Cuối tháng 8.2013, Hội Nông dân huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) tổ chức lớp tập huấn tình nguyện cho 65 học viên là cán bộ hội viên nông dân 2 xã Đông Ninh và Đông Khê (Đông Sơn, Thanh Hóa). Các nông dân được tìm hiểu về: An toàn khi sử dụng máy nông nghiệp và sử dụng điện; môi trường lao động và sử dụng hoá chất an toàn; đảm bảo phúc lợi xã hội.
Điều đặc biệt ở lớp học là trên cơ sở kiến thức đã có, cán bộ hội và nông dân đăng ký các cải tiến, cải thiện điều kiện lao động, lưu ý sử dụng bảo hộ lao động… Các học viên đều khẳng định, có kiến thức nền, nông dân nào cũng có thể áp dụng, từng bước cải thiện về ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp.
Nông dân hăng hái thảo luận về giảm thiểu tai nạn lao động theo phương pháp WIND tại Bắc Giang.
“Học đi đôi với hành”, các học viên cũng được thăm mô hình sản xuất của gia đình ông Lê Thế Thái ở đội 9, xã Đông Ninh để rút ra những kinh nghiệm đảm bảo an toàn khi sử dụng các loại máy móc, thiết bị. Đến nay, 65 nông dân đã là những tuyên truyền viên tích cực cùng nông dân trên địa bàn kiểm soát các yếu tố gây tai nạn lao động, tai nạn thương tích…
Bà Nguyễn Thị Thơm, chuyên viên Ban Xã hội- Dân số, Gia đình (Hội Nông dân Việt Nam) cho biết, theo thống kê số nông dân bị tai nạn máy cơ khí nông nghiệp điều trị ở trung tâm y tế 3 huyện thuộc tỉnh Thái Bình (thống kê trong 2 năm) thì tất cả các loại máy móc nông nghiệp đều có thể gây tai nạn, trong đó máy tuốt lúa, máy xay xát là 2 loại máy gây tai nạn nhiều với tỷ lệ 4,6%. Trong số đó, có cả những nông dân bị dây curoa cuốn dẫn tới cụt chân, tay…
Trong nhiều năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo các tỉnh, thành hội tuyên truyền cho hội viên nông dân thực hiện công tác về an toàn lao động, phối hợp với Bộ LĐTBXH, Bộ NNPTNT đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền cho nông dân về an toàn lao động như tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật ATLĐ trong nông nghiệp và làng nghề, tổ chức hội thi văn nghệ…
|
Đây đều là những câu chuyện, bài học được đưa vào thảo luận trong các lớp tập huấn để hội viên nông dân lưu ý, rút kinh nghiệm, đồng thời cũng là tuyên truyền viên để nhắc nhở, hướng dẫn nhau vận hành máy nông nghiệp an toàn.
“Thực tế, tai nạn trong nông nghiệp nhiều khi xuất phát từ nhận thức của nông dân về an toàn lao động còn quá đơn giản. Những lớp tập huấn này giúp nông dân nhìn nhận vấn đề về an toàn lao động trên đồng ruộng nghiêm túc hơn”- bà Thơm nói.
Với mục tiêu đó, Hội Nông dân Việt Nam đã xúc tiến xây dựng mạng lưới cán bộ cơ sở có kiến thức và làm tốt công tác ATVSLĐ theo phương pháp WIND (phát triển tình làng nghĩa xóm để cải thiện điều kiện lao động). Trong năm 2012-2013, đã có hàng ngàn nông dân được tập huấn, tự các nông dân đã thảo luận và cung cấp hàng chục ngàn các cải thiện về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt để hạn chế tai nạn lao động.
Đặc biệt những nông dân này cũng có trách nhiệm tổ chức lại những khóa đào tạo tình nguyện viên tại cơ sở, theo dõi, động viên những cải thiện của nông dân, mở rộng tuyên truyền để những kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn của chính nông dân được nhanh chóng nhân rộng, hoạt động hiệu quả…
Lê An (Lê An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.