Làm du lịch nông nghiệp mới lạ, doanh thu 40 tỷ, một người Phú Thọ là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024

Hoan Nguyễn Thứ hai, ngày 30/09/2024 05:41 AM (GMT+7)
Đang là một giảng viên, nhưng anh Lê Mạnh Cường đã rẽ ngang làm nông dân, sở hữu trang trại nông nghiệp hữu cơ như một khu rừng nhỏ ở xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). Năm 2024, anh Lê Mạnh Cường được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam binh chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Bình luận 0

Clip: Trang trại sản xuất nông nghiệp gắn du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái với doanh thu hơn 40 tỷ đồng/năm của Nông dân Việt Nam xuất sắc Lê Mạnh Cường tọa lạc ở xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Clip: Hoan Nguyễn

Rẽ ngang làm nông nghiệp

Tháng 9 mùa thu, chúng tôi hẹn gặp anh Lê Mạnh Cường - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 tại trang trại sản xuất nông nghiệp rộng gần 20ha ở xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. 

Nhấp chén chè còn nóng, anh Lê Mạnh Cường (SN 1983) kể rằng, vốn anh sinh ra ở xã Tiên Phong (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) trong gia đình thuần nông nghèo khó. Ngay từ bé, anh đã chăn trâu, cắt cỏ, cấy bừa, mót khoai, mót sắn….

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Làm du lịch nông nghiệp quảng bá đất và người Phú Thọ - Ảnh 1.

Tiên phong đi đầu lựa chọn loại cây trồng nhập ngoại, trong đó có cây chà là, Nông dân Việt Nam xuất sắc Lê Mạnh Cường đang sở hữu vườn 20.000 cây chà là. Ảnh: Hoan Nguyễn

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Giao thông Vận tải, anh Cường trở thành giảng viên Khoa công trình của trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương I. Trong thời gian này, ngoài công việc của một giảng viên, anh Cường làm thêm kỹ thuật cho các công ty xây dựng, ấp ủ ý tưởng kiếm được nhiều tiền để mua đất làm nông nghiệp.

"Đang có công việc ổn định trên phố, nhưng sâu thẳm trong con người tôi vẫn luôn có một tình yêu mạnh mẽ với sản xuất nông nghiệp và mỗi ngày lại lớn dần. Trong các chuyến đi công tác, những kỳ nghỉ, tôi vẫn hay dành thời gian thăm thú các vùng trồng cây nổi tiếng, tìm hiểu mô hình chăn nuôi, làm vườn của họ.

Tôi đưa ra quyết định khá táo bạo - nghỉ công việc giảng viên sau 3 năm công tác ổn định, lúc gần 30 tuổi. Và tôi cho đó là "cú rẽ ngang định mệnh" vào một thời điểm phù hợp để mình bắt đầu công việc yêu thích, muốn gắn bó từ lâu - làm nông nghiệp, trong độ sức khỏe tốt nhất, nhiệt huyết cháy bỏng, cùng toàn bộ vốn tích cóp dành dụm nhiều năm đi làm có được", anh Cường nói.

Về hành trình khởi nghiệp làm nông nghiệp của mình, anh Cường cho biết, anh đi rất nhiều nơi để nghiên cứu về các loại cây trồng, vật nuôi, thị trường, tìm mua đất đai. Có địa điểm, đất đai màu mỡ, giao thông thuận lợi, anh Cường rất thích nhưng lúc đó tiền vốn có ít, đành "lực bất tòng tâm".

Trong một chuyến đi khảo sát ở xã Trung Nghĩa (nay là xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), anh Cường được giới thiệu cả một khu đất đồi sỏi đá, rậm rạp cây mua, cây sim…

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Làm du lịch nông nghiệp quảng bá đất và người Phú Thọ - Ảnh 3.

Khu ao nuôi ba ba gai trong trang trại mang lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Vùng đất khó khăn, hoang vu, rậm rạp đến nỗi, đi vào xem đất xong không tìm được lối ra, gặp trời mưa đất trơn trượt, ngã dúi dụi… Ban đầu, tôi không định chọn mua, nhưng vì giá đất được chào bán rẻ, lại hợp ý tưởng làm mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa, thế là tôi cứ đi lại nhiều lần nghiên cứu.

Tôi còn vận dụng cả kiến thức ngành học, kinh nghiệm công tác về lĩnh vực xây dựng của mình vào chiêm nghiệm vùng đất ở xã Đồng Trung này và nhận ra tiềm năng lợi thế "tựa sông, hướng thủy" (mặt trước hướng nhìn ra sông Đà, mặt sau thế tựa núi Tản Viên) của khu đất. Vậy là, tôi quyết định đầu tư, mua gần 20ha ở xã Đồng Trung giá 2,3 tỷ đồng vào năm 2015" - anh Cường nhớ lại quyết định chọn mua đất để "cắm dùi" làm nông nghiệp.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Bắt đất cằn "nở hoa"

Nói rồi, anh Cường dẫn phóng viên đi thăm khu trang trại nông nghiệp hiện đại của mình. Anh Cường kể rằng: "Lúc mới về Đồng Trung làm trang trại, bà con ở đây bảo đất đai cằn cỗi chẳng ai làm gì được bao lâu nay, giờ lại đổ tiền tỷ vào cào bới trồng trọt, chăn nuôi, chẳng khác nào chở củi về rừng, lạ thật!".

Sau khi mua được đất, năm 2016, anh Cường huy động nhiều nguồn vốn khác nhau được 30 tỷ đồng, dày công cải tạo đất cằn, bạc màu thành một trang trại nông nghiệp tổng hợp.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Làm du lịch nông nghiệp quảng bá đất và người Phú Thọ - Ảnh 4.

Toàn cảnh trang trại sản xuất nông nghiệp của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 Lê Mạnh Cường. Ảnh: Hoan Nguyễn

Không chỉ trồng cây ăn quả, làm nhà lưới trồng hoa, trồng rau an toàn, anh Cường còn xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín với quy mô lên tới 600 nái; cải tạo vùng trũng thành ao nuôi thả cá.

Theo anh Cường, trong quá trình khởi nghiệp, anh gặp vô vàn khó khăn. Có thời điểm như rơi vào tận cùng của vực thẳm - dịch tả châu Phi ập đến, rồi "bão giá" thịt lợn rẻ.

Nói đến đây, đôi mắt anh Cường đỏ hoe: "Sẽ không bao giờ quên được năm 2017, giá thịt lợn giảm thê thảm từng giờ, thấp kỷ lục chưa được 10.000 đồng/kg, muốn bán cũng không có người mua. Để cứu vãn tình hình, ở khắp mọi miền cứ có khách hàng muốn mua là bất kể ngày đêm, chở lợn đi bán".

Có hôm, anh Cường vượt vài trăm cây số, chở vỏn vẹn vài con lợn thịt vào tận Nghệ An cho khách. Trong khi đàn lợn thịt thương phẩm không tiêu thụ được, thì hàng trăm con lợn giống muốn bán cũng không ai mua, lại càng khiến anh đau đầu vì xoay tiền mua thức ăn chăn nuôi mỗi ngày.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Làm du lịch nông nghiệp quảng bá đất và người Phú Thọ - Ảnh 5.

Toàn bộ sản phẩm của trang trại được anh Cường liên kết tiêu thụ với các cơ sở nhà hàng ẩm thực. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Có lúc, phải hỏi vay nóng anh chị em họ hàng, bạn bè; có ngày phải chạy sang cả bà con xóm trên, xóm dưới để vay mượn từ vài trăm nghìn đồng để mua cám thức ăn. Bước sang năm 2018, một lần nữa trang trại lại lao đao vì dịch tả châu Phi bùng phát. Lúc dịch bệnh hoành hành, tôi và một số công nhân ăn uống, sinh hoạt tại chỗ, không ra khỏi trang trại, đi đâu. Khổ ơi là khổ…", anh Cường tâm sự.

Dù như vậy, nhưng anh Cường chưa phút giây nào nghĩ đến bỏ cuộc, luôn giữ sự bình tĩnh, quyết duy trì chuồng nuôi.

"Nếu bỏ cuộc, sẽ mất tất cả, dù bán hết đất đai, chuồng trại, tài sản vẫn chắc chắn nợ nần. Bao mồ hôi, công sức, những ngày tháng lao tâm, lao lực, tình yêu với nông nghiệp cũng thế mà tan thành mây khói…", đôi môi anh Cường run rẩy, nghẹn ngào nói.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Làm du lịch nông nghiệp quảng bá đất và người Phú Thọ - Ảnh 6.

Khu chuồng nuôi lợn an toàn sinh học mang lại doanh thu chính cho trang trại nông nghiệp của anh Cường luôn duy trì đàn nuôi hơn 600 nái... Ảnh: Hoan Nguyễn

Trong rủi lại có may, cuối năm 2019, anh Cường được chính quyền địa phương, đoàn thể vào cuộc bàn giải pháp hỗ trợ, giải cứu mổ, bán thịt lợn thương phẩm vào các bếp ăn khu công nghiệp trên địa bàn... Đồng thời, trong lúc khó khăn nhất về thức ăn chăn nuôi, anh Cường quyết dốc sạch tiền mua một chiếc máy chế biến cám cho lợn. Nhờ đó, giảm được áp lực chi phí thức ăn chăn nuôi mỗi ngày rất nhiều.

Anh Cường cũng kể rằng, giữa bão dịch, bão giá, hàng chục hộ chăn nuôi lợn quy mô trang trại khởi nghiệp cùng thời điểm của anh thua lỗ phải bán tháo đàn nuôi. Một lần nữa anh táo bạo vượt khó, mượn tất cả sổ đỏ của người thân cắm vay ngân hàng, quyết mua lợn nuôi của các chủ trại bán tháo.

"Mua lại giá rẻ lắm, chỉ 50.000 đồng/con lợn giống (bình thường 2 triệu đồng/con); lợn nái mua 5 triệu đồng/con (bình thường khoảng 20 triệu đồng/con)… Chỉ vài tháng sau, tôi đã xuất bán lợn thịt, bán lợn con do lợn nái đẻ ra thu về lãi khủng, trả hết nợ; trong khi tất cả lợn nái mua rẻ trước đó đều bước vào thời kỳ sinh sản tốt", anh Cường nói.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Làm du lịch nông nghiệp quảng bá đất và người Phú Thọ - Ảnh 7.

Bên cạnh sản xuất sản phẩm nông nghiệp, anh Cường đang xây dựng hạ tầng khu trang trại theo dự án nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Hoan Nguyễn

Từ năm 2020 đến nay, trang trại tổng hợp của anh Cường đi vào hoạt động ổn định. Mỗi năm, trang trại cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá, rau, quả sạch; hơn 16.000 con lợn giống, xuất chuồng hàng nghìn con lợn thương phẩm. Bên cạnh đó, anh Cường mỗi năm còn nuôi 2.000 con ba ba gai để tận dụng phế phẩm tuần hoàn. Hơn 5ha đất trồng các loại hoa bốn mùa; cây cảnh, cây lấy gỗ bắt đầu có thể xuất bán làm cây cảnh cho các dự án xây dựng khu đô thị, resort…

Một điểm nhấn rất đặc biệt trong trang trại tổng hợp của anh Cường hiện nay là khu vườn hơn 20.000 cây chà là nhập ngoại từ nước ngoài đang phát triển sinh trưởng xanh tốt, vừa tạo không gian cảnh đẹp bắt mắt, đến mùa thu hoạch quả ăn, vừa tách cây con từ cây mẹ (giâm cành) bán cây giống đem lại nguồn thu nhập cao.

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Làm du lịch nông nghiệp quảng bá đất và người Phú Thọ - Ảnh 8.

Trang trại sản xuất nông nghiệp ở xã Đồng Trung thường xuyên tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập đến hơn 10 triệu/tháng/người. Ảnh: Hoan Nguyễn

Doanh thu từ trang trại sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học của anh Cường mỗi năm đạt hơn 40 tỷ, trừ chi phí, đút túi lãi hơn 5 tỷ đồng; tạo công ăn việc làm cho 20 lao động, thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng.

Muốn làm du lịch nông nghiệp để quảng bá hình ảnh vùng đất và con người Phú Thọ

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, anh Cường cho biết, anh đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng trang trại của mình theo hướng phát triển dự án nông nghiệp du lịch trải nghiệm, sinh thái.

Theo lời anh Cường, Phú Thọ là mảnh đất cội nguồn dân tộc Việt Nam. Riêng huyện Thanh Thủy, bên cạnh thế mạnh có nguồn nước khoáng nóng quý hiếm, hiện còn lưu giữ được những giá trị văn hóa độc đáo, những lễ hội đặc trưng, gắn chặt với những tín ngưỡng nguyên thủy như lễ hội bơi chải làng Đoan Hạ, hội rước kiệu đền Lăng Sương, lễ kéo lửa nấu cơm thi, hội rước voi Đào Xá, lễ cướp cây bông ở đình La Phù...

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Làm du lịch nông nghiệp quảng bá đất và người Phú Thọ - Ảnh 9.

Hướng đến làm du lịch nông nghiệp sinh thái, anh Cường mong muốn quảng bá hình ảnh "rừng cọ, đồi chè", giá trị văn hóa đặc sắc của đất và người Phú Thọ đến khách du lịch. Ảnh: Hoan Nguyễn

Anh Cường cũng tươi cười cho biết thêm, vào tháng 2 vừa qua, huyện Thanh Thủy đã phê duyệt đề án "Nông nghiệp tổng hợp, kết hợp du lịch trải nghiệm" của anh thực hiện ở xã Đồng Trung. Đây là động lực lớn giúp anh phát triển trang trại thành dự án sản xuất nông nghiệp sinh thái có quy mô, chuyên nghiệp.

Anh đang nỗ lực tham gia những chương trình tập huấn hướng dẫn, đào tạo về làm du lịch sinh thái để có thể sẵn sàng đón tiếp du khách. Bên cạnh đó, anh Cường đang khẩn trương hoàn thiện thiết kế xây dựng hạ tầng dự án mang đậm bản sắc dân tộc địa phương với ngôi nhà sàn người Mường, rừng cọ, đồi chè; xây dựng khu dịch vụ ẩm thực đậm đà món ăn ngon của vùng Đất Tổ, của quê hương Thanh Thủy…

Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024: Làm du lịch nông nghiệp quảng bá đất và người Phú Thọ - Ảnh 10.

Nông dân Việt Nam xuất sắc Lê Mạnh Cường rạng rỡ bên vườn cây chà là nhập khẩu. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Mong mỏi lớn nhất trong tôi lúc này là sớm tổ chức được thật nhiều đoàn khách đến với dự án du lịch nông nghiệp ở xã Đồng Trung, đến với Thanh Thủy, góp sức nhỏ bé của mình quảng bá hình ảnh một Phú Thọ tươi đẹp, phát triển, đậm đà bản sắc dân tộc. Từ đó, góp sức vào sự phát triển bền vững nông nghiệp theo định hướng chủ trương của Chính phủ, của tỉnh Phú Thọ về phát triển kinh tế xanh, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng", anh Cường nói.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ Lê Thị Quỳnh cho biết, không chỉ giỏi làm kinh tế, anh Lê Mạnh Cường còn nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân các cấp phát động.

Anh Cường là Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Nông dân triệu phú" của huyện Thanh Thủy, là nhân tố tích cực thúc đẩy, dẫn dắt, liên kết các thành viên tạo nên phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi sôi nổi và lan tỏa đến các nông dân khác để cùng cố gắng, sáng tạo, tự lực tự cường, phát triển, vươn lên làm giàu.

Bản thân anh Cường được tặng nhiều giấy khen, Bằng khen của của xã, huyện, tỉnh Phú Thọ. Đặc biệt, năm 2022, anh Cường được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2024, anh Cường vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và tôn vinh "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024".

Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.

Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.

Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem