Khe Nhồi “bước ra ánh sáng”

Nguyễn Trương Huyền Thứ tư, ngày 08/06/2016 13:10 PM (GMT+7)
Nhìn cuộc sống ổn định, ấm no hôm nay ở bản Khe Nhồi (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, Phú Thọ) mấy ai hay 20 năm trước người Mông ở đây còn quen cuộc sống du canh, du cư...
Bình luận 0

Đẩy lùi cái đói nhờ định cư

Bản Khe Nhồi giờ đã có cả trăm nếp nhà gỗ, mái phủ tấm lợp kim loại khang trang nằm xen giữa những thửa ruộng nước, những khu vườn mướt màu xanh của cây ăn quả. Nhà nào cũng có vài con trâu bò, lợn và đàn gà mấy chục con; thóc lúa cũng đã có phần dôi dư để lưu vụ. Cuộc sống của đồng bào Mông ở Khe Nhồi còn rất nhiều khó khăn, chưa thể hết nghèo nhưng so với 20 năm trước đây thì đã hơn tới cả trăm lần.

img

Người dân bản Khe Nhồi đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp hôm 22.5. Ảnh: T.H

Già Mùa A Ung ngồi nhâm nhi bên ấm trà xanh, trầm ngâm kể lại: “Cái ngày còn ở bên Văn Chấn (Yên Bái), tôi cùng bà con lang thang khắp các khu rừng, hễ thấy nơi nào đất tốt, địa hình rộng là cắm lều ở lại. Phát mỗi hộ một vạt nương, gieo vài cân ngô giống, thả vài nắm lúa xuống đó rồi vào rừng săn bắn chờ đến vụ thì về thu. Sau vài vụ, đất hết màu thì lại đi tìm nơi ở mới. Sống giữa thiên nhiên giàu có mà con người vẫn quanh năm thiếu ăn, cái nghèo, cái đói cứ lẵng nhẵng bám theo người Mông từ lúc mới sinh ra cho đến khi về với mẹ núi. Cũng may, từ khi đến định cư ở Khe Nhồi, bỏ dần tập quán sống dựa dẫm vào tự nhiên, lại được Đảng, chính quyền giúp đỡ, bà con Mông mới có được cuộc sống no đủ như hôm nay...”.

 Cuối năm 2008, từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, huyện Yên Lập đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng nhà lớp học và nhà ở cho giáo viên tại bản Khe Nhồi với 2 phòng học mầm non, 3 phòng cho lớp tiểu học, 4 phòng ở cho giáo viên cắm bản. 

Biết cách trồng lúa nước, biết chăn nuôi - đó là bước tiến bộ nhảy vọt của người Mông ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này. Anh Lý A Cường - Phó trưởng bản cho biết, để đem lại ấm no cho bà con, chính quyền địa phương đã hướng dẫn đồng bào khai hoang ruộng lúa nước và kiến thiết nương rẫy; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào; ổn định sắp xếp dân cư, tạo việc làm, ổn định an ninh trật tự và xây dựng thôn bản văn hóa mới. Nhờ vậy, đến nay gia đình nào cũng có vườn, có ruộng, có rừng. Nhiều nhà đã trồng được từ 3 - 5ha quế, bồ đề, số lượng gia súc, gia cầm ngày càng tăng lên.

100% trẻ được đi học

Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lý A Lâu  (55 tuổi), đã có nhiều năm là Trưởng bản Khe Nhồi. Hộ nhà anh Lâu có kinh tế khá vững trong bản với nhà cửa khang trang, chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch gọn gàng, khoa học. Nâng chén rượu trắng ngang môi, anh kể: “Giờ đây bản đã đổi thay nhiều lắm, bà con bớt khổ hơn nhờ được Nhà nước cho nhà, hỗ trợ vốn làm ăn, mua trâu theo dự án về nuôi, điện thắp sáng được kéo đến từng nhà...”.

Cái đói được đẩy lùi, người Mông ở Khe Nhồi đã quan tâm hơn đến việc học hành của con cái để sau này đỡ khổ. Bà con thống nhất như thế nên trẻ con được đến lớp hàng ngày cùng với các thầy, cô giáo cắm bản. Phó trưởng bản Lý A Cường bảo: “Mười năm trước đây, tất cả người Mông ở bản này đều mù chữ, nhưng đến nay thanh niên đều đọc thông viết thạo, 100% trẻ  đến tuổi được đi học, có cả những cháu học hết lớp 12 và đi học cao đẳng, trung cấp, học nghề rồi...”.

Đến thăm trường học, trên nền của những lớp học tre tranh, nứa lá dột nát trước kia, giờ đã được thay bằng một ngôi trường xây mới, khang trang hơn. Anh Cường bảo: Vui nhất là không còn cảnh giáo viên phải một buổi dạy, một buổi nghỉ để đến từng nhà vận động các em đến lớp nữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem