Khi nghệ sĩ mơ hồ về tác quyền

Thứ bảy, ngày 13/10/2012 14:39 PM (GMT+7)
Dân Việt - Tranh luận về tác quyền âm nhạc, NSND Quang Thọ cho biết “Ca sĩ chúng tôi không dùng tác phẩm để hành nghề mà chỉ là người trung gian chuyển tác phẩm đến khán giả. Ca sĩ chỉ đến đó để hát thôi”.
Bình luận 0

Quan điểm này cho thấy sự hiểu biết về quyền tác giả âm nhạc của một bộ phận nghệ sĩ còn khá mơ hồ.

Ca sĩ chỉ hát thôi (!?)

Chiều 12.10, Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) mở cuộc tọa đàm về việc bảo vệ quyền lợi chung của ca sĩ và nhạc sĩ trên các lĩnh vực sử dụng âm nhạc, đặc biệt là trên lĩnh vực internet, lĩnh vực biểu diễn và những triển vọng trong lương lai. Mặc dù đây là cuộc tọa đàm đầu tiên có sự tham gia của rất nhiều bên gồm cơ quan quản lý nhà nước, nhạc sĩ, ca sĩ và nhà tổ chức biểu diễn nhưng sự có mặt của các ca sĩ khá thưa thớt.

img
NSND Quang Thọ

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC cho biết: “Trung tâm chúng tôi gửi giấy mời đến rất nhiều các ca sĩ nổi tiếng như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương... nhưng rất tiếc các bạn đó đều cho biết là quá bận nên không thể tham dự”. Trong số các ca sĩ có mặt tại cuộc tọa đàm chỉ có NSND Quang Thọ và nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền, giảng viên Thu Lan và lác đác một vài ca sĩ trẻ chưa thực sự nổi tiếng.

Sau phần trình bày, diễn giải về tình hình thực thi quyền tác giả và quyền liên quan của nhạc sĩ Phó Đức Phương, luật sư Đỗ Khắc Chiến, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, phần thảo luận sôi nổi thực sự bắt đầu.

Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, ở các nước, mỗi khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc, ca sĩ phải xin phép và trả tiền bản quyền cho nhạc sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, từ 10 năm nay, để tránh phiền nhiễu cho “các bạn ca sĩ yêu quý”, VCPMC chỉ quy về một đầu mối là các nhà tổ chức biểu diễn. Và nhạc sĩ Phó Đức Phương nhiều lần nhấn mạnh: “Xin các bạn ca sĩ lưu ý trước mỗi chương trình biểu diễn, hãy hỏi nhà tổ chức xem đã xin phép các tác giả hay chưa, nếu chưa xin phép thì chúng tôi không biểu diễn”.

Luật sư Khánh Toàn giải thích thêm: “Theo chúng tôi, việc này các nghệ sĩ biểu diễn nên tiến hành dần đi là vừa để tránh những rắc rối khi chủ sở hữu quá bức xúc phải nhờ tới pháp luật can thiệp thì người ra tòa đầu tiên là các ca sĩ”.

Sau 2 ý kiến trên, NSND Quang Thọ tỏ ra thực sự bức xúc, ông cho biết: “Ca sĩ chúng tôi không dùng tác phẩm âm nhạc để hành nghề mà chỉ là người trung gian chuyển tác phẩm đến khán giả. Ca sĩ chỉ đến đó để hát thôi. Người tổ chức chương trình bán vé thu tiền vì thế họ mới phải là người phải có trách nhiệm với nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công”.

Ca sĩ Quang Thọ khẳng định thêm: “Ca sĩ không phải xin phép nhạc sĩ, vì chúng tôi không làm việc với nhạc sĩ mà làm việc với nhà tổ chức biểu diễn. Nếu hát bài nào cũng phải xin phép thì chúng tôi không dám hát nữa. Còn một câu hỏi nữa, đó là trong các trường nhạc, chúng tôi sử dụng khá nhiều các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam, vậy có phải trả tiền không, nếu phải trả thì trường lấy đâu mà trả?”.

Quan điểm của NSND Quang Thọ - người từng nhiều năm đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đồng thời cũng là người thầy đào tạo ra rất nhiều thế hệ ca sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Anh Thơ, Tân Nhàn... cho thấy, các nghệ sĩ hiện nay còn có những hiểu biết khá... mơ hồ về vấn đề tác quyền âm nhạc.

