Khó khăn tái đàn lợn: Nông hộ như gánh “một cổ hai tròng”
Khó khăn tái đàn lợn: Nông hộ như gánh “một cổ hai tròng”
Minh Ngọc
Thứ hai, ngày 05/07/2021 11:20 AM (GMT+7)
Từ đầu năm tới nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện ở một số tỉnh miền Bắc gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi không ngừng tăng khiến "công cuộc" tái đàn lợn của người dân đã khó nay càng khó hơn gấp bội.
Đầu tháng 6 vừa qua, gia đình anh Triệu Tòn Nhỉ (ở thôn Phiêng Đoóng, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, Lào Cai) đã bị DTLCP "cướp" đi đàn lợn 40 con. Kinh nghiệm hơn 7 năm nuôi lợn, 2 lần trước đều thắng DTLCP nhưng lần này mặc dù đã chủ động phòng dịch, gia đình anh Nhỉ vẫn không tránh khỏi thiệt hại. Đàn lợn chết để lại khoản nợ gần 60 triệu đồng đầu tư trước đó, xót xa nhưng anh vẫn mong hết dịch để được tái đàn.
Ở cùng thôn, hộ anh Phạm Văn Tình cũng bị thiệt hại nặng bởi DTLCP. Trước đó, vợ chồng anh Tình đã đầu tư xây dựng chuồng trại, lắp đặt đầy đủ thiết bị như: Camera, quạt mát, điện chiếu sáng, hệ thống nước... Hơn 2 năm thành công trong chăn nuôi lợn, vợ chồng anh đã trả hết nợ, dành dụm được chút vốn liếng. Đến tháng 3/2021, gia đình anh đầu tư hơn 90 triệu đồng mua 30 con lợn giống và cám chăn nuôi. Đến khi đàn lợn chuẩn bị xuất chuồng thì mắc DTLCP, buộc phải tiêu hủy hết. Chuồng trại nay trống trơn, chỉ còn lại mấy chục bao cám nên anh đã phải chuyển sang nuôi gà.
"Người chăn nuôi cần cân đối sản xuất, trước mắt tránh mở rộng quy mô chăn nuôi. Có thể giảm sử dụng thức ăn hỗn hợp, ngô trong chăn nuôi vì đang có giá cao, nên chuyển sang sử dụng thức ăn sẵn có như: Sắn, gạo, cám… có giá mua thấp hơn".
Ông Nguyễn Văn Trọng -
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Tại thôn Nhai Tẻn 1, xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên (Lào Cai), ông Đặng Văn Tiếp vẫn chưa nguôi ngoai khi nghĩ về đàn lợn 130 con bị DTLCP. Sau hơn 1 năm DTLCP "càn quét", hiện chuồng trại của ông Tiếp vẫn trống trơn. "Chuồng trại bỏ trống hơn 1 năm nay, chúng tôi rất muốn tái đàn trở lại.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên chưa dám vào lại" - ông Tiếp cho hay. Mặt khác, theo ông Tiếp, hiện giá thức ăn chăn nuôi đang cao chưa từng thấy, cùng với đó là giá lợn giống vẫn đang ở mức "đỉnh", bởi vậy tại thời điểm này, ông vẫn chưa dám tái đàn: "Dịch bệnh diễn biến khó lường, không biết xuất hiện lúc nào. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi, con giống đều cao, chúng tôi như gánh một cổ hai tròng. Muốn chăn nuôi trở lại rất khó".
Giá lợn hơi và cám "ngược chiều"
Từ đầu năm đến nay, trong khi giá lợn hơi liên tục giảm mạnh thì giá thức ăn chăn nuôi lại không ngừng tăng. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn đối với người chăn nuôi, thậm chí nguy cơ bị thua lỗ nếu hai thông số trên vẫn cứ đi "ngược chiều" như hiện nay.
Tại xã Gia Mô, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), mấy năm trở lại đây, gia đình ông Bùi Văn Ước luôn duy trì chăn nuôi lợn nái. Năm 2020, giá lợn giống, lợn thịt đều tăng cao, đem lại cho gia đình ông Ước nguồn thu nhập ổn định hơn so với trước kia.
Bước sang đầu năm 2021, khi giá lợn thịt vẫn ở mức từ 70.000 - 75.000 đồng/kg, ông Ước quyết định không bán lợn giống mà để nuôi lợn thịt. Theo tính toán, với giá thức ăn và giá lợn ở thời điểm đầu năm, sau hơn 3 tháng nuôi, trừ các chi phí, mỗi con lợn sẽ đem lại thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng.
Thế nhưng, giá lợn liên tục giảm, hiện chỉ còn 60.000 đồng/kg, trong khi giá cám đã tăng trên 30.000 đồng so với thời điểm đầu năm. "Giá cám tăng liên tục, trong khi giá lợn giảm hơn 10 giá so với đầu năm. Tính ra, nuôi lợn chẳng lãi, thậm chí lỗ nếu giá thức ăn còn tăng cao như hiện nay" - ông Ước ngán ngẩm.
Trang trại của gia đình anh Nguyễn Công Chung Nhận (xã Văn Xá, huyện Kim Bảng, Hà Nam) luôn duy trì khoảng 200 lợn nái và 1.000 lợn thịt, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 80 tấn cám. Giá cám tăng nên chi phí chăn nuôi cũng tăng hơn 100 triệu đồng khiến cho sản xuất gặp nhiều khó khăn. Anh Nhận chia sẻ, năm 2021 giá lợn hơi bắt đầu giảm từ 90.000 đồng/kg đến giờ còn khoảng từ 63.000 - 65.000 đồng/kg.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, các đại lý cám liên tục tăng giá, hiện đã tăng thêm 50.000 - 70.000 đồng/bao. Chi phí cho 1 con lợn đến ngày xuất chuồng (100kg/con), riêng thức ăn đã ở mức 3 triệu đồng, tăng khoảng 500.000 đồng, cộng với tiền giống, điện nước, thuốc thú y đã lên đến hơn 6 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), từ tháng 10/2020 đến nay, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 5-6 đợt, với mức tăng bình quân trong 6 tháng qua lên đến 30 - 35%. Giá thức ăn chăn nuôi chiếm 80 - 85% trong giá thành chăn nuôi. Do vậy, giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào thua lỗ, không dám tái đàn như mọi năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.