Khoa học cơ bản góp phần nâng cao vị thế khoa học Việt Nam

Đinh Nguyễn Thứ hai, ngày 20/03/2017 17:09 PM (GMT+7)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã khẳng định đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, cho nền móng, cho tăng cường năng lực quốc gia.
Bình luận 0

Nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực này đã được tôn vinh qua nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng Tạ Quang Bửu được trao hàng năm vào dịp “Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam – 18.5”

Khẳng định vai trò của nghiên cứu cơ bản

Tại Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” - hội nghị lớn nhất trong Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 12 tại Bình Định mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng Chính phủ đã không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản (NCCB). So với năm 2000, Ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 tăng gấp 10 lần.

img

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh trao giải thưởng đến GS.TS. Nguyễn Văn Hiếu và PGS.TS. Nguyễn Ngọc Minh (Ảnh: Ngũ Hiệp)

Còn GS Trần Thanh Vân đưa ra nhận định: “Tôi thấy khoa học Việt Nam có nhiều bước tiến mới. Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học ở Việt Nam, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trong nước giao lưu, trao đổi nghiên cứu với các nhà khoa học có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản trên khắp thế giới. Đây là cũng cơ hội để các nhà khoa học mở rộng mối quan hệ, mở đường để khoa học Việt Nam ra thế giới”.

Tổ chức Giáo dục – Khoa học – Văn hóa của Liên Hợp quốc UNESCO xác định khoa học, công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo là động lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.

Năm 2015, Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế về Đào tạo và nghiên cứu toán học của Việt Nam trở thành 2 trong tổng số 66 cơ sở nghiên cứu khoa học tự nhiên được UNESCO công nhận và bảo trợ. Điều này cũng minh họa thêm tầm nhìn, nỗ lực của Việt Nam đối với nghiên cứu cơ bản.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam nên tập trung vào tiếp thu, ứng dụng công nghệ còn nghiên cứu khoa học cơ bản là câu chuyện của tương lai, của các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam luôn xuyên suốt quan điểm  khoa học cơ bản là nền tảng, cần được chú trọng đầu tư. Đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng, tăng cường năng lực quốc gia”. 

Chỉ mới 3 năm từ khi khánh thành và đưa vào hoạt động cho đến nay, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học mang tầm quốc tế do các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới chủ trì, tham dự.

Nhiều nghiên cứu sinh, nhà khoa học trẻ Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ quý báu để theo đuổi sự nghiệp khoa học, đóng góp vào sự nghiệp phát triển KH&CN, phát triển đất nước.

Nhóm các nhà khoa học của Phòng Vật lý Thiên văn và Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là một ví dụ. Nhiều người trong số họ được cấp học bổng làm luận án Tiến sỹ ở nước ngoài và trở về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, tham gia đào tạo các bạn trẻ khác dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Pierre Darriulat, một thành viên đặc biệt của “Gặp gỡ Việt Nam”. 

Quan tâm đầu tư hơn nữa

“Không phải đến chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Việt Nam”, mà trước đó rất lâu, Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khoa học cơ bản. Nhờ đó, Việt Nam có đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản và nhiều kết quả nghiên cứu được công bố”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh khẳng định. 

Đặc biệt, từ năm 1991, Bộ KH&CN đã triển khai Chương trình nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên và thành lập Hội đồng Khoa học Tự nhiên để tư vấn cho Bộ trong các lĩnh vực này. Chương trình được triển khai đến năm 2006 và đã hỗ trợ hàng ngàn cán bộ khoa học trong các lĩnh vực Toán học, Vật lý, Hóa học, Tin học, Cơ học, Hóa học, Khoa học Trái đất, Khoa học Sự sống tiến hành nghiên cứu cơ bản, công bố các công trình khoa học trong nước và quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học.

So với năm 2000, Ngân sách Nhà nước cho nghiên cứu KHCB năm 2015 tăng gấp 10 lần. Từ năm 2008, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia ra đời với chức năng hỗ trợ khoa học cơ bản.

Quỹ đã hỗ trợ các hoạt động của lĩnh vực KHCB như hỗ trợ các đề tài nghiên cứu; hỗ trợ cán bộ trẻ đi dự hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế; hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế ở Việt Nam. Sự hỗ trợ của Quỹ đã làm gia tăng đáng kể các công trình khoa học công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (ISI). Trên diễn đàn quốc tế, số công trình công bố giai đoạn 2011 - 2015 của Việt Nam tăng trưởng 15 - 20%, gấp đôi giai đoạn 2006 – 2010. 

Trong giai đoạn 2010-2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt 2 Chương trình phát triển khoa học cơ bản, đó là Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 - 2020 và Chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020.

Không chỉ đầu tư về vật chất, khoa học luôn được Nhà nước và xã hội tôn vinh, trân trọng. Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đã được trao tặng cho các nhà khoa học, công trình nghiên cứu xuất sắc.

Gần đây, Bộ KH&CN đã tổ chức Giải thưởng Tạ Quang Bửu nhằm tôn vinh các công trình khoa học cơ bản. 

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh các nhà khoa học có công trình khoa học xuất sắc được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc các lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Người được giải thưởng không chỉ được cộng đồng khoa học trong nước thừa nhận, mà còn có đóng góp có giá trị cho khoa học thế giới, được đánh giá bởi các nhà khoa học quốc tế.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem