Khó hạn chế nhập siêu nông sản

Thứ sáu, ngày 25/06/2010 16:55 PM (GMT+7)
(NTNN) - Trong 6 tháng đầu 2010, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn gia tăng mạnh và đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Nhận định này được đưa ra tại cuộc họp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội hôm 24-6.
Bình luận 0
img
Rau quả trong nước đang chịu sức ép lớn từ các sản phẩm nhập khẩu.

Xuất mạnh, nhập khẩu nông sản cũng mạnh

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, tháng 6, ước tính kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thuỷ sản đạt tới 1,842 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm trước và 6 tháng ước đạt 7,551 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm cũng tăng mạnh không kém. Cụ thể, trong tháng 6, nhập khẩu mặt hàng bông các loại tăng 140,4%; lúa mỳ tăng 76,7%, sữa 55,8%; thức ăn gia súc tăng 40,6%; sản phẩm gỗ tăng 32,2%; thuốc trừ sâu nguyên liệu tăng 22,1%; cao su tăng 77,5%...

“Riêng nhóm hàng thực phẩm như thịt và sản phẩm thịt; rau củ quả; đồ uống rượu, bia, nước ngọt... thì chưa thống kê chính xác vì các bộ ngành chưa gửi về đầy đủ, nhưng mức độ tăng cũng rất mạnh” - Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết.

Theo đánh giá của Bộ NN&PNNT, nguyên nhân lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu tăng mạnh do nhu cầu khách quan của đời sống người dân đối với các sản phẩm này. Hơn nữa, tâm lý sính “ngoại” khiến lượng nông sản, thực phẩm nhập khẩu có xu hướng tăng.

Còn theo đại diện Bộ Công Thương, từ đầu năm nay nhiều mặt hàng nông sản thực phẩm được giảm thuế xuống từ 0-5% theo cam kết giữa ASEAN-Trung Quốc và trong nội khối ASEAN, khiến cho các sản phẩm này trở nên rẻ hơn và dễ mua.

Về chủ quan, theo ông, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do Việt Nam chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật đối với tiêu chuẩn các loại hàng hóa nhập khẩu. Vướng mắc ở chỗ, trách nhiệm giữa các bộ ngành trong việc lập "hàng rào" này chưa rõ ràng nên còn "đá bóng" trách nhiệm.

Cần phân rõ trách nhiệm

Ước tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 6-6,1%(quý I tăng 5,83%, quý II tăng 6,2-6,4%); trong đó, khu vực nông lâm thủy sản tăng 2,7-3,2%, công nghiệp và xây dựng tăng 6-6,7%, dịch vụ tăng 6,8-7,2%.

Thủ tướng Chính phủ đã từng phê bình các bộ là “kém năng động”, không đưa ra được kịp thời được các hàng rào tiêu chuẩn để hạn chế nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Hiện tại, chưa có một cửa khẩu nào của ta đầu tư máy móc, công nghệ để kiểm tra, kiểm nghiệm hàng hoá nhập khẩu.

Tại cuộc họp này, đại diện các bộ ngành đều thống nhất rằng, để kiềm chế nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu, nhất thiết phải tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm nhập thông qua việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật.

Trong đó, giải pháp quan trọng nhất phải là siết chặt, bổ sung các quy định về kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường các hoạt động kiểm tra kiểm soát, đầu tư thêm máy móc, kho chứa và nhân lực tại các cửa khẩu để vừa kiểm soát nhập siêu vừa kiểm soát chất lượng, vệ sinh thực phẩm.

Các đại biểu cũng đề nghị cần đẩy mạnh công tác thực thi chính sách về quản lý chất lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu. Bởi lẽ dù các chính sách, các văn bản pháp luật có hệ thống đến thế nào đi chăng nữa nhưng khâu thực thi kém thì cũng không thể đạt được mục tiêu mong muốn.

Ngoài ra, cần sớm ban hành văn bản phân định rõ chức năng quản lý, trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nông sản nhập khẩu để có sự thống nhất trong thực hiện, tránh sự chồng chéo vừa lãng phí nguồn lực quản lý vừa không hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem