cổ Hà Nội. Clip: Thảo Quyên.
Trái ngược với vẻ sầm uất, nhộn nhịp nơi phố cổ Hà Nội, "bệnh viện quạt cổ" ở ngôi nhà số 2 Tạ Hiện mang trong mình dáng vẻ trầm lắng với hàng trăm chiếc quạt thuộc dạng "độc nhất vô nhị", có tuổi đời lên đến trăm năm của nhiều thương hiệu đình đám trên thế giới như Marelli của Ý, Calor, Eole của Pháp, quạt tai voi của Nga, Emi của Hà Lan,... đang được lưu giữ tại đây.
Được biết, gia tài đồ sộ này là của ông Trần Công Phúc, người được mệnh danh là "ông vua quạt cổ" dày công tìm kiếm và sưu tầm trong suốt nhiều năm trời. Hiện tại, tuy ông Phúc đã ra đi được 5 năm nhưng con trai của ông là anh Trần Hồng Đức đã nối tiếp tình yêu với những chiếc quạt cổ bằng công việc phục chế.
Trong căn nhà nhỏ chưa đến 25m2, khắp nơi đều trưng bày quạt. Từ những chiếc quạt cũ rích đen nhẻm đến những chiếc quạt được đánh bóng lại với lớp sơn vàng đồng, mới tinh như chưa được sử dụng.
Anh Đức tỏ ra tự hào khi "khoe" về bộ sưu tập quạt khổng lồ mà bố để lại. Trong bộ sưu tập đó, quạt Marelli (Italy), quạt Emi (Hà Lan) hay Calor (Pháp) là các dòng có giá trị cao, rất hiếm ở thời điểm hiện tại.
Nhắc đến quạt cổ, không thể không nhắc đến dòng quạt Marelli đình đám được sản xuất tại Ý vào thời gian đầu khi động cơ điện mới xuất hiện. Quạt Marelli tạo ra vẻ đẹp mềm mại, sắc sảo, mang cảm giác hoài cổ. Đồng thời, quạt Marelli còn là vật trang trí đẳng cấp trong các không gian trang trọng như biệt thự cổ, khu nghỉ dưỡng,...với khuynh hướng cổ điển.
Chiếc quạt Eole (Pháp) được sản xuất vào những năm 1930 - 1940 chạy với công suất rất lớn, quạt Eole thường được đặt dùng trong các nhà thờ.
Ngoài ra, còn phải kể đến quạt Emi (Hà Lan) với thiết kế cánh được lấy cảm hứng từ củ lạc, lồng tạo hình tia sét.
Mỗi một chiếc quạt đều có thiết kế độc đáo và mang trong mình vẻ đẹp riêng. Điểm chung của hầu hết những chiếc quạt này là được làm kỹ lưỡng từ chất liệu đắt tiền như: thân đúc bằng gang, cánh bằng gỗ hoặc đồng,...Vì vậy mà chúng có tuổi đời lên đến hàng trăm tuổi.
Nói về công việc phục chế quạt, anh Đức cho biết khó khăn lớn nhất trong quá trình phục chế là việc thiếu linh kiện lắp ráp: "Mỗi chiếc quạt đều có cấu tạo, đặc tính khác nhau nên không hề dễ dàng trong việc tìm kiếm đúng linh kiện của nó. Nhiều khi linh kiện của 2, 3 chiếc quạt tháo ra chỉ đủ để khôi phục 1 cái quạt, nên lắm lúc tôi mất cả tháng trời mới tìm ra linh kiện thay thế".
Bên cạnh kỹ năng cơ bản, người thợ còn phải thật đam mê và đủ kiên nhẫn để ngồi nhiều giờ đồng hồ bên chiếc quạt hỏng. Được "lây lan" tình yêu quạt cổ từ bố cùng niềm đam mê phục chế quạt nên dù phức tạp đến mấy anh Đức cũng quyết "hồi sinh" bằng được những chiếc quạt cổ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.