KHCN ứng dụng cho nông nghiệp cần được ưu tiên hàng đầu

Thứ sáu, ngày 16/11/2012 09:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) cho rằng, thời gian tới KHCN hứa hẹn có những bước tiến dài, trong đó KHCN ứng dụng cho nông nghiệp được xác định là then chốt...
Bình luận 0

Trả lời phỏng vấn của NTNN, Thứ trưởng Nghiêm Vũ Khải đánh giá, năm 2012 là năm “được mùa” về chính sách đối với ngành KHCN. Các chủ trương, chính sách quan trọng nhất của ngành đã và sẽ ban hành là: Chiến lược Phát triển KHCN giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng phê duyệt tháng 4.2012; Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI và Luật KHCN sửa đổi đang được Quốc hội cho ý kiến thảo luận.

img
Nghiên cứu giống lúa mới tại khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Cần Thơ.

Nông nghiệp được chú trọng nhưng chưa đủ

Những đánh giá khái quát cho thấy, nền KHCN của chúng ta chưa thể đảm nhận được vai trò là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Nguyên nhân chính theo ông là gì?

- Có rất nhiều nguyên nhân và những nguyên nhân này được đề cập nhiều lần; trong đó vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự đầu tư của Nhà nước và xã hội cho lĩnh vực này. Hiện nay, mỗi năm lĩnh vực KHCN được phân bổ 2% ngân sách, trong đó có 38-40% số vốn dành cho đầu tư phát triển; ngân sách sự nghiệp khoảng trên dưới 50%; còn lại khoảng 10-12% là chi cho các đề tài, chương trình, nhiệm vụ khoa học. Nguốn vốn cho đầu tư phát triển, sự nghiệp của T.Ư lại được phân bổ về 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành. Từ đây, nguồn kinh phí này lại được đầu tư cho phát triển sự nghiệp, phần còn lại mới đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học. Như vậy, tỉ lệ vốn cho chương trình nghiên cứu đề tài nhà nước rất thấp.

Với khả năng đầu tư có hạn nhưng nhu cầu lại lớn như hiện nay, chúng ta nên tập trung đầu tư KHCN cho lĩnh vực nào?

- Các lĩnh vực KHCN tập trung đầu tư được xác định trong Chiến lược KHCN 2011 - 2020 là: CN cao, CN thông tin, sinh học, CN cơ khí chế tạo, vật liệu… Phân chia theo ngành, ngoài lĩnh vực quốc phòng - an ninh, lĩnh vực nông nghiệp đang được ưu tiên hàng đầu (chiếm 17-20% và mức tăng trưởng cũng đạt từ 15-17% mỗi năm). Tuy nhiên, nếu như ngân sách dành cho KHCN vẫn duy trì 2% tổng cho ngân sách nhà nước như hiện nay, lại tiếp tục chia ra như đã nói, thì nguồn lực sẽ tiếp tục bị phân tán.

Để có tiềm lực đầu tư KHCN, cần phải huy động các nguồn lực xã hội. Tất nhiên, một số lĩnh vực cơ bản như nông nghiệp, y tế, môi trường… không thể trông chờ vào doanh nghiệp mà phải do Nhà nước đầu tư. Thực tế quá trình phát triển kinh tế vừa qua, chúng ta dựa nhiều vào tài nguyên, “ăn” vào môi trường, còn hàm lượng KHCN để tăng giá trị cho sản phẩm đạt thấp.

Tăng tính ứng dụng cho khoa học công nghệ

Một trong những hạn chế của KHCN nước ta là, tính ứng dụng của đề tài rất thấp, hàng năm vẫn phải nhập khẩu rất nhiều máy móc, thiết bị, nhất là các giống cây trồng, vật nuôi. Vậy theo ông, cần có chính sách gì để thay đổi tình trạng này?

-Đúng là việc xác định nhiệm vụ KHCN là vô cùng quan trọng. Nhiệm vụ đó phải gắn với nhu cầu của xã hội, của doanh nghiệp, của cộng đồng. Trong nhu cầu đó lại phải xác định được nhu cầu nào là thiết yếu. Chẳng hạn như của nước ta là an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh cho nền kinh tế… Nhu cầu ấy phải khả thi, tức là có phương tiện hạ tầng, máy móc nghiên cứu, đội ngũ khoa học, và nguồn lực đầu tư tới đích.

Hiện nay, tình trạng đề tài chưa ứng dụng được hay tỉ lệ ứng dụng còn thấp là do xác định nhiệm vụ chưa tới đích. Để tăng cường tính ứng dụng, cần xác định nhiệm vụ, giao nhiệm vụ cho ai, làm thế nào, kinh phí ở đâu. Trong đó, đánh giá tính ứng dụng của đề tài là quy định bắt buộc khi bắt tay vào một dự án nghiên cứu.

Nghị quyết 20 nêu rõ, đến năm 2020, Việt Nam sẽ thuộc nhóm đầu trong các nước ASEAN về KHCN. Để đạt được mục tiêu này cần giải pháp đột phá nào?

- Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm chính trị rất lớn và biện pháp mang tính đột phá. Hiện Chính phủ đang xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế và đây cũng là cơ hội để tái cơ cấu KHCN. Theo tôi, chúng ta cần ưu tiên tập trung mọi nguồn lực để đầu tư cho các dự án KHCN, đồng thời tăng cường đầu tư, đào tạo nhà khoa học. Ngoài ra, chúng ta phải chuẩn bị được nguồn lực lãnh đạo, đất đai, hạ tầng...

“Chúng ta thiếu những nhà khoa học vừa có trình độ chuyên môn, nhận thức, vừa biết tổ chức thực hiện, gắn với nghiên cứu, ứng dụng với thương mại...”.

Trong Nghị quyết 20, Đảng đã xác định, việc đổi mới cơ chế tài chính trong NCKH là yếu tố quan trọng. Theo ông, giải pháp nào để cụ thể hóa chủ trương đó?

-Thực ra, chúng ta đã có chính sách khuyến khích; chẳng hạn như cho phép doanh nghiệp được trích 10% thuế thu nhập vào Quỹ Phát triển KHCN có được ưu đãi về thuế, nhưng do còn có nhiều bất cập nên cũng chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu một số cơ chế, chính sách quan trọng, đó là chính sách sách sử dụng cán bộ KHCN và trọng dụng người tài hay cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KHCN...

Bên cạnh đó, một số chính sách đã có nhưng chưa thực hiện được đến nơi đến chốn, nên chưa phát huy được hiệu quả như: Công tác xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; huy động nguồn đầu tư từ xã hội cho hoạt động KHCN… Những vấn đề tồn tại ấy sẽ được sửa đổi tại Luật KHCN lần này và tiếp tục hoàn thiện trong các văn bản tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem