Khi Mèo đi vào Hương ước

Thứ năm, ngày 03/02/2011 22:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi mà chuyện nuôi mèo được đưa vào hương ước của thôn Chủa, xã Tuấn Đạo, huyện Sơn Động (Bắc Giang) thì số mèo ở đây đã phát triển đến mức: Thỉnh thoảng "vật một vài con đánh chén" mà mèo vẫn còn vô khối...
Bình luận 0

 Mèo - kẻ thế mạng

Dân xóm Chủa ưa ăn nhậu, cái này ngay cả ông Nguyễn Văn Hoàn - Trưởng thôn cũng phải thừa nhận. Mà chả tội gì không nhậu, cái này ăn thành nếp. Vốn sát khu rừng bảo tồn Tây Yên Tử, trước đây dân vùng này cứ là "săn về thường chén thịt rừng quay".

Rồi việc quản lý rừng cũng đi vào quy củ, phải chấp hành quy định của Nhà nước, chả ai dám vác súng, vác bẫy lên rừng nữa. Vậy là, “thú nhà" phải thế mạng, chó nuôi chả xuể nên giống mèo đâm ra lại được việc. Cũng bởi khi "vật một con cầy" hai chục cân, chí ít cũng phải gọi đôi chục ông bạn, nhiêu khê quá lắm. "Vật" một anh chàng mèo, khoảng hai, ba cân, chỉ cần dăm ba anh em là đã rôm rả rồi.

Thế nên mèo mới vãn đi!

Chả phải vãn đi nữa mà vắng bóng hẳn. Mèo hết, chuột được dịp làm loạn. Từ sau khi chuột về, chui cả vào nôi của trẻ ăn tranh thức ăn, nhiều người mới hết hồn. Đã đến lúc, chuyện nuôi mèo phải đưa vào quy định, hương ước.

Đưa chuyện này bàn với ông Chủ tịch xã, Trưởng thôn Nguyễn Văn Hoàn đã cân nhắc rất nhiều. Biết rằng trong quy định, trong Hương ước, có thể đưa chuyện bắt nuôi mèo như một quy định của làng xã, nhưng triển khai thế nào, vẫn còn nhiều ái ngại... Dân xóm Chủa vốn có tính cương cường, nịnh khéo thì làm, nói nặng thì xin nghỉ. Dù là chính quyền còn thế, nói chi đến anh lãnh đạo thôn…

Có thêm "cầu nối ngoại giao"

Không có gì hay hơn là làm từ nhà mình trước. Để phổ biến rộng cái "chế tài" nghe có vẻ buồn cười: Không nuôi mèo thì phạt, lãnh đạo thôn Chủa và cả lãnh đạo xã Tuấn Đạo âm thầm thí điểm ngay tại dòng họ nhà ông trưởng thôn.

Có lệnh bắt nuôi mèo rồi, với các bậc cha chú, nếu không vừa ý thì gọi con cháu làm lãnh đạo thôn, xã lên nhà thờ họ, rồi cứ tay thước mà vụt, nhưng "phạt vạ" với thôn là 5 cân thóc thì cứ phải nộp. Cũng may, họ Nguyễn nhà ông trưởng thôn, trên bảo dưới nghe, cứ là răm rắp. Dăm tháng sau, Đảng uỷ, UBND xã chính thức cho thôn Chủa thông qua Hương ước bắt buộc nuôi mèo. Mới đầu nghe có vẻ bức bối nhưng về sau ai cũng thấy khoái, nhất là cánh đàn ông.

Mèo là giống mắn đẻ, sau đấy thôn Chủa đầy những mèo là mèo. Những bữa tiệc người ta mời nhau hay có món thịt mèo làm chủ vị. Ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Hoàn lý sự không chê vào đâu được về mặt tích cực khi mèo vùng này hay lên bàn nhậu: Chó Việt Nam là nhiều nhất thế giới. Bất cứ gia đình người nông dân nào ở đất nước có tới 80% làm nông nghiệp này, đều nuôi đôi ba chú khuyển. Nếu nuôi chó với mục đích canh trộm hay làm cảnh thì có lẽ số lượng chó không nhiều đến thế (nuôi tốn cơm).

Người ta nuôi chó chủ yếu với nhiệm vụ thỉnh thoảng gọi anh em bằng hữu "vật một con đánh chén chơi". Nếu con chó là "cầu nối ngoại giao" cho mối quan hệ "tình làng nghĩa xóm" của nông dân ta, thì nay tại thôn Chủa, họ nhà mèo cũng góp phần làm "cầu nối ngoại giao" thêm khăng khít... Làng xóm vừa có món chén lạ miệng, lại vừa phát triển được đàn mèo để hù doạ, tiêu diệt tiệt lũ chuột gây hại cho nhà nông.

Bây giờ, chả cần phạt, vì người thôn Chủa mỗi nhà cũng có đôi ba con mèo. Chuyện khôi phục, phát triển đàn mèo được đưa vào Hương ước thật hay vô cùng.

Không tin? Cứ đến thôn Chủa thì biết!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem