Khó đòi nhiều khoản đền bù

Thứ ba, ngày 01/03/2011 11:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang lo việc thanh lý hợp đồng và tính các khoản đền bù cho lao động Việt Nam sau khi rời khỏi Libya. Tuy nhiên có khá nhiều khoản không đòi được cho lao động.
Bình luận 0

Chờ tiền đền bù để trả nợ

Đến bây giờ, hầu hết các lao động VN sau khi về nước đều chưa nhận được các thông tin gì về việc đền bù khi thanh lý hợp đồng từ các công ty.

Anh Đỗ Quang Tin (quê ở Nam Sách, Hải Dương) vừa về tới sân bay Nội Bài ngày 28.2 cho hay: "Tôi đã sang Libya gần 4 tháng nay, mỗi tháng nhận được 400USD và đã gửi toàn bộ số tiền đó cho gia đình, vì thế trên đường về VN tôi không còn một đồng nào trong người".

img
Mất việc làm, nhiều lao động Việt Nam trở về từ Libya sẽ ôm hàng chồng nợ.

Tuy nhiên, số tiền anh Tin đã gửi về quê chỉ mới đủ để trả nợ các khoản phụ trước lúc đi gồm làm hộ chiếu, khám sức khoẻ, học giáo dục định hướng… Còn số tiền 35 triệu đồng vay ngân hàng để đóng phí cho Công ty Vinaconexmex thì đến giờ vẫn chưa trả được đồng nào.

Anh Tin cho biết: Tôi chẳng mong số tiền đền bù có thể giải quyết được hết nợ nần, chỉ mong giải quyết ở mức chúng tôi được hỗ trợ gì thì phải trả đầy đủ các khoản đó".

Không được may mắn như anh Tin, lao động Võ Văn Quyền (ở Nam Đàn, Nghệ An) chỉ mới sang Libya được hơn 1 tháng qua Công ty Vinaconexmex và chưa nhận được tháng lương chính thức nào.

"Khi đi, tôi vay anh em họ hàng toàn bộ số tiền 35 triệu đồng đóng lệ phí. Tôi chỉ còn trông chờ vào tiền đền bù nhưng công ty vẫn chưa có bất cứ thông tin nào về các khoản tiền này" - Quyền chia sẻ.

Đó cũng là nỗi lo chung của nhiều lao động khi còn ở Libya cũng như đã đặt chân về nước. Hiện nay, chi phí đi Libya dao động từ 1.600 -2.000 USD/người (tuỳ mức lương, tương đương 35-40 triệu đồng/người), chưa kể các khoản tiền phát sinh khác.

“Doanh nghiệp không thể bao nổi”

Liên quan tới các khoản hỗ trợ lao động, hầu hết các DN XKLĐ đều thoái thác trả lời. Trao đổi với NTNN, ông Đoàn Đại Thành - Giám đốc Công ty Cung ứng nhân lực quốc tế và thương mại (Sona) cho biết: "Hiện giờ, các mức tiền đền bù sau khi thanh lý hợp đồng chúng tôi chưa tính đến vì phải chờ sự hướng dẫn từ Cục Quản lý lao động ngoài nước. Đây là việc quan trọng, cần đến sự thống nhất giữa Cục và các công ty. Trước mắt, chúng tôi vẫn đang tập trung tìm mọi cách để có thể đưa các lao động về nước nhanh nhất và sớm nhất".

Câu hỏi được nhiều lao động đặt ra là họ sẽ được hỗ trợ, đền bù những gì? Một Giám đốc công ty XKLĐ cho hay, nếu chi trả một cách tường minh, lao động có thể nhận được ít nhất 4-5 khoản gồm: 50% phí môi giới (nếu lao động chưa làm đủ 1/2 thời gian theo hợp đồng), 10% phí dịch vụ của các tháng còn lại (so với hợp đồng), các khoản bảo hiểm (nếu có), chi trả từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước (quy định tại mục 3 khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg, tối đa là 5 triệu đồng), vé máy bay lượt về (với lao động huyện nghèo đi theo Quyết định 71/QĐ-TTg)...

Tuy nhiên, trong số này có nhiều khoản khó đòi. Ví dụ như phí môi giới, tiền bảo hiểm. Ông Nguyễn Xuân Vui - Tổng Giám đốc Airserco nói: "Tình hình bạo động căng thẳng, khó có thể liên lạc được phía đối tác để đòi tiền môi giới. Còn doanh nghiệp chúng tôi thì không thể bao nổi khoản tiền này. Về khoản tiền bảo hiểm, lao động không mua bảo hiểm ở Việt Nam mà chỉ có chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm ở nước bạn. Tuy nhiên, bảo hiểm này là bảo hiểm về y tế, thân thể chứ không phải bảo hiểm rủi ro, chiến tranh nên chắc lao động cũng không được đền bù".

Theo tính toán của ông Vui, nếu đòi được tiền môi giới, mỗi lao động cũng có thêm vài trăm USD tiền đền bù: Nhưng khoản này chắc rất khó đòi. Bản thân ông Vui, khi đưa lao động đi Libya cũng tuyên bố sẽ cam kết hỗ trợ thoả đáng cho lao động nếu có rủi ro thì giờ cũng chỉ dám nói: "Tất cả khoản đền bù, hỗ trợ của lao động đều thực hiện khi thanh lý hợp đồng và căn cứ vào Luật XKLĐ".

Liên quan tới đền bù, ông Đào Công Hải - Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, trước mắt, lao động về nước được Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước chi trả 1 triệu đồng làm lộ phí về quê. Các vấn đề khác sẽ xử lý khi thanh lý hợp đồng.

Lao động huyện nghèo "dễ thở"

Một điều khá may mắn là với lao động huyện nghèo đi XKLĐ tại Libya áp lực nợ nần không nhiều bằng lao động các địa phương khác.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định, hầu hết lao động huyện nghèo (nhất là đồng bào dân tộc thiểu số) sẽ không mấy ảnh hưởng bởi nợ nần. Theo Quyết định 71/QĐ-TTg, hầu hết lao động được hỗ trợ tiền ăn, ở, đi lại, học định hướng trước khi xuất cảnh, được vay 100% chi phí đi XKLĐ tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi xuất ưu đãi (bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội).

"Hiện, việc khoanh nợ hay giãn nợ cho đối tượng này đang được xem xét và đang chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, quyết định khoanh nợ cho ai, đối tượng nào"- một giám đốc DN XKLĐ nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem