Kho thuốc vô tận trên ruộng

Thứ năm, ngày 16/06/2011 07:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu chân ruộng mà không bị thuốc trừ sâu và hóa chất xâm hại thì những sản vật sinh ra từ đây đủ để người nông dân và con cháu sống khỏe mạnh, không cần thuốc men.
Bình luận 0

Thuốc bắc không hẳn quý hơn thuốc nam

Thời gian gần đây cùng với việc mua đỉa, người Trung Quốc ráo riết sang Việt Nam mua các cây thuốc, khiến cho báo chí thêm một phen lên tiếng cảnh báo về tình trạng “chảy máu” dược liệu quý.

Những cây cỏ ở nước ta gọi là “thuốc nam”, khi được đem sang Trung Quốc rồi xuất ngược lại, nó gọi là “thuốc bắc”. Việc người Trung Quốc sang nước ta mua dược liệu không phải chỉ bây giờ, nó đã diễn ra từ thời xa xưa, chẳng qua thời xưa không có báo chí nên người ta không biết đó thôi. Giờ mới thấy, thì ra “thuốc bắc” không hẳn quý hơn “thuốc nam”. Nhưng các bậc chân y và những người nhìn xa trông rộng thì thấy từ lâu.

Xung quanh chân ruộng còn có vô số những rau lá, từ cao cấp như sen, súng… bình thường như điên điển, lục bình… đến những thứ nằm sát đất như cải trời, rau sam, rau bợ… đều là những vị thuốc tự nhiên giúp con người cân bằng cơ thể, trong đó có không ít thứ chữa được bệnh nan y không khác gì thần dược.

Theo ông Ưng Viên, nói thuốc bắc quý hơn thuốc nam là nói ở việc bào chế và thủ thuật thương mại, còn nguyên liệu thì rất khó nói, vì có thứ họ có ta không có, nhiều thứ ta có họ không có. Những cây cỏ mà họ sang mua ở ta như: Ba kích, Kim huyết đằng thì họ có ta có, chất lượng bằng nhau. Toái cốt bổ, ta có họ không có. Kim cang ta có họ không có. Kim ngân, ta có họ có nhưng của ta tốt hơn của họ. thương nhĩ tử (ké đầu ngựa), họ không bằng ta. Hoài Sơn, họ không có...

Những loại mà Trung Quốc không có, hàng ngàn năm nay họ phải sang mua của ta. Cho nên ngày xưa La sơn phu tử Nguyễn Thiếp khuyên Vua Quang Trung nên sử dụng thuốc nam, ông bảo chừng nào còn phụ thuộc vào thuốc bắc thì nước Nam ta vẫn còn phụ thuộc vào Trung Quốc.

Có thể nói nguồn dược liệu từ cây cỏ để chế biến thành thuốc của Việt Nam nếu không hơn thì cũng không thua kém bất cứ nước nào. Nhưng người Việt Nam chưa biết khai thác thương mại như Trung Quốc. Người Việt cũng ít sử dụng cây thuốc để chữa bệnh, đơn giản là vì tất cả những gì có ở xung quanh chân ruộng cũng đủ để người Việt ta sống khỏe mạnh rồi.

Dàn hợp tấu những con vật trên chân ruộng

Khi ở Hà Nội, tôi thích nhất món bún riêu cua. Trước đây ở Ngã Tư Sở có một bà già bán bún riêu cua vỉa hè ngon tuyệt, buổi sáng ghé vào đây ăn một bát thấy cả người nhẹ tênh sảng khoái, tôi đâu biết rằng sách “Nguyễn Phúc tộc dược minh y kính” đã từng coi con cua đồng không phải hạng tầm thường.

img
Cua đồng có tác dụng chữa nhiều căn bệnh.

Thịt cua đồng tác động tuyệt hảo đến xương, mạch máu và não. Ăn vào có thể chống xơ vữa động mạch, dẻo dai cơ bắp, tăng trí nhớ. Nó còn là một vị thuốc tự nhiên đặc sắc trong việc bảo sản an thai cho phụ nữ. Người bị té trật, thổ huyết, bị đâm đánh làm tụ huyết, có thể giã cua đồng lấy nước hoặc nấu cua đồng với gai tre lấy nước uống là khỏi.

Dân ta có nhiều món ăn ngon từ cua đồng: Canh riêu, bún riêu, làm chả, nướng, làm muối… Cua đồng nướng lên, giã với muối ớt làm thành muối cua có thể để dành ăn quanh năm. Cua đồng nếu nấu với cá nhét sẽ là một món ăn “vô địch thiên hạ” dành cho nam giới, không có thứ thuốc nào sánh kịp.

Con cá nhét không chỉ là món ăn hỗ trợ hữu hiệu cho những người bị giảm thiểu khả năng tình dục, nó còn chữa được chứng nhức nửa đầu (do mật bị lạnh), chứng đau thắt một bên ngực… Nhưng trên hết, cá nhét là một món ăn nấu kiểu gì cũng ngon. Chỉ cần bỏ cá nhét vào nồi nấu lên, khi nước sôi xắt lá gừng tươi bỏ vào đã thành món canh không chê vào đâu được.

Trên chân ruộng còn có con cá rô (cá rô đồng), là món ăn quen thuộc của người dân quê. Trứng cá rô đồng thường chứa sẵn trong đất ruộng. Đầu mùa hạ, chỉ một trận mưa rào 24 giờ sau cá rô nở ra chi chít, vài ngày sau cá đã lớn bằng ngón tay út, gọi là cá rô hạt bí. Cá rô hạt bí có thể đem chiên xù cuốn bánh tráng hoặc nấu ngót với hẹ. Cá rô đồng lớn thì làm được nhiều món: Nướng, kho, nấu canh đều ngon, làm món gì cũng không được bỏ vảy.

Cá rô đồng có tác dụng trợ hô hấp, trị ban và ngừa thương hàn. Riêng cá rô mái là vị thuốc chính yếu trị bệnh rò nhũ hoa của phụ nữ, thứ bệnh mà Tây y thường điều trị bằng cách cắt bỏ. Vảy cá rô đồng bào chế với một ít trầm hương và cây tre làm thuốc chữa bệnh thời khí cho trẻ em rất tốt; nếu đốt lên, thêm vào một ít băng phiến thì trị được bệnh thối lỗ tai.

Cá rô đồng chưng tương (chưng cách thủy) ăn vào rất tốt cho răng và trị được bệnh viêm xoang, bổ óc và tăng thính lực. Chưng thêm với cá diếc trị được bệnh phù thũng nặng. Đặc biệt, ăn cá rô đồng hơi thở rất thơm tho, cái thơm tho tự nhiên chứ không phải “thơm” do bị át mùi như các thứ kẹo cao su trên quảng cáo.

Ốc không chỉ là món khoái khẩu của đàn bà con gái. “Điền loa minh mục” (ốc làm sáng mắt) là tác dụng tiêu biểu của ốc. Con rắn khi mắt có vấn đề, theo bản năng sẽ tìm ốc để ăn. Cọp, beo cũng vậy. Ăn ốc không chỉ tốt cho mắt mà còn tốt cho tim, cho móng tay, cho da, cho tóc. Ốc ăn với cua đồng chữa được chứng nghẹt thở. Ốc chế được nhiều món ăn ngon.

Cung đình nhà Nguyễn có món “Ốc hấp cháo bì” độc đáo và rất dễ làm: Luộc ốc, rồi vớt ra hấp với lá gừng; cải xanh hoặc cải trời giã vắt lấy nước; trộn nước cải vào nước ốc, thêm một ít bột nếp nấu lên thành cháo, ăn với ốc hấp. Riêng ốc bươu vàng ăn không tốt bằng ốc bản địa.

Trên chân ruộng còn vô số những sản vật ăn vào không cần thuốc men: Lươn tốt cho thận, cho rễ mạch máu (mao căn), giải uất nhiệt, mát gan mát phổi, làm hưng phấn sinh thực cho cả nam lẫn nữ. Cá diếc chữa được bệnh phù thũng, cam tích, tâm sinh lý bất định (trấn tâm định thần), mắt cá diếc chữa được bệnh về mắt. Cá trê ăn với nghệ chữa được bệnh đi tiểu khó, trung tiện khó, bệnh trào ngược dạ dày.

Cá chép, Đông y gọi là “lý ngư tiên”, ăn rất tốt cho mắt, trị được bệnh phù thũng, cá chép nấu với ốc nếu ăn từ nhỏ khi lớn lên không bao giờ bị bệnh thiên đầu thống. Ăn cá chép cũng ăn luôn cả vảy. Cá lóc (cá tràu) tốt cho hệ tiêu hóa, cho phụ nữ sau khi sinh và tiền hậu mãn kinh.

Cá lóc nấu với nấm tràm dây (có ở miền Trung) ăn làm ổn định hệ tiêu hóa, ngừa được bệnh đại tràng. Nếu thêm trái tràm dây và hẹ ta sẽ giúp ổn định bệnh trĩ và chữa được chứng hơi thở hôi. Thịt ếch cũng không thường chút nào, nó tốt cho thận và mắt, chữa được những rắc rối về hô hấp, hơi thở yếu, nói ngắt quãng, giúp người suy kiệt sức khỏe chóng hồi phục; ếch nên ăn cả da, không nên ăn xương…

Trên đây chỉ là một số trong dàn hợp tấu những sản vật trên chân ruộng.

Hầu như con gì, cây gì trên chân ruộng cũng đều có lợi cho con người, kể cả rắn rết. Ngay cả chuột, cào cào châu chấu… vốn cũng không phải là những thứ gây hại mùa màng, sự gây hại của những loài này có nguyên nhân từ con người, chúng tôi sẽ nói sau. Thiên nhiên không sinh ra một thứ gì thừa thãi cả.

Đón đọc kỳ sau: Thiên nhiên hoàn hảo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem