Khi nước chảy thành âm nhạc

Thứ hai, ngày 07/02/2011 23:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với riêng quốc gia của mình, người nước nào cũng sẽ đều tự hào bởi những bài hát viết về những dòng sông trong tổ quốc yêu quý. Và với đất nước Việt Nam ta, điều đó cũng không là ngoại lệ.
Bình luận 0

Từ khi lịch sử Tân Nhạc Việt Nam hình thành, có lẽ con sông đầu tiên được hát lên chính là sông Bạch Đằng lịch sử với những chiến công lẫy lừng từ thời Ngô Quyền đến thời Trần Hưng Đạo. Những thanh niên thập kỷ 40 thế kỷ trước đã hơn một lần hát vang những "Bạch Đằng Giang" (Lưu Hữu Phước), "Trên sông Bạch Đằng" (Hoàng Quý).

 img
Sông Hoài (Hội An). Ảnh: Lưu Quang Phổ

Khi Hoàng Phú (sau là nhạc sĩ Tô Vũ) hát về dòng Hát Giang thời Hai Bà Trưng trong nhạc phẩm "Ngày xưa", thì Lưu Hữu Phước lại hát về sông Gianh giới tuyến phân tranh Trịnh - Nguyễn một thời dài qua "Hờn sông Gianh".

Nhưng đấy là những âm hưởng chính ca mang hơi thở hùng tráng. Con sông được chảy thành những giai điệu trữ tình đầu tiên lại là sông Thương, Bắc Giang. Tên sông đã được Đặng Thế Phong đưa vào nhạc phẩm "Con thuyền không bến": Lướt theo chiều gió. Một con thuyền theo trăng trong. Trôi trên sông Thương. Nước chảy đôi dòng... Văn Cao sau những âm hưởng chính ca về sông Bạch Đằng, lại chợt thăng hoa con sông nhánh ở miền Thuỷ Nguyên, Hải Phòng chảy ra sông Bạch Đằng thành con sông trong chốn thiên thai: Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan, quê hương dần xa khuất núi ngàn.

Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền. Ai hát bên bờ Đào Nguyên trong nhạc phẩm "Thiên Thai". Rồi cũng như Đặng Thế Phong, khi viết về Trương Chi trong nhạc phẩm "Trương Chi", Văn Cao cũng thêm lần cảm hứng về sông Thương với nhịp chèo đò dị biệt: Đò ơi! Đêm nay dòng sông Thương dâng cao mà ai hát dưới trăng ngà...

Sông Hồng - dòng sông Mẹ, sông Cái - đã tạo nên cả một nền văn minh châu thổ Bắc bộ chỉ thực sự chảy thành âm nhạc rồi chảy ra thế giới trong Festival thanh niên thế giới 1950, khi nhịp điệu và hình ảnh của sông được đưa vào trong nhạc phẩm "Người Hà Nội" tuyệt tác của Nguyễn Đình Thi: Hồng Hà tràn đầy. Hồng Hà cuốn, ngàn nguồn sóng, tràn đầy dâng...

Đấy là những ngày tổ quốc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ và kiêu hãnh đứng lên làm cuộc kháng chiến trường kỳ. Bên cạnh sông Hồng, sông Hương ở Huế cũng chảy vào nhạc phẩm "Bình Trị Thiên khói lửa" của Nguyễn Văn Thương, sông Hàn ở Đà Nẵng cũng lai láng trong nhạc phẩm "Bến Hàn Giang" của Ngọc Trai. Ở châu thổ sông Cửu Long miền Nam Bộ, từ sau ngày 23-9-1945 vang lên trong câu hát Tạ Thanh Sơn: Mùa thu rồi ngày hăm ba, ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến, dòng Cửu Long cũng lặng lẽ chảy vào âm nhạc qua nhạc phẩm "Tiếng còi trong sương đêm" của Hoàng Việt (khi đó còn bút danh là Lê Trực): Bến nước gió rét đò thưa khách sang. Lau xanh ven sông mờ rung bóng trăng…

 img
Cửa sông Mã. Ảnh: Hoài Linh

Cuộc chiến càng ác liệt, càng thắng lợi thì lại càng nhiều hình ảnh những con sông xuất hiện trong các nhạc phẩm. Riêng sông Lô - một nhánh thượng lưu chảy vào sông Hồng - sau chiến thắng Thu Đông 1947 đã có 5 tác phẩm thanh nhạc đồ sộ ngợi ca. Đó là "Lô Giang" (Lương Ngọc Trác), "Chiến sĩ sông Lô" (Nguyễn Đình Phúc), "Bên bờ sông Lô" (Phạm Duy), "Đoàn quân sông Lô" (Lưu Hữu Phước) và "Trường ca sông Lô" của Văn Cao.

Song phải đến khi "Du kích sông Thao" của Đỗ Nhuận dâng trào mênh mang thì người thưởng thức âm nhạc mới thấy bộ ba "Trường ca sông Lô", "Du kích sông Thao" và "Người Hà Nội" mới thực sự tạo ra một dòng sông Hồng bằng âm nhạc...

Ở Nam Bộ, cùng những "Con kênh xanh xanh" trong âm nhạc Ngô Huỳnh, tên sông Cửu Long Giang đã nhập vào bao nhạc phẩm. Cũng như sông Đuống, sông Vàm Cỏ Đông nhỏ nhoi cũng chảy thành âm nhạc nhờ tài năng của nhạc sĩ Hoàng Việt qua nhạc phẩm "Lên ngàn".

Tuy nhiên, bên cạnh nét hùng tráng ghi lại chiến công trên những dòng sông, âm nhạc vẫn lưu tâm đến những cảnh phân ly, chia biệt bên sông do chiến tranh: Quay về hướng làng. Đà Giang lệ ướt nồng. Mẹ già ngồi im bóng. Mái tuyết sương mong con bạc lòng ... ("Thuyền viễn xứ" - Phạm Duy. Thơ: Hà Huyền Chi) hay: Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh. Có sông sâu lờ lững lượn quanh... ("Làng tôi" - Chung Quân). Sự phân ly ấy càng ngày càng rõ ràng, khi sau ngày hoà bình năm 1954, Việt Nam chia thành hai miền Nam và Bắc...

img
Quang chài trên sông Hương. Ảnh: Lê Hữu Thọ

Sau ngày thống nhất đất nước, những dòng sông quê hương lại chảy tràn trề vào âm nhạc qua nhiều nhạc phẩm được các nhạc sĩ sáng tạo trong nhiều năm qua. Nhưng những sáng tác này vẫn chủ yếu là do các nhạc sĩ có lứa tuổi từ ngũ tuần trở lên viết ra.

Những nhạc sĩ trẻ hiện nay thực sự là ít quan tâm đến những con sông cụ thể của quê hương, của đất nước. Con sông trong ca khúc của họ chỉ là con sông chung chung kiểu "Dòng sông lơ đãng" của Việt Anh.

Không cần nhắc tên sông nhưng nếu viết như Trịnh Công Sơn, người thưởng thức vẫn nhận ra sông Hương xứ Huế rất rõ rệt. Dù chọn lựa thế nào thì cũng phải từ một tình yêu chân thành, một xúc cảm thực. Và mong những dòng sông mãi chảy thành âm nhạc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem