Khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Sân bay Paris (Aeroports de Paris - ADP) Augustin de Romanet, ông đã đánh giá cao việc Tập đoàn ADP đã quan tâm hợp tác và đầu tư tại Việt Nam (VN), nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải. Ông cũng đề cập đến việc Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ADP hợp tác đầu tư tại VN, cho hợp tác giữa ADP và Tổng Công ty Cảng hàng không VN - ACV. Đây là câu chuyện mà theo tôi lẽ ra phải tính sớm hơn nữa dù đối tác của chúng ta là Pháp hay bất cứ nước nào.
Và để thực hiện được mong muốn của Thủ tướng nhằm phát triển ngành hàng không nước nhà tăng trưởng tốt, theo tôi nó đòi hỏi từ rất nhiều phía. Trong nước thì đòi hỏi hạ tầng sân bay cần phải tốt; đội ngũ máy bay của các hãng phải hùng hậu, có uy tín không chỉ khách trong nước mà cả quốc tế với điều kiện đón, tiễn khách quốc tế phải tiên tiến, đưa các tiến bộ của công nghệ hiện đại vào phục vụ du khách...
Tôi được biết, Việt Nam hiện có tốc độ tăng lượng khách du lịch ở mức cao, năm 2016 đón 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế và mục tiêu đến năm 2020 sẽ đón từ 17-20 triệu lượt khách.
Trong khi sân bay Nội Bài được mở rộng đáng kể thì Tân Sơn Nhất lại quá tải trầm trọng. I.T
Sân bay Nội Bài ở phía Bắc hôm nay vốn từng phạm phải sai lầm khi quy hoạch nó bằng tầm nhìn còn quá hạn hẹp. Tôi nhớ, Nhà ga T1 Nội Bài được khởi công năm 1995 nhưng đến năm 2001 mới đi vào hoạt động. Thế mà, chỉ ba năm sau, nó đã chạm ngưỡng cho phép. Việc tính toán dự báo này có một phần do các nhà khoa học vận tải hàng không chúng ta tính chưa hết nước; một phần cũng do tốc độ tăng trưởng hồi đó nhanh đến bất ngờ. Năm 2015, nhà ga này đã đón tới 12 triệu lượt khách, trong khi đó, công suất thiết kế chỉ là 6 triệu khách/ năm. Theo Quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài được nâng cấp thành sân bay quốc tế lớn nhất phía Bắc. Đến năm 2020, Nội Bài đạt cấp độ sân bay 4E với lưu lượng hành khách đạt 20-25 triệu hành khách/năm; năm 2030, Cảng này có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm.
Tôi mừng bao nhiêu khi biết năm 2015, sân bay Nội Bài đã được mở rộng một cách đáng kể thì lại buồn bấy nhiêu cho sân bay Tân Sơn Nhất ( TSN) quá tải đến mức “tồi tệ” . Quá tải đến mức có vị quan chức tính như … “mơ ngủ” cái phương án chẳng giống ai là đưa máy bay trả khách ở Tân Sơn Nhất xong thì bay tiếp ba chục phút đi sân bay Cần Thơ nghỉ qua đêm chỉ vì thiếu chỗ... đậu (!!!).
Với việc mở cửa bầu trời, chất lượng dịch vụ bay sẽ ngày một nâng cao. I.T
Tầm nhìn về phát triển hạ tầng giao thông, trong đó có cảng hàng không phải trả giá cũng là trách nhiệm của nhiều cơ quan. Có nhiều khi, vì quyền lợi của ngành nọ mà họ sẵn sàng lơ đi, không dám tự nhường đất trống lại cho ngành khác cần mở rộng sân bay kiểu như câu chuyện mà nhiều người đã biết ở Tân Sơn Nhất vài năm gần đây. Nếu chúng ta tính toán khoa học và có tầm nhìn xa, biết chia sẻ với khó khăn về hạ tầng với bộ, ngành khác, không dùng đất sân bay biến thành sân golf này khác thì tôi tin rằng sẽ không đến mức chỉ trong một thời gian ngắn, thực hiện ý kiến chỉ đạo rốt ráo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã 5 lần phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phải chủ trì cuộc họp nhằm bàn và tìm ra giải pháp giải phóng nạn kẹt xe đưa khách vào sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay cũng như tình trạng hạ tầng thấp kém, sân bay ngập nước nghiêm trọng khi mưa lớn, buộc phải hoãn, huỷ chuyến rất tai hại... Việc Phó Thủ tướng “ra đề” cho các chuyên gia giải, đó là cần quy hoạch làm sao để nâng công suất phục vụ từ 40-50 triệu khách/ năm trong khi thực tế hiện nay, Tân Sơn Nhất cũng đã phục vụ 28 triệu khách/ năm.
Về chủ trương “mở cửa bầu trời” của nước ta mà Thủ tướng nhắc đến là một khát vọng lớn và rất chính đáng. Nhưng để làm được vào thời gian tới, tôi nghĩ việc áp dụng visa điện tử của Việt Nam là một cố gắng đáng khích lệ mà theo Thủ tướng, chúng ta đã và đang là một trong số ít các nước ở châu Á áp dụng và nó cũng chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện Việt Nam “mở cửa bầu trời”.
Đây là một điều kiện thuận lợi cho khách du lịch và các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư, làm ăn kinh doanh tại Việt Nam. Song, như tôi đã nêu, hạ tầng đang là bài toán cần được Chính phủ hoá giải căn cơ và nếu không có tầm nhìn xa, tôi e rằng rất khó thành công. Chúng ta phải tránh được “câu chuyện buồn của 22 năm trước” khi chúng ta xây dựng Nhà ga T1 Nội Bài, nếu không thì lại một lần nữa quá muộn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.