|
Những đứa trẻ ở bản Suối Khang (Phù Yên, Sơn La) ít được cha mẹ chăm sóc do nghèo đói. |
Thi xong đại học về với vợ
Trong gian nhà nhỏ bé, nửa mái lợp fibro ximăng, nửa lợp bằng những tấm gỗ pơ mu cũ mèm, mốc thếch, Mùa Thị Dê đang lắc lư trên tay đứa con nhỏ mới hơn 1 tháng tuổi.
Bố chồng của Dê - ông Giàng A Dê (bản K14, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái), lắc đầu: “Mình có 5 đứa con mà đã khổ lắm rồi. Nay tuy không muốn đời con khổ nữa nhưng chúng muốn lấy nhau mình cũng phải cưới cho chúng nó thôi!”.
Giàng A Di, chồng của Mùa Thị Dê, vừa từ Sơn La trở về sau kỳ thi đại học khối B vào Trường Đại học Tây Bắc. Chưa biết kết quả thi cử thế nào nhưng Di rất vui khi được trở về nhà với vợ và đứa con đầu lòng.
Nói về chuyện kết hôn sớm của mình, Di cười trừ:
“Cũng được nghe cán bộ nói nhiều về dân số kế hoạch hóa gia đình rồi. Nhưng mình và cái Dê thích nhau nên nghỉ Tết vừa rồi mình phải cưới. Đây là đứa con đầu nên phải "vỡ kế hoạch" thôi.
Từ đứa con sau thì phải kế hoạch hoá gia đình để còn cho vợ đi học nốt lớp 12, rồi còn đi làm cán bộ nhà nước nữa. Bố mẹ mình cũng đã nhất trí như vậy trước khi cưới rồi. So với nhiều bạn học khác, chúng mình đã cố gắng rồi đấy. Nhiều bạn khác lấy nhau là bỏ học luôn hoặc chỉ có chồng là theo học tiếp...”.
Lại nhớ đến chuyến công tác tại xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, Sơn La cách đây tròn 1 năm. Chỉ đến khi nhìn vào bản danh sách thống kê nhân khẩu các hộ nghèo trong xã tôi mới hiểu được vì sao bà con ở đây cứ nghèo truyền kiếp. Tuy chỉ một căn nhà gỗ dột nát, xiêu vẹo nhưng trong đó thường có ít nhất là 5-6 nhân khẩu, cao nhất là hộ Sồng A Sềnh và Vàng A Dế (A) ở bản Suối Khang, mỗi hộ có tới 13 nhân khẩu.
Trẻ như cặp vợ chồng Vàng A Lấu (B - 1980) và Sồng Thị Ngóng (1981) nhưng đã có tới 4 đứa con, cách nhau năm một mà khát vọng có một đứa con gái vẫn chưa thành hiện thực... Nói về "cái sự khó" của mình, Lấu bảo: Mình có muốn khổ thế này đâu nhưng biết làm thế nào được. Cái bụng vợ nó không nghe theo ý mình mà...
Còn phải cố gắng... dài dài
Quy mô dân số Việt Nam hiện đang đứng thứ 13 trên thế giới với chất lượng dân số còn hạn chế, chỉ số phát triển con người vẫn ở mức thấp, các tố chất về tầm vóc, thể lực còn nhiều hạn chế, đặc biệt là chiều cao, cân nặng và sức bền còn thấp xa so với nhiều nước trong khu vực.
Nhiều năm gắn bó với công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, phần nào cũng hiểu được giá trị to lớn của những kết quả mà chính ngành đang đánh giá là "còn khiêm tốn". Ngành dân số chỉ thực hiện tuyên truyền, vận động và cung ứng, thực hiện dịch vụ kế hoạch hoá gia đình chứ không như những ngành khác có cái quyền cấm nên hiệu quả hoạt động phụ thuộc nhiều vào cấp uỷ, chính quyền cơ sở.
Tại những xã: Chiềng Sơn, Lóng Sập của huyện Mộc Châu (Sơn La), chúng tôi được chứng kiến những buổi thực hiện Chiến dịch chăm sóc sức khoẻ sinh sản-kế hoạch hoá gia đình với sự tham gia của hàng ngàn người dân.
Cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể và hệ thống già làng, trưởng bản ở đây vào cuộc rất tốt nên hiệu quả huy động cao và ngay cả Đội cán bộ thực hiện dịch vụ cũng rất chu đáo, nhiệt tình.
Ngày làm nghiệp vụ, đêm về giao lưu văn nghệ tới tận khuya nên càng thu hút được nhiều người. Vì sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, nhiệt tình ấy mà huyện Mộc Châu luôn là địa bàn có nhiều điểm sáng thực hiện tốt dân số kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Sơn La
Tuy nhiên, cái khó là hiện nay không chỉ với bà con dân tộc thiếu số, dân trí thấp mà ngay với cả những cán bộ, công chức, người Kinh, vùng đô thị... khi điều kiện kinh tế đã khá giả thì việc sinh con "đôi khi vẫn ngoài ý muốn".
Đó là chưa kể tới chuyện khoảng cách giữa 2 lần sinh con của không ít cặp vợ chồng chỉ là 1-2 năm, thậm chí là 10-11 tháng; tạo áp lực lớn cho việc chăm sóc, giáo dục con cái và sức khoẻ người mẹ cũng như sự ổn định, phát triển của mỗi gia đình. Thêm vào đó, những tư tưởng nặng nề về nối dõi tông đường, "rộng sông-đông chợ..." cũng đang là gánh nặng cho công tác dân số ở vùng cao.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.