“Khoác áo mới” cho cánh đồng ở Thái Bình

Chủ nhật, ngày 25/12/2016 13:45 PM (GMT+7)
Để “khoác áo mới” cho cánh đồng, nông dân Vũ Thư, Thái Bình đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Bình luận 0

img

Mô hình chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng các loại dưa hàng hóa của nông dân xã Tân Phong (Vũ Thư).

Toàn huyện Vũ Thư hiện có trên 11.000ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích gieo cấy lúa trên 8.000ha và 3.000ha cây màu. Những năm gần đây, huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Ðể việc chuyển đổi đem lại hiệu quả cao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã sát cánh cùng với các địa phương tiến hành rà soát lại quỹ đất, quy hoạch các vùng, tiểu vùng sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cánh đồng lớn, vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Hỗ trợ các đơn vị, địa phương xây dựng các mô hình sản xuất điểm, gắn với chuyển giao kỹ thuật cho nông dân và tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tăng cường đầu tư thâm canh, luân canh. Huyện chỉ đạo các địa phương vận động nông dân chuyển đổi các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa như dưa lê, dưa hấu, dưa kim cô nương, mướp đắng, cà chua, thanh long, rau màu. Việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng được nhân dân các địa phương đồng tình hưởng ứng, thể hiện bằng hàng loạt các cây trồng mới, vùng chuyển đổi hình thành, xuất hiện trên địa bàn những năm gần đây. 

img

Mô hình chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng bí xanh ở Minh Khai.

Việt Hùng là một trong những địa phương ở Vũ Thư tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã chủ động quy hoạch các tiểu vùng sản xuất, 3 HTXNN tạo thuận lợi cho nông dân khâu thủy lợi, tưới, tiêu phục vụ sản xuất và tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Ðến nay, mỗi thôn đều đã hình thành một hoặc một vài tiểu vùng chuyển đổi từ cấy lúa sang chuyên canh cây màu 3 - 4 vụ/năm.

Thay vì cấy lúa như nhiều năm trước, giờ đây, một số cánh đồng ở các thôn Mỹ Lộc 1, Mỹ Lộc 2, Mỹ Bổng, Lộc Ðiền, Phú Chử… đã hình thành các tiểu vùng sản xuất dưa lê, dưa chuột, bí xanh, cà chua, thanh long, bắp cải, rau màu, tổng diện tích trên 10ha, cho thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần cấy lúa. Hiệu quả kinh tế cao là động lực để xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn đầu tư các mô hình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.

img

Mô hình chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng thanh long và rau màu.

Gia đình ông Lại Ðăng Tặng ở thôn Phú Chử là một trong những điển hình của xã Việt Hùng về sự nhanh nhạy khi chuyển đổi cấy lúa, trồng ngô sang trồng bí xanh, cà chua, dưa chuột, thanh long. Ông Tặng cho biết: Với 1,5 mẫu ruộng, nếu cấy lúa, trồng ngô, sau trừ chi phí gia đình tôi có thể thu lãi tối đa 30 triệu đồng/năm nhưng trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như hiện nay gia đình có khoản thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Không chỉ có ông Tặng và các gia đình ở Việt Hùng, đến nay, nhiều hộ nông dân các địa phương trong huyện cũng nhanh nhạy chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây hàng hóa, cánh đồng như được “khoác” thêm màu “áo” mới, trù phú, xanh tươi, đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Ông Phạm Văn Hoằng ở thôn Trực Nho, xã Minh Quang chia sẻ, gia đình ông chuyển đổi 4 sào từ cấy lúa sang trồng đa dạng các loại cây như: dưa hồng, dưa hấu (vụ xuân), dưa chuột (vụ hè), súp lơ, cải bắp, cà chua (vụ đông xuân). Trồng cây màu, vất vả hơn cấy lúa nhưng bù lại kết quả cao gấp gần chục lần cấy lúa.

img

Nông dân xã Việt Hùng trồng cà chua ghép cho hiệu quả kinh tế cao.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, đến nay, Vũ Thư đã vận động nhân dân chuyển đổi gần 200ha đất lúa kém hiệu quả sang luân canh cây chuyên màu 3 - 4 vụ/năm.

Tại các vùng sản xuất lúa, màu hoặc đất bãi, đất màu, nông dân cũng nhạy bén chuyển đổi từ các loại cây trồng truyền thống như lúa, ngô, khoai… sang trồng các loại cây trồng lai ghép, nhập khẩu có giá trị kinh tế cao như dưa các loại, mướp đắng, cà chua ghép, ớt ngọt, ngô ngọt chuyển gen, ngô sữa… đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản xuất.

Giờ đây, những cánh đồng đạt giá trị 300 - 400 triệu đồng/ha/năm xuất hiện ngày càng nhiều như cánh đồng màu xã Trung An, Song An, Song Lãng, Việt Hùng, Minh Quang, Tân Hòa… Ðồng thời, nhờ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, hầu hết các hộ đều nâng cao thu nhập, nhiều nông dân đã trở thành triệu phú ngay trên những cánh đồng quen thuộc. Năm 2016, giá trị sản xuất trồng trọt của Vũ Thư tăng 9,3% so với năm 2011, gấp 2,95 lần kế hoạch đề ra, diện mạo các làng quê ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao.

Quỳnh Lưu (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem