“Quảng Bình là nhà tôi”Đúng 11 giờ 30 ngày 13.10, chuyến bay chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên?Giáp từ Hà Nội đã hạ cánh xuống mảnh đất Quảng Bình quê hương trong niềm xúc động chờ đón của hàng vạn người dân quê hương. Sinh thời, dù ở xa quê nhưng bao nhiêu sự kiện lớn, nhỏ diễn ra trên quê hương Quảng Bình, Đại tướng đều dõi theo và có nhiều thư, lời căn dặn, chỉ bảo quý giá.
Người dân quê hương Quảng Bình chờ đón Đại tướng
Nhà văn Nguyễn Thế Tường, người nhiều lần được tháp tùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những chuyến ông về thăm quê, nhớ lại: Một buổi chiều năm 1992, trên đỉnh Hoành Sơn Quan, trước lúc chia tay về Hà Nội, trước những lời hẹn của người dân và lãnh đạo tỉnh, Đại tướng đã nói: “Có phải trai gái chi mà hẹn hò. Quảng Bình là nhà tôi, khi mô rảnh việc nước thì tôi về!”.
Và đúng như lời hẹn, gần như đều đặn hoặc khi có sự cố lụt bão là Đại tướng lại về nhà. Tiếng là về thăm nhà, nhưng lần nào cũng vậy, ông vẫn lo việc nước, việc quê hương với tác phong đầy trách nhiệm.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình qua các thời kỳ không ai mà không được Đại tướng căn dặn với những lời tâm sự chân tình mà định hướng tháo gỡ khó khăn thì hết sức rõ ràng. Đại tướng thường dặn các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Phải chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, hết sức chăm lo gia đình chính sách, gia đình neo đơn.
Về kinh tế, muốn đi lên thì phải phát triển kinh tế hàng hoá, nông nghiệp phải toàn diện, độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi, vùng cát.
Trong chuyến thăm quê lần cuối cùng vào những ngày đầu tháng 11.2004, tại khách sạn Phú Quý (Đồng Hới), các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Bình một lần nữa đã nghẹn lòng khi nghe Đại tướng tâm sự: "Dù ở xa nhưng trái tim tôi vẫn hướng về quê hương, nắm đủ thông tin về Quảng Bình. Tỉnh nhà có việc làm tốt, tôi vui, nhưng cũng buồn khi tỉnh nhà có những chuyện chưa hay".
Trở về quê hương mãi mãiVới mỗi người dân Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một hình tượng đặc biệt, một điểm tựa tinh thần vô giá. Mỗi lần người dân Quảng Bình đón Đại tướng về thăm quê không đơn thuần là đón một vị tướng, một người lãnh đạo mà lúc nào cũng trong tâm thế đón một người con xa quê trở về. Và lần này, người dân Quảng Bình đón Người về an nghỉ trong lòng đất mẹ quê hương cũng với một tâm thế như vậy. Đại tướng về quê hương hôm nay là mãi mãi. Đất mẹ Quảng Bình ôm trọn Đại tướng vào lòng.
"Có phải trai gái chi mà hẹn hò. Quảng Bình là nhà tôi, khi mô rảnh việc nước thì tôi về!”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp
|
Vẫn biết đến trưa linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới về đến sân bay Đồng Hới nhưng từ sáng sớm ngày 13.10 hàng vạn người dân Quảng Bình đã xếp hàng đứng đợi, với chỉ một tâm nguyện duy nhất là được ngắm nhìn lần cuối người con ưu tú nhất của quê hương.
Trong dòng người bất tận, người lính Điện Biên Phủ Đoàn Xuân Ngật (90 tuổi) xếp hàng từ 7 giờ sáng, ông nói trong tiếng nấc nghẹn lòng: “Trong lòng tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người đồng hương đặc biệt nhất mà tôi được gặp. Sau chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, tôi và một số đồng đội đã được gặp Đại tướng ở nhà riêng. Khi biết tôi là đồng hương, ông đã ôm hôn tôi, hỏi han căn dặn tôi rất nhiều điều. Khi ra về, dù rằng là một vị tướng, ông vẫn tiễn chúng tôi ra tận cổng…”.
Với nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Đại tướng không chỉ là một vị Tổng tư lệnh mà còn là một người cha, người anh thân thương. Bà Huế kể: Lần đầu tiên bà được gặp Đại tướng là tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc tháng 1.1967. Sau Đại hội, đoàn Quảng Bình dự bữa cơm với Bộ Chính trị. Bà đã nhận ra ngay Đại tướng bởi phong thái uy nghi và giọng nói Quảng Bình đặc sệt.
Lần đó cả Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí Bộ Chính trị đã không cầm được nước mắt khi nghe bà kể chuyện 45 ngày dưới mưa bom, bão đạn để san đường, phá bom và tìm xác đồng đội. Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gặp riêng đoàn. Đại tướng đã ân cần hỏi thăm bà về sức khỏe, gia đình, tình hình quê nhà. Cũng từ lần đó, trong thâm tâm của bà, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã là một người anh, là một nguồn động viên giúp bà vượt qua những khó khăn nhất…
Sáng 13.10, dù sức khoẻ không cho phép nhưng bà Huế vẫn vượt chặng đường hàng chục km để về Vũng Chùa, tiễn đưa “người Anh” về nơi an nghỉ vĩnh hằng…
Đình Thông - Phan Phương - Hữu Anh (Đình Thông - Phan Phương - Hữu Anh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.