Bức xúc muôn thủa

Trong khi đại diện giới ca sĩ tỏ vẻ “giận dỗi” khi được yêu cầu phải thể hiện trách nhiệm với chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc thì các nhạc sĩ lại có mối quan tâm khác, đó là tỷ lệ hưởng thù lao giữa nhạc sĩ - ca sĩ còn quá chênh lệch.

img
 Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Nhạc sĩ Văn Dung cho biết: “Trong chương trình kỷ niệm Ngày âm nhạc quốc tế tổ chức tại Thiên đường Bảo Sơn do nhạc sĩ An Thuyên làm, chính mắt tôi chứng kiến việc này, đó là trước khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến, người đại diện của ca sĩ này có mặt trước, yêu cầu ông An Thuyên ký vào giấy tờ để thanh toán trước cho họ 50 triệu đồng, sau đó Mr Đàm đến và hát xong hai bài là nhận nốt 50 triệu đồng còn lại. Vậy tôi hỏi cơ quan nào quy định mức thù lao cho ca sĩ cao đến thế mà nhạc sĩ chúng tôi hưởng tác quyền ca khúc chỉ 3-5.000 đồng/bài?”.

Cùng nỗi bức xúc này, nhạc sĩ lão thành Huy Thục cho biết, chương trình ca nhạc “Tiếng hát trên đường quê hương” tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội đêm 19.8.2012 vừa rồi, tôi biết họ bán vé tầng 1 là 600.000 đồng, tầng 2 là 300.000 đồng và tầng 3 là 200.000 đồng. Vậy mà họ thanh toán cho tôi tiền tác quyền là 4 triệu đồng cho 14 ca khúc, sau đó còn trừ tiếp 10% thuế nữa là tôi chỉ còn nhận được 3,6 triệu đồng. Trong chương trình "Hội thi tiếng hát người làm báo" vừa mới đây, cô nhà báo được giải Nhất dự thi hát ca khúc của tôi, nhận được 40.000.000 đồng. Vậy mà một lời cảm ơn tôi cũng không có, tôi chỉ nói là cảm ơn thôi, không phải “lại quả” gì cả. Nói như thế để thấy văn hóa tôn trọng tác giả là không có”.

Trước những bức xúc “muôn thủa” của nhạc sĩ và sự mơ hồ của ca sĩ về tác quyền, ông Phạm Xuân Phúc - Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL phát biểu khá gay gắt: “Trong Nghị định 79 của Chính phủ vừa ban hành ở phần trách nhiệm của nhà tổ chức biểu diễn đã quy định phải thực hiện đúng quy định quyền tác giả và quyền liên quan.

Tuy nhiên, các ca sĩ không thể cho rằng mình hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm gì hết, theo lẽ thường, khi có chương trình ca nhạc phục vụ mục đích kinh doanh, NSND Quang Thọ hay nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền hát bài của nhạc sĩ nào mà chưa xin phép, chưa có sự đồng ý của tác giả, thanh tra văn hóa hoàn toàn có quyền xử phạt. Mà tới đây, mức xử phạt sẽ tăng rất cao vì chúng tôi sẽ tiến hành gộp Nghị định 47 và 75 lại, mức xử phạt cá nhân vi phạm có thể lên tới 50.000.000 đồng và tập thể là 100.000.000 đồng”.

Ông Phúc cho biết thêm: Theo con số mới nhất của chúng tôi, trên cả nước hiện có 373 đơn vị tổ chức biểu diễn, trong đó có 86 đơn vị là các đoàn trực thuộc công lập, còn lại là hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Trong 3 năm gần đây, các Sở VHTTDL trong cả nước đã cấp 8.950 giấy phép biểu diễn, vậy trong gần 9.000 đêm diễn đó, chỗ VCPMC thu được tiền bản quyền của bao nhiêu chương trình? Nói ra điều này thực là đau xót cho việc thực thi pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam”.

Có thể nói, nhận thức của toàn xã hội về quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam đang thực sự còn quá nhiều lỗ hổng. Ngay cả các ca sĩ - những người vẫn “chung lưng đấu cật” với giới nhạc sĩ mà cho đến giờ vẫn còn thực sự chưa hiểu gì về những quy định của luật pháp liên quan đến quyền tác giả thì có thể lý giải vì sao cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta vẫn còn là một hành trình chưa biết đến bao giờ mới có hồi kết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem