Không kế sinh nhai
Bản Kim Hồng, xã Ngọc Lâm là nơi sinh sống của 102 hộ dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ từ năm 2009. Cả năm nay, dân Kim Hồng luôn sống trong cảnh nông nhàn, không có mùa vụ, không một lần cấy hái.
Ông Chương Văn Tình là một trong những hộ về đây sớm nhất, than vãn: “Gia đình tôi và cả cái bản Kim Hồng này chưa được cấp đất để sản xuất. Mỗi gia đình chỉ được cấp ít đất vườn trước nhà dùng để trồng rau hoặc ít sắn là hết việc.
Không có đất, đến con trâu cũng không có chỗ chăn thả, cứ chạy quanh quẩn trong bản. Từ chỗ có hàng hecta đất ở quê cũ, làm không hết việc, bây giờ về miền đất "hứa", công việc hàng ngày của tôi là bế cháu và quét nhà”.
|
"Cái giếng" dành cho 500 hộ dân ở bản Kim Hồng. |
Anh Lương Mạnh Sinh cũng ở bản Kim Hồng dẫn chúng tôi vào một nền nhà trống của người anh ruột tên Lương Văn Hùng. Sinh cho biết, do quá buồn bã, chán nản với cuộc sống ở đây, hai vợ chồng anh Hùng đã bế 3 đứa con nhỏ ngược về quê cũ từ tuần trước. Căn nhà anh Hùng dựng lên với giá 32 triệu được bán cho một người trong bản với giá 5,9 triệu đồng.
Ông Chưởng Xuân Tần - Trưởng bản Kim Hồng cho biết: Vì không có đất sản xuất, 56 hộ với 236 khẩu tạm thời về quê cũ ở lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ sinh sống, làm ăn. Một số hộ có con nhỏ đang đi học gửi lại anh em trông giữ, một số học sinh khác cũng đã theo bố mẹ về trên đó luôn. Nhiều gia đình đang tiếp tục rao bán nhà để về quê cũ.
May mắn hơn người dân bản Kim Hồng, hơn 500 người dân bản Mà, xã Ngọc Lâm đã nhận được một phần đất sản xuất. Nhưng việc mưu sinh trên những phần đất này cũng chẳng kém phần nhọc nhằn, cực khổ.
Chỉ tay ra những bãi đất bằng phẳng phía trước nhà, ông Lô Văn Tân - Trưởng bản Mà nói: "Đấy, đất của bản Mà đấy nhưng không trồng trọt được gì hết. Họ giao đất cho chúng tôi và gọi là đất màu để trồng rau, trồng lúa. Tuy nhiên, đất màu như rứa là màu bạc, màu mà không mỡ…".
Qua 3 năm nhập tịch về đây, những "cánh đồng" trồng màu của dân bản Mà vẫn bạc phếch, nhờ nhợ, ngổn ngang như những công trường khai mỏ.
Khát khô ở "đất hứa"
Ngoài nhà cửa, đất cát, tình trạng khô khát cũng đang diễn ra tại đây. Những bể nước công cộng tại khu tái định cư trơ đáy, hoang hóa suốt nhiều năm nay. Trưởng bản Mà, Lô Văn Tân dẫn chúng tôi một vòng quanh làng tham quan những "cái xác" của các công trình nước công cộng.
Khoảng 5 hộ gia đình, chủ đầu tư bố trí một bể nước công cộng và nhà tắm đi kèm. Nhưng 3 năm nay, từ khi bản Mà được lập nên ở vùng đất mới này tịnh không thấy một giọt nước nào chảy về bể. Những bể nước bị cây dại mọc trùm lên trên; ngó vào trong là cái đáy cạn khô; là nơi ở của chuột, của gián và muỗi.
Trao đổi với NTNN, ông Đào Duy Tân - Tổng Giám đốc BQL DATĐ 2 cho biết: Đang có việc cấp đất chậm cho dân tái định cư Thuỷ điện Bản Vẽ. Hiện chúng tôi đang phối hợp với UBND huyện Thanh Chương giải quyết các tranh chấp về đất, thu hồi thêm diện tích mới để cấp đủ cho dân.
Bà Lô Thị Năm nay gần 60 tuổi nhưng không ngờ đến một ngày bà phải sống lại cái thời khi còn là sơn nữ: Hàng ngày băng qua lau lách, leo đèo vượt dốc xuống suối xách từng can nước về nhà nấu nướng, tắm giặt.
Nhưng ngay cả khi đã xách được nước suối về nhà, nhiều khi bà cũng không dám dùng bởi nước suối có lúc đục ngầu bùn đất; có lúc lại đen thẫm vì chất thải từ những trang trại nuôi lợn, trâu bò phía thượng nguồn. Vì thế, bà Năm đành đi xin hàng xóm để dùng.
"Xin tiền hỗ trợ làm giếng khoan thì xã và BQL Dự án Thuỷ điện 2 (EVN) không được, còn đợi các bể nước tự chảy công cộng "sống lại" không biết đến khi mô chú nà" - bà Năm ngao ngán.
Trở lại bản Kim Hồng một lần, chúng tôi hiểu thêm vì sao những nếp nhà mới cửa im ỉm từ mấy tháng nay và hàng chục gia đình kéo về quê cũ mưu sinh.
Bản nằm trọn trên một quả núi, nhà này nối tiếp nhà kia; còn dòng suối nằm sâu dưới chân núi. Hệ thống cấp nước của Kim Hồng cũng được chủ đầu tư thiết kế theo mô hình tự chảy; có nghĩa là nước sẽ được dẫn từ suối lên bản bằng các đường ống. Nếu làm được điều này là một kỳ công, là niềm mong mỏi của cả bản Kim Hồng.
Và cũng như ở bản Mà, những hộ dân ở Kim Hồng cũng được xây dựng những bể nước và nhà tắm. Nhưng những cái bể nước, nhà tắm ở Kim Hồng cũng chỉ là những cái nhà chờ đúng nghĩa. Nó không có nước và đang được người dân dùng như những cái kho chứa đồ...
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.