Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Cựu chiến binh Vũ Thanh Sơn, Thôn 4, xã Đam B'ri rất hào hứng giới thiệu về loại vật nuôi mới của gia đình: con ếch. Ông cho biết, ếch được gia đình chọn nuôi là ếch đồng. Ếch được nuôi trong bể lót bạt, xung quanh được vây bằng khung lưới B40, trên có mái che kín. Trong bể, lượng nước cao 10 cm, có đặt những tấm lưới nhựa cứng để ếch có chỗ nghỉ.
Ông Vũ Thanh Sơn chia sẻ: "Kĩ thuật nuôi ếch này được chúng tôi học hỏi từ nông dân miền Tây, Đồng Nai. Ếch là loài lưỡng cư, cần được nuôi ở nơi có nước. Đồng thời, ếch được nuôi trong nhà có mái che, vây kín xung quanh để bảo đảm an toàn".
Không chỉ có cựu chiến binh Vũ Thanh Sơn, còn rất nhiều cựu chiến binh đã làm quen với loại vật nuôi mới trên đất Bảo Lộc. Và, những người cựu chiến binh đã tập trung thành lập tổ hợp tác với tên gọi: Tổ chăn nuôi ếch - lươn Sơn Lâm Phát. Thành viên của tổ có 13 người, trong đó hầu hết là cựu chiến binh. Những thành viên trong tổ đều chọn nuôi hai vật nuôi chính là con ếch và lươn. Sự ra đời của tổ hợp tác được bắt nguồn từ ý tưởng của 6 cựu chiến binh Thôn 4, xã Đam B'ri.
Nếu ông Vũ Thanh Sơn chọn ếch là vật nuôi chính thì cựu chiến binh Nguyễn Văn Lâm lại chọn nuôi lươn. Luơn là một loài động vật chủ yếu sống trong bùn, thịt thơm ngon, dinh dưỡng cao, được thị trường ưa chuộng.
Ông Nguyễn Văn Lâm đã lựa chọn phương pháp nuôi lươn không bùn, một kỹ thuật nuôi mới gần đây được nhiều bà con áp dụng. Bể lươn được xây tường gạch, nền đá hoa. Lươn được thả trực tiếp trên mặt bể sạch. Ông Nguyễn Văn Lâm dùng sợi nilông buộc lại thành túm lớn, với các tua dài, làm nơi cho lươn trú ngụ.
"Cả con ếch và con lươn, tổ hợp tác chúng tôi đều áp dụng các kĩ thuật nuôi trong bể mới nhất. Ếch có ưu điểm là lớn nhanh, chỉ ba tháng đã đạt một lứa. Nuôi lươn thì lâu hơn, phải 12 tới 18 tháng mới đạt trọng lượng thu hoạch. Anh em trong tổ cùng đánh giá, chia sẻ kĩ thuật chăn nuôi. Người có lợi thế nuôi ếch thì nuôi nhiều hơn, người chuyên nuôi lươn cũng nuôi lươn với số lượng lớn hơn. Nhưng anh em đều cùng chung mục tiêu, giúp nhau vươn lên xây dựng kinh tế gia đình", ông Bùi Thanh Sơn đánh giá và cho biết thêm, do đất Bảo Lộc có khí hậu mát, không phải khí hậu tốt nhất với vật nuôi như lươn và ếch. Vì vậy, các thành viên trong tổ phải tìm những kĩ thuật nuôi phù hợp với vùng khí hậu mát như Bảo Lộc.
"Chúng tôi đặc biệt chú trọng tới vấn đề vệ sinh trong bể nuôi. Nước trong bể phải là nước sạch, có nguồn vào, nguồn ra hợp lý, được thay nước thường xuyên. Nước có sạch, lươn và ếch mới mau lớn. Tổ hợp tác chúng tôi đã tổ chức đi học hỏi tại những trại nuôi lươn - ếch lớn dưới Long An, học được rất nhiều kinh nghiệm chăn nuôi", ông Bùi Thanh Sơn thông tin.
Không chỉ chuyển giao kĩ thuật, hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, Tổ hợp tác Sơn Lâm Phát còn làm thủ tục để 6 thành viên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Mặc dù, theo lời ông Bùi Thanh Sơn, nuôi lươn và ếch cũng gặp nhiều khó khăn, trong đó có vấn đề về giá cả thị trường nhưng những thành viên trong tổ đều gắn bó với vật nuôi mới này. Lòng tin và sự cố gắng của những người cựu chiến binh đã khiến nhiều nông dân bên ngoài, mặc dù không phải cựu chiến binh cũng hăng hái tham gia hoạt động chung với tổ.
Anh Nguyễn Hoàng Bảo, phường Lộc Sơn, TP Bảo Lộc đã tham gia vào Tổ hợp tác Sơn Lâm Phát. Anh cho biết đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các thành viên trong tổ, các bác cựu chiến binh. Anh chia sẻ, sự nhiệt huyết của các cựu chiến binh đã thúc đẩy anh gắn bó với nghề nuôi ếch.
Bà Nguyễn Thị Thơm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam B'ri, TP Bảo Lộc đánh giá, Tổ hợp tác Sơn Lâm Phát là tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động ổn định của xã. Các cựu chiến binh là nòng cốt cho hoạt động của tổ, với chuồng trại được xây dựng đúng quy chuẩn cũng như kĩ thuật nuôi được học hỏi và rút kinh nghiệm từ thực tế. Mô hình nuôi lươn - ếch của tổ hợp tác đang dần lan rộng trên địa bàn xã Đam B'ri cũng như nhiều địa phương khác của TP Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.
Các thành viên của tổ hợp tác đã được hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi từ tổ chức tín dụng, giúp họ có thêm vốn để đầu tư, mở rộng vật nuôi mới này trên đất Bảo Lộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.