Khi internet vượt qua vi phạm học đường

Chủ nhật, ngày 30/09/2012 07:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Julia Bosma hớn hở nhập trường học mới ở thị trấn Haarlem, không xa thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Cô bé đang tuổi 15 vui mừng có những bạn mới. Chuyện đó xảy ra trong những tuần lễ đầu tiên...
Bình luận 0

Cho đến khi bạn bè trở nên ác cảm với Julia, do cô lỗi hẹn trong một lần đi học đàn piano. Tại trường, chiếc xe đạp của cô bị đâm lủng bánh, nằm méo xẹo ở nhà để xe. Tệ hơn, cô thường xuyên bị quấy rối trên mạng, ở trường học, cũng như ở nhà. Julia Bosma như bị khủng bố, ăn không ngon, ngủ không yên.

img

Vượt qua vi phạm học đường

Ngày nay, nạn quấy rối trên mạng đã vượt qua phạm vi học đường. Nhờ vào các loại máy điện thoại cầm tay thông minh và các máy tính xách tay, những kẻ xấu có thể tha hồ ngày đêm gửi các tin nhắn đến các nạn nhân của chúng.

Ông Bamber Delver, thuộc tổ chức De Kinderconsument (Giới trẻ hưởng thụ) ở Hà Lan, tác giả cuốn “Thế hệ Wifi”, nhận định: “Trẻ em sử dụng những chiếc điện thoại thông minh vượt ngoài chức năng cơ bản. Chúng sử dụng để theo dõi, ghi âm và chụp hình lén lút người khác. Thật là nguy hiểm”.

Một khảo sát trên mạng do Liên minh châu Âu (EU) thực hiện và công bố trong năm ngoái đã phát hiện có 6% trong số 25.000 trẻ em được thăm dò tại 25 quốc gia đã từng bị quấy rối trên mạng. Tuy nhiên, những khảo sát riêng lẻ tại mỗi quốc gia phát hiện những con số còn đáng lo sợ hơn.

Cụ thể: tại Hà Lan, theo một điều tra dựa trên 1.250 trẻ em có 1/4 các trẻ trong độ tuổi 12 và 19% các trẻ từ 13 - 14 tuổi đã bị quấy rối trên mạng. Và chỉ 37% các nạn nhân báo cho cha mẹ biết. Tại Tây Ban Nha, trong số 2.100 trẻ em tuổi từ 11 - 17 được hỏi, có 17,4% bị quấy rối qua điện thoại và 22,5% qua mạng internet.

Tại Cộng hòa Séc, trong số 12.500 trẻ em tuổi từ 11 - 16 được thăm dò, có đến 59,4% bị khủng bố trên mạng. Tại Đức, một khảo sát vào tháng 9 năm ngoái bao gồm 1.000 sinh viên học sinh tuổi từ 14 - 20 đã cho thấy 36% các em bị quấy rối trên mạng. Tại Nga, một khảo sát dựa trên 1.025 các học sinh tuổi từ 9 - 16 cho biết 20% các em bị khủng bố trong đời thực lẫn trên mạng.

Các nhà giáo dục thờ ơ

Những hậu quả gây ra cho các nạn nhân có thể rất bi thảm, có trường hợp dẫn đến tự tử. Giáo viên dạy toán Thierry Cadart, người Pháp, kể về cái chết của một nữ sinh 13 tuổi vào tháng 6 năm ngoái ở gần thành phố Montpellier, xem đó như một điển hình đau thương về những gì có thể xảy ra giữa các trẻ em liên quan đến mạng internet.

Sau khi nạn nhân và một bạn học nữ lên mạng tranh cãi nhau về một bạn học nam, người anh trai của bạn học nữ, vốn là một nhà vô địch quyền anh địa phương, đã đến đợi nạn nhân tan học ở cổng trường, đánh đập và ra một đòn trí mạng vào thái dương nạn nhân. Cadart thừa nhận thế giới đang thay đổi, các điện thoại cầm tay ngày càng tinh vi, trẻ em trở thành các chuyên gia nên người lớn phải biết thích ứng.

Trong khi các học sinh thường không dám tố giác những gì xảy ra với chúng, các nhà giáo dục lại thờ ơ trong việc theo dõi và kiểm tra những gì xảy ra trên mạng. Giáo sư Heidi Vandenbosch, khoa truyền thông xã hội, Trường đại học Anvers ở Hà Lan, thú nhận: “Phần đông các giáo viên đều cảm thấy mình có trách nhiệm, tuy nhiên các trường học không trang bị đủ các phương tiện giúp học sinh sử dụng chống lại tệ nạn. Nhiều nhà giáo dục sẵn sàng phát động các chiến dịch chống lại hiện tượng quấy rối trên mạng, nhưng họ lo sợ quá phức tạp khi thực thi về mặt công nghệ”.

Đôi lúc chính các thầy cô cũng là mục tiêu tiềm tàng. Một thăm dò trong năm ngoái tại Hà Lan cho thấy 47% các giáo viên tiểu học và trung học thừa nhận họ “thỉnh thoảng” trở thành các nạn nhân. Họ bị học sinh lén lút quay phim tận trong toilet rồi sau đó bị tung lên mạng.

Các nỗ lực ngăn chặn

Khắp nơi ở châu Âu, các nỗ lực nhằm ngăn chặn, tham vấn cho các học sinh, các bậc phụ huynh và các thầy cô chống lại tệ nạn này đang được thực hiện. Theo sáng kiến của De Kinderconsument, Trường tiểu học Prins Bernard ở thành phố Dordrecht, Hà Lan, đã mở các khóa tham vấn và huấn luyện cho các học sinh của trường về hiện tượng quấy rối trên mạng.

Hiệu trưởng Frank Wijnbeek giải thích: “Chúng tôi cố gắng cho học sinh thấu hiểu về mối hiểm họa nghiêm trọng mà một số tin nhắn vu khống, đe dọa, tục tĩu gây ra. Chúng tôi muốn các em suy nghĩ về những gì chúng làm”.

Các sinh viên Trường đại học Lupà Ova ở thành phố Praha, Cộng hòa Séc và Trường đại học Elena Farago ở thành phố Bucarest, Rumani, trong năm ngoái đã cùng liên kết thiết lập một thỏa ước song phương chống lại nạn quấy rối trên mạng, bao gồm 10 điều khoản họ cam kết không vi phạm.

Thỏa ước này đầu năm nay đã được quốc hội hai nước Cộng hòa Séc và Romania phê chuẩn cùng với sự cổ vũ của UNESCO và Microsoft, bảo đảm mỗi sinh viên sẽ là một “người sử dụng internet trung thực và xứng đáng”, luôn luôn tôn trọng các luật lệ do cha mẹ và nhà trường quy định.

Trong một bài phát biểu dẫn nhập trên trang web về thỏa ước, nữ sinh viên Miruna Tocileanu, Trường đại học Elena Farago nói: “Khi người ta biết có không ít 700 triệu kẻ xấu có thể xâm nhập trên mạng internet với mục đích quấy rối và làm nhục con bạn, các hiểm họa tình cảm gây ra cho con bạn trong thực tế rất khó đo lường. Quý vị đừng bao giờ quên điều đó”.

Quân sư mạng

Trong khi quấy rối trên mạng là một hiện tượng sinh sôi nở rộ, mọi người thừa nhận việc tinh thông internet cũng là một trong những biện pháp tốt nhất nhằm khống chế hiện tượng này. Trong năm 2010, 17 mạng xã hội ở Hà Lan bao gồm Facebook, Myspace, Bebo và Hyve đã ký với EU một hiệp ước dự kiến lắp đặt các thiết bị theo dõi và kiểm tra tức khắc các tin nhắn trên tất cả các địa chỉ, đồng thời đưa ra các hướng dẫn chống quấy rối trên mạng.

Riêng mạng Hyve đã lắp đặt một nút “báo động” ở cổng vào, cho phép phát hiện bất cứ vụ việc nào liên quan đến quấy rối và kịp thời ngăn chặn.

Trở lại thị trấn Haarlem ở Hà Lan, may thay người mẹ của Julia Bosma đã phát hiện những bức thư và những bài thơ đứa con viết về chuyện quấy rối, một số hàm ý tư tưởng tự tử. Bà kịp thời can ngăn. Hai mẹ con tiếp xúc với các “quân sư mạng” ở địa chỉ Beatbullying.org (Tổ chức chống bắt nạt) trên mạng xã hội Twitter. Đây là các tình nguyện viên giúp đỡ các nạn nhân trẻ em bị quấy rối trên mạng. Julia nhận ra mình không cô đơn. Cô vững vàng đến trường và đang là một “quân sư mạng”, sẵn sàng ra tay cứu giúp các bạn học bị quấy rối.

Chính phủ vào cuộc

Tại Pháp, mạng Facebook đề đạt một dự án nhằm tham vấn cho các trường học và xử phạt những kẻ quấy rối. Dự án đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Luc Chatel phê chuẩn vào tháng 6 năm ngoái với sự cổ vũ của hiệp hội e-enfance, một tổ chức bảo vệ trẻ em trên mạng internet. Chủ tịch e-enfance, bà Justine Atlan nhấn mạnh: “Có một khuyết điểm thực sự trong ngành giáo dục các nước liên quan đến tệ nạn quấy rối giữa các học sinh trên mạng".

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem