Có thể nói đây là lần đầu tiên, một vụ việc ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề dân sinh của hàng vạn hộ dân Thủ đô đã được nhìn nhận một cách nghiêm túc dưới góc độ luật pháp.
Thợ thi công đường ống dẫn nước sạch sông Đà đang khắc phục sự cố vỡ đường ống nước lần thứ 7. (Ảnh: Hoàng Phương)
Bị hại là nhà nước?
Trao đổi với PV , LS Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra xung quanh việc liên tục vỡ đường ống nước sông Đà.
“Đây mới chỉ là bước đầu của vụ việc, khi thấy có dấu hiệu hình sự thì việc khởi tố điều tra là cần thiết, quá trình điều tra sẽ xác định từng sai phạm và bị can. Trường hợp thứ nhất nếu điều tra thấy không có dấu hiệu hình sự thì vụ án bị đình chỉ, hoặc có dấu hiệu hình sự nhưng bị can đã chết thì cũng đình chỉ. Trường hợp thứ hai là có sai phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan điều tra xác định các cá nhân liên quan xem hành vi của họ là sai phạm thế nào, thuộc tội danh gì? Việc khởi tố vụ án về tội danh vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng nhưng sau này không phải bắt buộc khởi tố bị can (nếu có) theo tội danh đó mà có thể là tội danh khác, có thể như tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng hay Tham ô tài sản hoặc Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Khởi tố vụ án là thủ tục bước đầu của quá trình điều tra vụ án nên cơ quan điều tra thường áp vào tội danh sát nhất so với hành vi sai phạm đã xảy ra” - LS Dũng nói.
Còn theo phân tích của LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), từ các thông tin hiện nay trong vụ vỡ ống nước sông Đà xác định bị hại là nhà nước. Còn với người dân là những khách hàng bị thiệt hại trong vụ việc này, nếu gộp vào vụ án thì đó là thiệt hại thứ phát, họ được xem là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Những tiếng reo vui thoát ra từ thống khổ
Có thể ghi ra đây những tiếng reo vui của một phần rất nhỏ trong số 7 vạn hộ dân đã phải hứng chịu cảnh “nước mất nhà tan” trong suốt 9 lần đường ống nước sông Đà - một sản phẩm trớ trêu thay lại được trao danh hiệu “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” của Bộ Xây dựng (qua vụ việc này cũng thấy cần nhìn lại thực chất các loại danh hiệu) – trên nhiều trang mạng xã hội trong mấy ngày qua.
Một bạn đọc tên là Phạm Tài bình luận: Sự kiện này rất hợp lòng dân, người dân đã chờ đợi từ lâu, nhiều câu hỏi của người dân đặt ra lâu nay chưa ai trả lời. Nay cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc chúng tôi thấy tiếng nói của mình đã được cơ quan chức năng lắng nghe, cảm thấy thoả mãn phần nào những bức xúc lâu nay”. Bạn đọc Cương Lee thì tỏ ra lý trí hơn “Dù chả vui vẻ gì nhưng tôi mong chờ tin này từ lâu lắm rồi”. “Hoan hô cơ quan cảnh sát điều tra đã vào cuộc để làm rõ nguyên nhân vì sao đường ống nước sông Đà bị vỡ”, bạn đọc thuyduongnguyen hứng khởi…
Còn nhiều, rất nhiều những tiếng vỗ tay hưởng ứng như vậy từ trong dư luận xã hội mà không thể ghi ra hết ở đây. Điều này cho thấy một thực tế là nỗi bức xúc của người dân, nạn nhân trực tiếp của 9 lần vỡ đường ống dẫn nước sông Đà, đã bị kìm nén từ quá lâu và nay có cơ hội để bung ra thành những vỗ tay hoan hô, dù thực tế là đây chẳng phải là một tin tốt lành trong xã hội.
Nỗi đau mất nước
Cả một vùng rộng lớn trải dài qua mấy quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, các huyện Từ Liêm, Thanh Trì đều phải chịu cảnh mất nước tới 9 lần, trải dài trong suốt 3 năm qua. Nhanh thì mất nước trong khoảng 2, 3 ngày, nhưng có những lần cảnh mất nước kéo dài tới cả 1 tuần, thậm chí có lần tới cả 2 tháng trong một khu vực.
Vì mất nước, nên nhiều cư dân ở đây đã chế ra khá nhiều câu chuyện khôi hài. Người thì nghiêm trang đọc khẩu hiệu: “Soong có thể thủng, thùng chứa nước có thể cạn, nhưng tình trạng mất nước không bao giờ thay đổi”. Thậm chí, có người còn phải dậy từ 1-2 giờ sáng để… hứng nước do Ban quản lý tòa nhà bơm “cấp cứu” vào đúng giờ đấy. Còn chuyện 4 - 5 giờ sáng dậy rửa bát, lau dọn nhà cửa là chuyện bình thường.
Khu đô thị Đại Thanh (đường Phan Trọng Tuệ, Thanh Trì) có gần 4.000 hộ dân sinh sống với nhu cầu nước sử dụng khoảng 2.500m3/ngày, đêm. Vì thế, mỗi lần xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà, hơn 1 vạn người dân sinh sống tại đây lại sống trong cảnh “lầm than” không biết kêu ai. Nhiều hộ cho biết, thiệt hại đối với họ không đơn giản là không có nước sinh hoạt, mà còn là sức khỏe, tinh thần, nên nếu có yêu cầu bồi thường thì chỉ sợ đơn vị cung cấp nước cũng chẳng… bồi thường nổi.
Đã thành nỗi ám ảnh, mỗi khi nghe tin vỡ đường ống nước sông Đà, gia đình anh Nguyễn Thanh Hùng, sống ở tòa nhà CT8B, khu đô thị Đại Thanh) lại… giật nẩy hết cả mình. Như một phản ứng đã được lập trình sẵn, anh lập tức huy động mọi dụng cụ trong nhà có thể tích tương đối như xô, chậu, soong, nồi… để huy động cho việc đựng nước. Giờ đây, khi nguồn nước cấp đã tương đối ổn định, song nhớ về những tháng ngày sống trong cảnh một gáo nước được dùng đi, dùng lại 3 lần, anh Hùng tếu táo đùa: “Cứ nước mất là nhà tan ngay, ông ạ”.
Mỗi lần vỡ đường ống nước sông Đà, người dân ở khu đô thị Đại Thanh lại phải đi xách từng xô nước như thế này để về dùng tạm. (Ảnh: Lê Hân)
Anh Hùng nhớ lại: “Kể từ khi chuyển nhà mới về khu đô thị này, chúng tôi đã phải trải qua 5 lần mất nước từ chính cái đường ống dẫn nước sạch sông Đà đó. Cứ mỗi lần vỡ là một lần cả nhà lại rơi vào trạng thái bất an, vì không biết bao giờ mới có nước lại để dùng”. Việc mất nước tại đây nghiêm trọng nhất là kể từ lần vỡ thứ 5 vào ngày 26.4.2014. Sự cố đó đã khiến gần 4.000 hộ dân với trên 12.000 nhân khẩu tại đây lâm vào cảnh thiếu nước triền miên, kéo dài suốt hơn 2 tháng trời, bởi do lo sợ đường ống vỡ tiếp, sau đó đơn vị cấp nước sạch là Vinaconex đã chủ động giảm áp, khiến những khu vực “cuối nguồn” như ở khu đô thị Đại Thanh bị thiếu nước nghiêm trọng.
Anh Hùng tâm sự: Việc mất nước không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt, thậm chí còn ảnh hưởng tới cả công việc của gia đình anh, nhiều chi phí cũng phát sinh do mất nước. “Mỗi lần mất nước, tôi đành phải phải nhịn nước, “để dành” lên cơ quan mới đi đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh… Tối đi làm về, trời thi nóng bức nhưng cả nhà vẫn phải nhịn tắm, cơm thì ra ngoài nhà hàng ăn. Muốn có nước uống, phải đành lòng mua mấy bình nước Lavie để dùng, tính ra tốn kém vô cùng”.
Vinaconex sẽ không được tiếp tục triển khai dự án?
Ngày 31.7, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu xem xét lại cụ thể về năng lực, các điều kiện để thực hiện dự án và quy định của pháp luật của Tổng Công ty CP Vinaconex khi triển khai giai đoạn 2 của dự án.
Trong văn bản này, UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị: Trường hợp Vinaconex không được phép tiếp tục triển khai dự án, UBND TP đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP thực hiện các cơ chế đặc thù, chỉ đạo Công ty Nước sạch của TP triển khai dự án trong thời gian sớm nhất và theo đúng quy định, kịp thời cung cấp nước sạch phục vụ nhân dân. Hải Phong
Vui lòng nhập nội dung bình luận.