Khàn giọng: Dậy thì hay ung thư?

Thứ ba, ngày 11/12/2012 06:33 AM (GMT+7)
Khàn giọng (khan tiếng) là triệu chứng rất hay gặp. Ai cũng phải ít nhất vài lần trong đời bị khan giọng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, khoảng 5 – 10% thường xuyên bị khàn tiếng.
Bình luận 0

Tại bệnh viện Chợ Rẫy, gần 20% số bệnh nhân khám tai mũi họng mỗi ngày có triệu chứng khàn tiếng.

Nguyên nhân: theo tuổi

Trẻ em và thanh thiếu niên (dưới 18 tuổi): Trong nhóm này khàn tiếng thường do những bệnh lý hoặc hội chứng sau: do bẩm sinh (u nang, u hơi, u máu, u nhú thanh quản hoặc màng giữa hai dây thanh âm...); do mắc phải (polyp, nang hoặc hạt dây thanh âm); do viêm đường hô hấp trên, dưới hoặc cả hai vì nhiễm siêu vi, vi trùng hoặc đơn thuần chỉ do bị dị ứng như viêm amidan, viêm mũi xoang, viêm V.A, viêm tai giữa, bệnh bạch hầu, viêm thanh thiệt cấp, viêm thanh quản cấp và mãn, viêm phế quản và viêm phổi... Cuối cùng là do dị vật đường ăn hoặc đường thở rất hay gặp ở trẻ nhỏ.

img

Không do bệnh lý là khàn tiếng sinh lý hay còn gọi khan tiếng tuổi dậy thì, thường gặp ở bé trai 12 – 13 tuổi trở lên, do có sự thay đổi cơ thể học ở bộ phận hộp âm như dây thanh dài và dày hơn các bé gái cùng độ tuổi, cộng thêm những thay đổi bên trong về nội tiết đang dần biến một cậu bé sang người trưởng thành. Khàn tiếng loại này có thể kéo dài từ vài tháng đến một năm.

Người trưởng thành: Khàn tiếng ở độ tuổi này bao gồm các nguyên nhân bệnh lý đã nêu ở nhóm trên, trong đó nguyên nhân khan tiếng do các khối u mắc phải và do viêm đường hô hấp tăng lên nhiều, ngoài ra có sự xuất hiện các tác nhân thời đại, do môi trường sống, do điều kiện làm việc đem lại như: bệnh nghề nghiệp (hay gặp ở giáo viên, ca sĩ, M.C, buôn bán, nhà môi giới...), tức những người phải thường xuyên nói nhiều, nói lớn, sử dụng giọng trong một thời gian dài làm kiệt lực dây thanh âm; bệnh tự miễn (bệnh Sjogren), bệnh nhược cơ do thần kinh (Myasthenia gravis), bệnh nội tiết (viêm thanh quản teo ở phụ nữ do trĩ mũi, Ozena); bệnh xã hội như lao, nấm thanh quản, do hít phải chất độc (ở người làm việc tại công trường xây dựng, phòng hoá chất, hầm mỏ...).Những người nghiện hút hoặc người bị hít thụ động (thuốc lá, khói nhang) nếu thường xuyên uống rượu, bia thì khàn tiếng càng kéo dài.

Những nguyên nhân khác: khàn tiếng do chấn thương (chấn thương sọ não, chấn thương thanh quản do tai nạn giao thông, do tai nạn nghề nghiệp, do đâm chém, do phẫu thuật cắt bướu giáp, do đặt nội khí quản lâu ngày gây sẹo dính dây thanh, sẹo hẹp khí quản...); do một số bệnh lý đường tiêu hoá như bệnh trào ngược của dịch dạ dày (GERD), bệnh Barrett thực quản – hiện bệnh này có xu hướng tăng.

Người có tuổi (trên 50 tuổi): ở độ tuổi này thì các nguyên nhân khan tiếng bao gồm những nguyên nhân đã nêu ở hai nhóm trên vẫn cao, lại còn xuất hiện thêm những bệnh đặc thù của nhóm tuổi: bệnh do rối loạn chuyển hoá, bệnh hệ thống, những rối loạn liên quan đến nhiều bộ phận và thành phần quan trọng của cơ thể như mạch máu, thần kinh và cơ như các bệnh thoái hoá não, tai biến mạch máu não, nhược cơ tuổi già, bệnh Parkinson...

Bệnh do khối u lành hoặc ác tính ở đầu cổ chèn ép thần kinh hồi quy gặp ở bệnh bướu giáp nhân, bướu giáp thòng và các khối u khác như u thành bên họng, u hạ họng, u thanh quản, u trung thất, phình quai động mạch chủ ngực, viêm phổi, u phổi, u não hoặc các khối u từ nơi khác không mời mà đến do di căn.

Điều trị: tuỳ chẩn đoán

Phần lớn những người bị khàn tiếng (trên 90%) sẽ khỏi chỉ bằng điều trị nội khoa kết hợp dùng thuốc đủ liều, xông thuốc dưới dạng khí dung, nghỉ ngơi hợp lý, giảm nói và giảm hút thuốc lá, uống rượu, tuy nhiên vẫn còn một số (2 – 5%) cần điều trị thêm bằng các phương pháp khác như thủ thuật ngoại khoa cắt hạt, nang hoặc polyp trên dây thanh âm.

Cũng như những bệnh lý khác, muốn điều trị khàn tiếng thành công phải chẩn đoán chính xác, hầu hết có thể chẩn đoán và xử trí ngay qua phương tiện nội soi. Tuy nhiên có những trường hợp khó chẩn đoán, cần kết hợp nhiều chuyên khoa như tai mũi họng, thần kinh, hô hấp hoặc ngoại lồng ngực cùng các xét nghiệm hỗ trợ như nội soi ống mềm, chụp X-quang phổi, CT scan sọ não hoặc lồng ngực.

Đôi khi phải lấy thêm mẫu mô tại thanh quản đem thử, kết quả được thông báo bởi chuyên khoa giải phẫu bệnh, kết quả này có tiếng nói quyết định và duy nhất chẩn đoán có bị ung thư thanh quản hay không và từ đây cho phép bác sĩ hướng đến việc can thiệp là xạ trị, hoá trị hay cắt thanh quản (hộp âm) của bệnh nhân. Việc thực hiện xạ trị, hoá trị trong thời gian bao lâu, sử dụng bao nhiêu tia xạ hoặc phẫu thuật thanh quản như thế nào (toàn phần hay bán phần) tuỳ thuộc quyết định của bác sĩ chuyên khoa ung bướu và tai mũi họng.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem