Khánh thành nhà máy chế biến thịt lợn "khủng" nhất miền Bắc

Minh Huệ Chủ nhật, ngày 04/11/2018 16:39 PM (GMT+7)
Sáng nay (4/11), tại huyện Hải Hậu (Nam Định) đã diễn ra lễ khánh thành tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn theo công nghệ quốc tế Nhà máy Biển Đông DHS. Đây là nhà máy lớn nhất miền Bắc hiện nay, với quy mô 20ha, tổng giá trị đầu tư lên tới 300 tỷ đồng.
Bình luận 0

Lễ khánh thành diễn ra với sự chủ trì của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Nam Định và sự tham dự của đại diện các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tĩnh, TP.Hà Nội, Hải Phòng, đại diện Đại sứ quán Hà Lan, tham tán thương mại Trung Quốc và các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản... 

img

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: M.H

Ông Vũ Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Biển Đông DHS cho biết: "Tính đến thời điểm này, đây là nhà máy giết mổ và chế biến thịt lợn lớn nhất miền Bắc, với dây chuyền giết mổ công suất 300 con lợn/giờ (trọng lượng lợn từ 100-150kg). Toàn bộ dây chuyền giết mô lợn tự động được đầu tư đồng bộ, nhập khẩu từ Hàn Quốc và được Bộ NN&PTNT đánh giá là hiện đại bậc nhất cả về quy mô, công nghệ".

"Chúng tôi làm nhà máy này vì trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội và khát khao góp phần thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam, nhất là ngành chăn nuôi lợn ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp. Chúng tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, ban đầu trình bày phương án xây dựng nhà máy còn không ai tin. Rất nhiều người, rất nhiều ngân hàng ban đầu ủng hộ nhưng cuỗi cùng lại từ chối vì ai cũng hiểu, đầu tư vào nông nghiệp là rủi ro rất cao, khó thu hồi vốn" - ông Nghĩa chia sẻ.

img

Dây chuyền giết mổ của Nhà máy Biển Đông DHS có tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng trên diện tích 20ha tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định). 

"Nhờ sự ủng hộ của Bộ NNPTNT, Ngân hàng NNPTNT, với sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác đến từ Hà Lan (Tập đoàn De Heus), Hàn Quốc (Công ty Deawon), chúng tôi đã nỗ lực thực hiện các giải pháp cần thiết để từng bước đưa nhà máy vào hoạt động và chuẩn bị đưa sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc. Hiện Công ty đã ký kết hợp tác sản xuất sản phẩm thịt phục vụ thị trường Việt Nam và xuất sang Hàn Quốc thông qua Công ty Deawon" - ông Vũ Trọng Nghĩa thông tin.

img

Ngay sau khi giết mổ, thịt lợn sẽ được đưa vào làm mát theo quy trình, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Cũng theo ông Nghĩa, với công nghệ giết mổ hiện đại, dây chuyền này sẽ cho ra sản phẩm thịt mát, được lưu trữ và phân phối trong hệ thống kho và vận chuyển lạnh từ 0 - 4oC trong suốt thời hạn sử dụng. Thịt lợn mát có hạn sử dụng trong vòng 5 ngày và đây cũng là cách thức sản xuất, bảo quản, kinh doanh phổ biến và được chuẩn hóa trên thế giới.

img

Hiện các sản phẩm thịt lợn của nhà máy đã được đưa vào tiêu thụ tại một số siêu thị lớn. Ảnh: M.H

Là đối tác quan trọng của Công ty TNHH Biển Đông, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á cho biết: "Trong 2-3 năm gần đây, ngành chăn nuôi Việt Nam, đặc biệt là chăn nuôi heo đã có sự thay đổi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng thịt heo sạch, an toàn của người dân ngày càng tăng cao, đây là khó khăn song cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuỗi thịt heo chế biến và xuất khẩu.

Tại sự kiện này đã có nhiều đối tác đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… - đều là những thị trường lớn đang có nhu cầu nhập thịt chế biến. Nếu nhà máy Biển Đông DHS đáp ứng được những tiêu chuẩn của đối tác thì chắc chắn sẽ sớm xuất khẩu được thịt lợn".

"Những năm qua, De Heus đã thực hiện nhiều mối liên kết trong sản xuất chuỗi thịt gà ở miền Nam và sẽ tiếp tục triển khai nhiều chuỗi như vậy trong chăn nuôi heo ở miền Bắc. Với sự hỗ trợ, quyết tâm của Chính phủ Hà Lan, Chính phủ Việt Nam và nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chúng tôi mong muốn Chính phủ hai bên sẽ tăng cường kết nối nhằm xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh đạt chuẩn thế giới. Nếu thành công, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt gà, thịt heo, trứng, sữa…" - ông Gabor Fluit nói. 

img

Với công suất giết mổ 300 con lợn mỗi giờ, nhà máy Biển Đông DHS sẽ góp phần phát triển vùng chăn nuôi lợn ổn định, đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh phụ cận. 

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành nhà máy, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: Nam Định có tổng đàn lợn 800.000 con, là nguồn nguyên liệu cung cấp chủ yếu cho nhà máy. Do đó, tỉnh Nam Định cần xác định xây dựng bằng được vùng an toàn dịch bệnh, đây sẽ là cơ sở cần thiết để nhà máy Biển Đông DHS xây dựng chuỗi sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện Bộ NN&PTNT đang thực hiện chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có tái cơ cấu ngành chăn nuôi và đã hỗ trợ nhà máy Biển Đông DHS về cơ chế, chính sách để nhà máy chính thức đi vào hoạt động. Sắp tới, khi dự án Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua, chúng ta sẽ có đủ cơ sở pháp lý để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

img

Ông Vũ Trọng Nghĩa (ngồi thứ 2 từ phải sang) và các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản ký cam kết hợp tác. Ảnh: M.H

"Sau hôm nay, đề nghị Công ty TNHH Biển Đông phối hợp với địa phương xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh trên cơ sở liên kết chặt chẽ với các HTX, trang trại ở Nam Định. Đồng thời phối hợp với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc chế biến sâu các sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường trong nước, hướng trọng tâm xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, trước mắt là Hàn Quốc, Trung Quốc. Đề nghị tỉnh Nam Định tích cực hỗ trợ các trang trại tham gia liên kết với các HTX, doanh nghiệp nhằm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đạt chuẩn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Tìm giải pháp xuất khẩu heo hơi sang Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn với 1,4 tỷ người, chỉ tính riêng tổng sản lượng thịt lợn tiêu thụ mỗi năm đã lên tới 600 triệu con, hiện phải nhập khẩu rất lớn. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa thanh toán xong dịch bệnh lở mồm long móng nên chưa thể xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Chúng tôi cũng đã thường xuyên làm việc, trao đổi với Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm thế nào đưa sản phẩm nông sản của Việt Nam như thịt lợn sữa, trứng, rau quả sang Trung Quốc nhiều hơn. Về thịt lợn, tôi nghĩ có thể chọn giải pháp linh hoạt hơn, đó là tìm một nơi nào đó khoảng 20ha ở biên giới giữa 2 nước để thành lập một khu cách li, lợn hơi của Việt Nam đưa vào khu đó một thời gian, chuyên gia Việt Nam, Trung Quốc sẽ cùng thực hiện kiểm dịch, kiểm định nghiệm thu đạt chuẩn rồi xuất sang Trung Quốc.

Đây là biện pháp tạm thời. Tin rằng với sự vào cuộc, sự tham gia của các doanh nghiệp như Biển Đông, De Heus, sẽ có nhiều sản phẩm thịt lợn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Ông Hồ Toả Cẩm

(Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem