Ông nông dân Ninh Bình gom ruộng làm đại điền, đạt 3 cái "nhất"
Ông nông dân Ninh Bình gom ruộng làm đại điền, đạt 3 cái "nhất"
Trần Quang
Thứ hai, ngày 30/09/2024 06:36 AM (GMT+7)
Trò chuyện với Báo điện tử Dân Việt, ông Trịnh Viết Chiến ở Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình tự tin khẳng định: Tôi là nông dân tích tụ nhiều đất nhất, nhiều máy nhất, trồng lúa với chi phí thấp nhất tỉnh.
Ông Trịnh Viết Chiến chia sẻ kinh nghiệm tích tụ ruộng đất làm cánh đồng lớn.
Bí quyết gom ruộng làm cánh đồng lớn
Chúng tôi tìm đến nhà ông Trịnh Viết Chiến ở xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) vào giữa trưa tháng 9. Dù ngoài trời vẫn nắng gắt chói chang nhưng trong ngôi nhà đổ mái bằng lợp thêm tôn chống nóng của ông nằm giữa cánh đồng lúa vẫn thoáng mát, dễ chịu.
Trong ngôi nhà có diện tích khoảng trên dưới 100m2, đồ đặc để khá bừa bộn nhưng điều chúng tôi rất ấn tượng là các bằng khen, giấy khen của xã, huyện, tỉnh trao tặng cho chủ nhà về thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi, an toàn vệ sinh thực phẩm… được treo ngay ngắn trên tường rất nổi bật.
Ông Chiến kể, từ khi còn nhỏ ông Chiến đã theo bố mẹ đi vác đất đắp đê cho HTX lấy điểm đổi muối, mì chính...
Năm 2002, địa phương có chủ trương dồn điền đổi thửa, gia đình ông mới ra xứ đồng thôn Kim Phú, xã Ninh Khang để làm trang trại. Thời điểm đầu chỉ có vài mẫu ruộng lúa, vợ chồng ông vừa đào ao thả cá, vừa cấy lúa.
Để thực hiện ước mơ "làm giàu từ cây lúa" của mình, ông Chiến liên kết với HTX vận động bà con ở địa phương cho thuê đất để làm cánh đồng mẫu lớn. Thời gian đầu vận động chỉ có khoảng 70% số hộ đồng ý cho thuê ruộng, còn 30% vẫn muốn giữ.
Nhưng ông vẫn kiên trì động viên, có trường hợp khó khăn, ông vận động 10 năm không được, mới đây ông phải tìm ruộng tốt, gần đường và đổi ruộng theo tỷ lệ 1/10 (tức 1 mẫu đổi lấy 10 mẫu) và dùng máy móc để làm đất, bón phân, phun thuốc với giá rẻ mới đưa cánh đồng về một mối.
Vừa tích cực gom ruộng, ông Chiến vừa dành tiền để mua sắm máy móc. Khoảng năm 2005, ông mới có đủ tiền sắm được chiếc máy nông nghiệp đầu tiên, đó là máy bơm phun thuốc trừ sâu khoảng vài chục triệu đồng.
Ngày đó, khi mọi người vẫn dùng bình phun tay thì ông Chiến đã sắm máy đưa ra đồng, chỉ cần một thùng phi 200 lít nước để pha thuốc lắp máy bơm, một người kéo vòi khoảng 200m dây nối đầu phun chạy khắp các khu ruộng. Mọi người kéo nhau đến xem đều rất bất ngờ vì quá hiện đại.
Càng làm diện tích lớn, ông Chiến càng có lời thêm. Năm 2015, ông lại dành được tiền đầu tư hơn 500 triệu đồng sắm thêm máy gặt liên hợp giúp công việc thu hoạch lúa nhanh hơn, giảm được nhiều nhân công.
Đến khoảng năm 2017, ông đã gom được cả trăm mẫu ruộng, cứ đến thời điểm có sâu bệnh, vợ chồng ông lôi máy ra đồng kéo dây phun thuốc thấy cực quá. Sau đợt phun về, ông bàn với vợ sắm luôn con máy cánh xòe, chỉ cần một người ngồi lái máy giang cánh dài cả chục mét. Mới sắm máy được 2 năm, đến năm 2019, ông lại sắm máy bay không người lái trị giá hơn 500 triệu đồng.
Ông Chiến khoe: Tôi nằm trong số những người đầu tiên ở miền Bắc và là người đầu tiền ở tỉnh Ninh Bình sắm được máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu. Chỉ cần một người đứng một chỗ điều chỉnh điện thoại là có thể điều khiển thiết bị phun được hàng chục ha lúa/ngày. Nhưng chỉ dùng được 1 năm thấy thiết bị gặp nhiều sự cố, tôi lại mua sắm máy bay mới thông minh hơn trị giá hơn 600 triệu đồng để phục vụ cánh đồng mẫu lớn của gia đình.
Máy bay thế hệ mới của tôi có thể tự định vị được vị trí phun, rải phân. Khi phun và rải phân xong, máy sẽ quay về vị trí hạ cánh.
Theo ông Chiến, trong số các khâu trồng lúa, việc phun thuốc trừ sâu luôn tiềm ẩn nguy hiểm cho người nông dân nhiều nhất. Chính vì vậy, dùng máy bay phun thuốc trừ sâu, giải phóng sức lao động cho con người được nông dân hết sức ủng hộ.
"Với máy bay nông nghiệp điều khiển từ xa, chúng tôi sẽ không còn tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu, sự tiếp xúc duy nhất với thuốc trừ sâu là khi đổ thuốc pha vào máy bay, điều này là tối thiểu. Chúng tôi chỉ cần đứng trên bờ, xa vị trí cần phun và bấm nút, máy bay sẽ cất cánh, bay đến điểm phun và xịt thuốc tự động, đồng đều cho cây trồng.
Bên cạnh việc giúp bảo vệ tối đa sức khỏe cho người đi phun do giảm trên 90% thời gian và không gian tiếp xúc với thuốc. Máy bay có độ chính xác cao hơn, sẽ cần ít thuốc hơn và làm giảm lượng thuốc tồn dư chảy ra sông suối gần đó và gây ra tác động ngoài ý muốn đối với môi trường", ông Chiến khẳng định.
Sau nhiều năm liên tục sắm máy, đến nay, ông Chiến đã sở hữu hàng chục loại máy móc khác nhau gồm 2 máy làm đất, 2 máy cấy, 2 máy bay, 2 máy gặt đật liên hợp… Mới đây, gia đình ông lại đầu tư thêm máy làm đất đa năng trị giá 400 triệu đồng có thể làm được ở các loại ruộng, địa hình khác nhau.
Ông Chiến cho hay: "Dù tự chủ tiền mua máy với chi phí lớn nhưng đổi lại máy móc giúp ích cho công việc sản xuất của gia đình rất nhiều. Hơn nữa, riêng tiền dùng máy làm thuê phục vụ bà con ở địa phương mỗi năm chúng tôi có thể hoàn vốn rất nhanh.
Nhờ có máy móc mà đến nay, chúng tôi đã chủ động được mọi khâu trong trồng lúa. Từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, sấy, bảo quản nên việc sản xuất lúa rất nhàn. Nhiều hộ dân còn cấy nói chi phí mỗi sào lúa đến khi thu hoạch phải cỡ 1 - 1,2 triệu đồng nhưng tôi chỉ làm hết 600.000 đồng".
Nói với PV Báo điện tử Dân Việt, đại điền ở Ninh Bình cho rằng: Hiện nay nhiều nông dân trồng lúa đang lạm dụng quá nhiều thuốc trừ sâu khiến chi phí tăng cao lại không hiệu quả. Đơn cử như trong vụ lúa mùa, thời điểm khoảng 15/8 lúc lúa đang đẻ nhánh khỏe sẽ xuất hiện sâu cuốn lá hay bị rầy, chỉ cần dùng một gói thuốc chuyên trừ sâu cuốn lá để phun cho một sào ruộng và dùng máy bay không người lái có thể phun được vài chục ha lúa/ngày.
Tuy nhiên, thời kỳ ruộng có sâu cuốn lá, các nông dân thường tìm đến các đại lý thuốc BVTV, chủ hiệu thuốc hay tư vấn phun kết hợp, thành ra bà con mua mấy loại thuốc như sâu cuốn lá, đục thân, khô vằn… khiến tiền thuốc đội lên gấp nhiều lần.
"Trong thời điểm khó tìm kiểm lao động làm nông nghiệp như hiện nay, làm cánh đồng lớn phải áp dụng cơ giới hóa triệt để mới mang lại hiệu quả cao. Đơn cử như việc phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái, mỗi đợt sâu bệnh chỉ nên phun trừ đúng thời điểm khoảng 1-2 ngày nên việc dùng thiết bị bay phun mới đạt được tiến độ", ông Chiến nói thêm.
Trước đây, khi lúa được giá, sau mỗi vụ thu hoạch, ông thường bán tươi ngay tại bờ ruộng nhưng khi làm cánh đồng lớn, lượng lúa thu hoạch mỗi năm lên đến trên 400 đến trên 500 tấn nên ông Chiến chủ động đầu tư lò sấy trị giá hàng tỷ đồng để xử lý và thuận tiện trong bảo quản. Mỗi năm trừ mọi chi phí, gia đình ông Chiến có lãi tiền tỷ.
Để cánh đồng lớn thêm lớn
Qua trải nghiệm thực tế tại mô hình của mình trong những năm qua, ông Chiến nhận thấy việc xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình cánh đồng liên kết chuỗi giá trị là phương thức sản xuất phù hợp, là giải pháp tối ưu nhất và là xu thế của ngành hàng lúa gạo.
Tuy nhiên, theo ông Chiến hiện việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa không chỉ tại các tỉnh ĐBSCL mà tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung vẫn còn nhiều hạn chế, chưa ổn định, thậm chí có chiều hướng giảm sút trong thời gian gần đây.
Ông Chiến cho rằng: Vấn đề khó nhất của doanh nghiệp là vốn và thị trường. Mỗi doanh nghiệp đều có hình thức liên kết với nông dân khác nhau nhưng bắt buộc phải bao tiêu sản phẩm cho nông dân. doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn trong thu mua lúa của nông dân khi vào vụ thu hoạch nhưng lại thiếu vốn để đầu tư hạ tầng về kho bãi, phương tiện vận chuyển, nhà máy sấy.
Thêm nữa là ở nhiều vùng sản xuất vẫn còn tình trạng giữa doanh nghiệp và người nông dân chưa có tiếng nói chung, các bên mất lòng tin lẫn nhau. Khi giá lúa xuống thấp thì doanh nghiệp cố tình kéo dài thời gian thu mua để ép giá nông dân, ngược lại khi giá lúa tăng cao thì nông dân lại "bẻ kèo" bán ra bên ngoài.
Cũng theo ông Chiến, một vấn đề nan giải hơn là hiện nay xu hướng lực lượng lao động nông thôn, kể cả đối tượng hết tuổi lao động cũng muốn bỏ ruộng vì thu nhập với nghề này quá bấp bênh lại vất vả.
Theo đại điền Ninh Bình, chúng ta phải tạo môi trường để các bạn trẻ được thử sức có đất để "dụng võ".
Ông Bùi Hữu Ngọc – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đánh giá: Ông Trịnh Viết Chiến là nông dân dám nghĩ, dám làm lớn. Đến nay ông Chiến đã tích tụ được rất nhiều ruộng và đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất đạt hiệu quả năng suất rất cao. Trong thời gian quá, địa phương đã áp dụng cơ chế hỗ trợ ông mua máy móc hiện đại để tiếp sức giúp ông Chiến sản xuất hiệu quả hơn. Đến nay, mô hình sản xuất của nông dân này đã trở thành mô hình điển hình của địa phương và hàng năm gia đình ông Chiến đón nhiều đoàn đến thăm quan, học tập.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.