Khi phóng viên làm “trùm quăng bom”

Thứ tư, ngày 22/02/2012 10:45 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Liên tiếp những vụ scandal gần đây của giới giải trí đã khiến dư luận nhận ra, chuyện đã chẳng ầm ĩ đến thế nếu không có tài “quăng bom” của một số phóng viên.
Bình luận 0

Những người “đốt lửa”

Sau khi đại diện Bộ VHTTDL khẳng định: “Tước danh hiệu của Hoa hậu Mai Phương Thúy không phải quan điểm của Bộ” thì dư luận mới nhẹ nhõm thở phào về số phận chiếc vương miện của cô hoa hậu. Các báo mô tả, sau scandal, Mai Phương Thúy gầy rộc đi bởi cô đã nhận được một cú sốc lớn từ bộ ảnh “gây tranh cãi”.

img
Một bức ảnh trong bộ ảnh “Áo dài khoe nét xuân thì” của Hoa hậu Mai Phương Thúy.

Nhưng việc “thổi” một câu chuyện nhỏ lên thành một scandal lớn làm… liên lụy đến cả Bộ VHTTDL phải kể đến công đầu của một vài báo mạng, nơi đăng tải các bài viết, ý kiến bình luận mà trong đó người viết đã chủ ý sử dụng những tính từ nhạy cảm như “dung tục”, “dâm hóa áo dài”... để làm trầm trọng hóa vấn đề.

Việc bộ ảnh của Mai Phương Thúy làm nổi lên một cuộc tranh cãi trong dư luận (mà chủ yếu là trên các diễn đàn mạng) cho thấy trong vòng khoảng 5-7 năm tới ở VN, các nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh nuy nghệ thuật hay các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật liên quan đến vẻ đẹp cơ thể con người đừng mơ tới chuyện ra mắt đường đường chính chính trước bàn dân thiên hạ. Bởi cùng một bức ảnh ấy, có người xuýt xoa khen đây là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng cũng có những người bỉ bai như đó một tác phẩm dung tục, khiêu dâm trăm phần trăm.

Vậy vai trò của giới truyền thông, mà cụ thể là các nhà báo chuyên về văn hóa nghệ thuật trong cuộc tranh cãi này là gì? Một trong những nhiệm vụ quan trọng của truyền thông là định hướng dư luận, thế nhưng ở một số tờ báo, khó có thể nói người viết là những người định hướng mà thực sự đang đóng vai trò của những người “đốt lửa” hay “ném bom”.

Từ đầu đến cuối, chẳng thấy chính kiến của họ ở đâu khi ngày hôm nay là một bài tổng hợp các ý kiến vùi dập bộ ảnh, ngày mai lại thấy một loạt ý kiến bênh vực mà bên nào cũng đầy đủ lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình. Có phóng viên khi đi phỏng vấn còn nhốt bộ ảnh áo dài “xuân thì” của Hoa hậu Mai Phương Thúy với bộ ảnh áo dài khiêu dâm nghi của người đẹp Ngọc Trinh vào chung một rọ thì rõ ràng người viết đang lộ rõ chủ ý “tung hỏa mù”, “lập lờ đánh lận” chứ chẳng có mục đích nào khác.

Chuyên gia “quăng bom”

Đến hôm nay, hơn 10 ngày sau khi Chương trình Vietnams Got Talent (VGT) có phần dự thi của thí sinh Lê Nguyễn Quỳnh Anh phát sóng, “cuộc chiến” giữa gia đình cô bé 15 tuổi này và Ban tổ chức chương trình vẫn chưa kết thúc khi bà mẹ cô đã nhờ nhạc sĩ thẩm định phần âm thanh của tiết mục của con mình với một tiết mục khác và đưa ra kết luận “phần âm thanh khi Quỳnh Anh dự thi đã cố tình bị chỉnh cho kém đi để vùi dập tài năng của thí sinh”.

Đẩy sự việc đi tới mức “ghét nhau xúc đất đổ đi” thế này, hẳn Ban tổ chức cũng chẳng muốn, nhưng chuyện gì cũng có nhân- quả. Nhiều khán giả công tâm nhận định, họ sẽ chẳng ghét thái độ của gia đình Quỳnh Anh đến mức như vậy nếu không có đoạn băng dài khoảng hơn 30 giây ghi cảnh bà mẹ “cướp diễn đàn” để phản ứng ban giám khảo. Không có chi tiết này, hậu quả của câu chuyện không đi xa đến mức ấy.

Trong những trường hợp đang gây tranh cãi, người viết hay cơ quan truyền thông đáng ra phải thể hiện quan điểm rõ ràng, “bênh” là bênh, “đánh” là đánh, còn cứ lập lờ chỉ để nuôi đề tài và “câu view, tăng hit” thì mục đích ở đây đã đi lạc sang một hướng khác.

Vậy chi tiết này có thể không xuất hiện trên truyền hình được không? Xin thưa là hoàn toàn trong tầm tay, bởi VGT đang ở giai đoạn phát lại các tập ghi hình từ trước, không phải trực tiếp, nhưng nó vẫn xuất hiện, bởi đó mới là điểm nhấn hoàn hảo cho kịch bản về “một gia đình không- biết- mình- là- ai” để tạo nên một cơn bão trong dư luận.

Mặc dù Ban tổ chức và nhà sản xuất đã khẳng định, VGT không lợi dụng Quỳnh Anh để thu hút khán giả, nhưng cách “chế bom” và “quăng bom” tới trình độ thượng thừa của họ đã chứng minh điều ngược lại.

Không thể đổ lỗi cho độc giả, khán giả, bởi họ hoàn toàn thể hiện phản ứng bình thường của mình trước những thông tin được tiếp nhận từ các cơ quan truyền thông đại chúng.

Vấn đề là thay vì thể hiện chức năng định hướng dư luận của mình, nhiều phóng viên, cơ quan báo chí giờ đây lại viện dẫn nhiệm vụ “phản ánh thực tế” của nghề nghiệp hay của chương trình (VGT là một chương trình truyền hình thực tế) để cho phép mình chuyển tới người đọc, người xem “những thực tế có khả năng sẽ gây hậu quả tai hại”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem