Trong 6 tháng đầu năm 2018, Sở NNPTNT TP.Hà Nội đã tổ chức 9 đoàn thanh, kiểm tra các cửa hàng, cơ sở kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành, phát hiện 1 cơ sở vi phạm về nguồn gốc. Ngành chức năng cũng đã lấy 62 mẫu trái cây để phân tích các chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoạt chất gốc clo 17 chỉ tiêu, thuốc trừ cỏ (2,4-D); Ecoli; Salmonella… Kết quả các mẫu cơ bản đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định, chỉ có 1 mẫu vượt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật Cyprermethrin.
Bên cạnh đó, Sở NNPTNT Hà Nội cũng đã phối hợp với các trạm bảo vệ thực vật quận, huyện, thị xã rà soát chọn 30 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, trọng điểm, diện tích lớn để kiểm tra quá trình sản xuất và phân tích đánh giá chất lượng an toàn thực phẩm để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những sai phạm.
Có một điểm mới là, Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển áp dụng “quy trình xác thực chống hàng giả” xây dựng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc trái cây kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Việc truy xuất nguồn gốc trái cây khó thực hiện ở các chợ đầu mối. ảnh: K.N
Theo đó, đã triển khai áp dụng sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm sản tại số 489 Hoàng Quốc Việt, hệ thống cửa hàng Klever Fruits, siêu thị Fivimart, Công ty Thực phẩm sạch Biggreen Việt Nam. Sản phẩm bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi Diễn Phúc Thọ… cũng được gắn tem QR để truy xuất nguồn gốc.
Theo đánh giá ban đầu, do quản lý tốt bằng tem truy xuất có xác thực của chương trình nên vụ Tết 2018, bưởi của các địa phương khác không thể trà trộn vào Đan Phượng, giá bưởi tôm vàng của huyện tăng 10.000 đồng/quả.
Tuy vậy, tại báo cáo kết quả triển khai đề án thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành 6 tháng đầu năm 2018, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội thừa nhận, công tác kiểm tra, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc các loại trái cây còn nhiều khó khăn do một bộ phận cửa hàng, cơ sở kinh doanh trái cây cũng như người tiêu dùng chưa nhận thức đầy đủ cũng như thói quen tiêu dùng còn dễ dãi.
Cũng theo ông Tường, một số lượng lớn sản phẩm trái cây được bán tại các cửa hàng kinh doanh trong quận nội thành được lấy từ các chợ đầu mối, nhưng ban quản lý các chợ đầu mối còn hạn chế trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm của các hộ, cơ sở kinh doanh, đặc biệt là việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm kinh doanh tại các chợ chưa chặt chẽ (các hộ kinh doanh tại chợ chưa quan tâm tới việc lưu giữ hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm).
Rõ ràng, sự dễ dãi trong tiêu dùng, trong công tác quản lý ngay tại các chợ đầu mối đã giúp nhiều loại trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, trong đó có nhiều loại trái cây nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc tràn lan ở nhiều cửa hàng kinh doanh, chợ dân sinh. Hơn lúc nào hết, việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm phải được làm ráo riết hơn nữa, không thể chỉ dừng ở những cuộc thanh tra định kỳ, “đến hẹn lại lên” như hiện nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.