Khoảng 20-30 năm tới nhiều tỉnh thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt cho sản xuất nông nghiệp

Hoàng Thành Thứ hai, ngày 17/08/2020 11:06 AM (GMT+7)
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong khoảng 20 - 30 năm tới nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp.
Bình luận 0

Sáng 17/8, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội chủ trì tổ chức Hội nghị giải trình về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập", với sự tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Khoảng 20-30 năm tới nhiều tỉnh thiếu nước nghiêm trọng

Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Nguyễn Vinh Hà cho biết, trong tháng 7/2020, Ủy ban đã tổ chức 2 đợt khảo sát về nội dung này tại 14 tỉnh, thành phố tiêu biểu cho các khu vực Bắc Trung bộ; duyên hải Miền Trung; Nam Trung bộ; Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Bắc.

Theo dự báo của Bộ NNPTN), trong khoảng 20 - 30 năm tới nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp. Ví dụ như tại tỉnh Nghệ An, hiện có 1.061 hồ chứa lớn, nhỏ với tổng dung tích 537 triệu m3 nhưng mới chỉ đảm nhiệm được 55% diện tích tưới. 

Tại tỉnh Thanh Hóa, có 610 hồ chứa thủy lợi, trong đó có hồ chứa lớn như Cửa Đạt, dung tích 793,7 triệu m3 nhưng chỉ đáp ứng được 70% diện tích tưới (86,8 ngàn ha); hoặc tại tỉnh Hà Tĩnh với hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang mới đưa vào hoạt động, cấp nước tưới cho trên 32.000 ha cũng có kế hoạch mở rộng hệ thống kênh dẫn để tăng cường diện cấp nước.

Khoảng 20-30 năm tới nhiều tỉnh thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1.

Hội nghị giải trình về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập", sáng 17/8.

Riêng với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ bảo đảm điều tiết nước của sông Tiền, sông Hậu qua hệ thống cống, trạm bơm và mạng lưới kênh dẫn đã phục vụ tốt cho cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, sản xuất lúa và cây ăn trái nhiều năm qua.

Thời gian gần đây, lượng mưa ít, lũ về chậm, mực nước lòng sông thấp nên lượng nước không đủ cho sinh hoạt, sản xuất và tưới cho cây trồng. Đợt hạn năm 2019 - 2020, mặn vào sâu tới đến 135km (sông Vàm cỏ tây, huyện Mộc Hóa, Long An), nồng độ mặn cao đến 18%o (huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bến Tre) đã gây thiệt hại trên 1.600 tỷ đồng; tại tỉnh Kiên Giang cũng có 1.500 ha bị nhiễm mặn.

"Các vấn đề này cần được nghiên cứu khoa học và dựa trên cơ sở quy hoạch tốt hệ thống thủy lợi cho 20 – 30 năm tới", ông Nguyễn Vinh Hà nhấn mạnh.

Khoảng 20-30 năm tới nhiều tỉnh thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng.

Nhấn mạnh đến thách thức đối với quản lý và an ninh nguồn nước hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng đó là tình trạng mất cân đối nước cho sản xuất, sinh hoạt diễn ra khá thường xuyên, mùa mưa thì thừa nước gây lũ lụt cục bộ, lũ quét trong khi mùa khô thì thiếu nước, khô hạn, nước mặn xâm nhập.

Cùng đó, với sự gia tăng của dân số, nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, trong khi khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho người dân ở một số nơi còn khó khăn. Ngoài ra, do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đe dọa nước ngọt của các con sông, làm giảm diện tích canh tác, làm ảnh hưởng đến các công trình thủy lợi.

"Mặc dù có nhiều cố gắng và có nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng việc quản lý, điều tiết nguồn nước vẫn còn một số hạn chế như điều tiết nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, tích trữ nước vào mùa mưa để phòng hạn hán hay vấn đề sử dụng nước lãng phí còn diễn ra ở nhiều nơi", ông Dũng nói và cho cho biết, một vấn đề nữa cần được quan tâm là ô nhiễm nguồn nước do các họa động sản xuất, sinh hoạt; tình trạng có nước nhưng không sử dụng được hoặc phải tốn chi phí lớn để xử lý mới có thể sử dụng được; ở đầu nguồn việc khai thác quá mức trên các dòng chính của các quốc gia xung quanh làm ảnh hưởng đến lưu lượng và chất lượng nước chảy vào Việt Nam.

Hơn 1.000 hồ đập hư hỏng, xuống cấp

Liên quan đến quản lý an toàn hồ, đập, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Nguyễn Vinh Hà đặc biệt lưu ý đến tình trạng đập, hồ chứa quan trọng, hồ chứa nước lớn có thì độ an toàn cao do được kiểm soát tốt từ khâu xây dựng, có quy trình vận hành, có tổ chức quản lý đủ điều kiện, được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Tuy nhiên, những đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ có nguy cơ mất an toàn cao do bị hư hỏng, xuống cấp. 

Khoảng 20-30 năm tới nhiều tỉnh thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là cho sản xuất nông nghiệp - Ảnh 3.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT Nguyễn Vinh Hà báo cáo tại hội nghị.

Nhiều hồ, đập được xây dựng cách đây 30 – 50 năm điều kiện thiết kế, thi công còn hạn chế, chủ yếu là đập đất nên khả năng mất an toàn cao. Nhiều hồ, đập không có quy trình vận hành khi thiết kế; không được kiểm định trước mùa mưa lũ; không có trang thiết bị quan trắc, giám sát an toàn.

"Mặc dù các tỉnh đều quan tâm bố trí nguồn vốn để duy tu bảo dưỡng công trình nhưng do số lượng hồ, đập bị hư hỏng lớn nên vẫn có một số lượng hồ đập lớn hư hỏng nghiêm trọng chưa được sửa chữa, không bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ. Ví dụ, ở Thanh Hóa còn 50% hồ xuống cấp cần phải tu sửa, trong đó có 90 hồ trong tình trạng hư hỏng nặng, 78 hồ chứa mất an toàn; Hà Tĩnh có 90 hồ hư hỏng, xuống cấp, 57 hồ có nguy cơ mất an toàn cao; Hòa Bình 544 hồ chứa có 192 hồ hư hỏng xuống cấp…", ông Hà cho hay.

Đáng chú ý, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT của Quốc hội thông tin, Việt Nam đã xây dựng được gần 7.000 đập, hồ thủy lợi, thủy điện, phát huy tốt vai trò trị thủy, cấp nước, cấp điện, phòng chống lũ và tạo tăng trưởng lớn cho các nền kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, do được xây dựng từ lâu, đến nay đã có hơn 1.000 hồ đập hư hỏng, xuống cấp và 200 hồ đập hư hỏng, xuống cấp nặng, trong điều kiện thiên tai bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Đây là thách thức với các cơ quan quản lý khi vừa phải đảm bảo khai thác, vận hành vừa phải đảm bảo an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống của người dân.

"Trước tình hình đó, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập là rất cấp thiết. Cần có sự thay đổi về tư duy trong quản lý, sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả", ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem