Khi tình cũ… rủ rê

Thứ sáu, ngày 26/11/2010 18:49 PM (GMT+7)
Sau một thời gian chia tay, đột nhiên ý muốn quay trở lại bên nhau xuất hiện ở nhiều người. Và họ thực sự tin rằng có thể bắt đầu mối quan hệ một lần nữa...
Bình luận 0

Điều này xảy ra vì nhiều lý do:

Trong tiềm thức của một số người, những kỷ niệm xấu dần dần bị đẩy lùi, chỉ còn lại những kỷ niệm dễ chịu. Và họ bắt đầu nghĩ rằng thực ra mọi thứ không quá tệ, đôi khi thậm chí là đã từng rất tuyệt vời.

Vài người khác lại nhận ra rằng, sống một mình khó khăn hơn nhiều so với khi chung sống cùng nhau.

img
 

Với nhóm người thứ ba, đó là khi lòng vị kỷ lên tiếng: "Sao anh ta dám bỏ mình, một người vợ tuyệt vời?".

Còn nhóm thứ tư thì tin vào trực giác của mình về một người đàn ông cho cả cuộc đời. Và vì thế họ cố gắng tìm hiểu xem có còn cơ hội nào cho điều đó hay không.

Bạn không thể “phục hồi” mối quan hệ nếu…

• Bạn bắt đầu mối quan hệ lại một lần nữa chỉ vì bạn sợ “sự cô đơn kiêu hãnh” (Thôi kệ, dù sao thì có một người đàn ông bên cạnh cũng tốt hơn là vò võ một mình)

• Nếu bạn vẫn nuôi hy vọng thay đổi anh ấy theo cách riêng của mình (Anh ấy chắc đã hiểu ra những gì cần làm)

• Bạn vẫn ghim gút những bất bình trong quá khứ và thậm chí còn đắc thắng nhủ thầm: "Bây giờ tôi sẽ nhắc cho anh nhớ, anh đã làm tôi đau khổ đến thế nào".

img
 

• Bạn quay lại một lần nữa chỉ vì lợi ích của con cái hoặc cha mẹ (Con trẻ cần một người cha; Mẹ không chịu đựng được chuyện ấy)

• Nếu anh ấy đồng ý với những nguyên nhân gây ra sự tan vỡ, nhưng không cam kết sẽ có bất cứ hành động cụ thể nào. Nói cách khác, lời nói của anh ta mâu thuẫn với hành động của mình. Anh ta chỉ hứa hẹn, chứ không làm gì cả.

Nếu có sự hiện diện của ít nhất hai hoặc ba lý do trên thì bạn nên suy nghĩ lại: có cần phải "tắm hai lần trên cùng một dòng sông"?

Mọi việc có thể sẽ tốt đẹp nếu...

• Cả hai cảm thấy thiếu thốn và cần nhau.

• Trong khoảng thời gian xa nhau, các bạn đã hiểu mình và hiểu những gì cần phải thay đổi, bạn không đổ lỗi cho mình hoặc anh ấy về những gì đã xảy ra.

• Bạn hiểu rằng bạn hoàn toàn có thể sống một mình và việc phục hồi mối quan hệ không phải là vì bạn cần làm nhẹ gánh cuộc sống hàng ngày của mình.

• Cả hai cảm thấy một sức hấp dẫn lôi kéo các bạn trở lại với nhau và có những tia lửa nhỏ ấm áp xuất hiện trong mối quan hệ.

• Cả hai hình dung được rõ ràng tương lai của cuộc sống chung trở lại và có kế hoạch cụ thể.

• Bạn nghĩ sẽ dễ chịu hơn trong cuộc sống chung.

• Bạn không còn tìm hiểu xem ai là người có lỗi trong chuyện chia tay trước kia.

• Bạn hiểu rõ rằng phải đối xử với nhau một cách tôn trọng, đó là: không có những cơn ghen bệnh hoạn, không cố gắng để giữ anh ấy bằng mọi giá.

5 bước đến với nhau

Bước 1. Đừng "ngủ quên"

Sự nhẹ nhõm "Hoan hô, thế là hết cô đơn!" là cảm giác đầu tiên xảy ra sau khi các bạn đã hòa giải. Nhưng nếu bạn không làm gì khác và chỉ ngồi yên thì sự mới mẻ dễ chịu này sẽ mau chóng biến mất, những ngày thường sẽ lại xám xịt và cuối cùng tất cả mọi thứ sẽ như trước kia. Để tránh điều này, hãy nhớ lại những gì đã khiến mối quan hệ của các bạn tan vỡ và làm gì đó để điều ấy không xảy ra nữa.

img
 

Bước 2. Hãy ngồi lại cùng nhau

Điều đó có thể không mấy thú vị, nhưng trước khi quyết định chung sống lần nữa, hãy nhìn lại mọi điều. Hãy cùng trả lời các câu hỏi: tại sao mối quan hệ trước đó đã kết thúc trong sự tan vỡ? Điều gì tốt và xấu trong mối quan hệ cũ? Có một điều kiện quan trọng: cuộc đối thoại của các bạn không được biến thành những tranh cãi thông thường, hãy cố gắng nói chuyện với tinh thần xây dựng và không đi chệch khỏi chủ đề!

Bước 3. Thảo luận về những thay đổi

Hãy thỏa thuận cùng nhau về những điều: ai và làm thế nào để thay đổi để tránh các mâu thuẫn cũ mà các bạn đã tìm ra trong bước 1 và 2. Đừng quên thảo luận các vấn đề như khi nào các bạn sẽ thực hiện những điều đó. Khi vạch ra mọi điều kiện cụ thể, bạn sẽ nhận ra một cách dễ dàng hơn thực tế: anh ấy và bạn có muốn thay đổi hay không và bạn sẽ nhận ra những bất hòa giữa lời nói, suy nghĩ và hành động của các bạn.

Bước 4. Kiểm tra kế hoạch của bạn hiệu quả ra sao

Sau một thời gian, hãy nhìn lại và kiểm tra xem những thỏa thuận của các bạn đạt được ở mức độ nào. Nếu không có kết quả, hãy cùng nhau tìm hiểu có gì sai trong kế hoạch đó.

Bước 5. Hãy sẵn sàng tha thứ

Hãy cho nhau thời gian để gầy dựng lòng tin, bỏ qua chuyện cũ, đừng sử dụng các kinh nghiệm buồn trong quá khứ để đánh giá hiện tại. Nếu bạn làm thế, một cuộc chia tay mới tất yếu sẽ xảy ra.

Nhưng thậm chí nếu các bạn không thành công trong cuộc tái hợp này, bạn nhận ra rằng nó là một sai lầm, đừng lo lắng, bởi một điều dễ thấy: nếu ai đã sai mà không sửa chữa, họ sẽ còn sai tiếp ...

Theo PNO
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem