Khóc, cười sửa mai dạo mùa Tết

Trần Cửu Long Thứ ba, ngày 22/01/2019 13:45 PM (GMT+7)
Theo nhiều người sửa cây kiểng ở ĐBSCL, nghề sửa mai kiểng có 2 dịch vụ chính: Sửa tại vườn và sửa theo yêu cầu. Sửa theo yêu cầu chỉ rộ lên vào mùa tết: Chủ nhà có cây mai gọi đến sửa (tạo dáng), tiền công có thể lấy theo phần trăm giá trị cây mai.
Bình luận 0

Xuân đến là… hốt bạc

Từng là một đầu bếp có tiếng ở Sài Gòn, nhưng anh Nguyễn Quỷnh Quốc Phong – chủ vườn mai ở Thủ Thừa (Long An), quyết định về vườn trồng mai cho thuê.

Hiện, anh Phong đang sở hữu vườn mai “khủng” khoảng 150 gốc cao từ 2 – 6m, mỗi gốc trị giá vài trăm triệu đồng tại xã Mỹ Lạc (Thủ Thừa). Mỗi khi Tết đến, anh cho các nhà hàng, khách sạn… thuê lại số mai này để trưng Tết. Và để chăm sóc vườn mai tiền tỷ này, anh phải thuê 2 nghệ nhân cây kiểng.

img

Nghệ nhân Tư Triều đang tạo dáng mai theo yêu cầu gia chủ

Vào thời điểm này, công việc của 2 nghệ nhân khá tất bật. Họ phải sửa sang những cây mai cho thật đẹp để anh Phong giao hàng cho khách. Vừa dùng dây đồng uốn thế cành mai, nghệ nhân Tư Triều (Dương Văn Triều) vừa giải thích nguồn gốc nảy sinh cái nghề sửa mai dạo.

Theo đó, cùng với đào, quất thì mai vàng là một trong những loại hoa rất được ưa chuộng mỗi dịp Tết đến xuân về. Không những thế, nhiều người còn có sở thích trồng mai như một loại cây cảnh để chơi bonsai nữa. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được kỹ thuật chăm sóc và cách tỉa mai vàng sao cho đẹp nhất, tạo nên giá trị nhất.

“Khi trồng mai vàng để chơi kiểng, bạn cần phải thành thạo các kỹ thuật tỉa sửa, như: căng kéo, cắt tỉa uốn nắn, neo, cảo, quấn dây đồng, đục, khoét, làm lão hóa… để tạo ra một cây bonsai có tư thế đẹp và giá trị. Mà việc này chỉ có… nghệ nhân mới làm được”, ông Tư Triều chia sẻ.

Cũng theo nghệ nhân Tư Triều, cứ mỗi mùa Tết ông nhận khoảng 200 cây mai để sửa, chủ yếu là mai đất. Nếu là của dân chuyên chơi mai, ông sẽ sửa theo thế, dáng họ yêu cầu. Còn nếu của người chơi bình thường, ông sửa theo kiến thức của mình làm sao cây mai có dáng đẹp nhất.

“Hãy hình dung, có những cây mai giá trị vài trăm triệu đồng và nếu sửa theo yêu cầu nghệ nhân sửa mai sẽ lấy vài phần trăm trên giá trị cây mai đó”, anh Phong bộc bạch.

img

Trước khi bắt tay tạo dáng, thợ sửa mai phải nghiên cứu cây khá kỷ để tránh... tổ trác 

Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Tuấn – một nghệ nhân cây kiểng ở TX.Sa Đéc, (Đồng Tháp) cho biết, khoảng 2 tháng nay khách hàng gọi sửa cây kiểng rất nhiều, làm không xuể. Vào cao điểm như lúc này, anh phải chạy ngược, chạy xuôi bằng xe máy tới từng nhà để sửa mai.

Cũng như ông Tư Triều, anh Tuấn thường nhận chăm sóc cây mai theo hình thức lãnh khoán. Đối với mai kiểng có yêu cầu tạo dáng, chăm bón cho hoa nở đúng ngày tết, tết năm nay mức giá bình quân 2 triệu đồng/cây.

Tổ trác…

Hiện không ai biết được trong làng sửa mai có bao nhiêu người. Nghệ nhân Tư Triều chỉ biết, “khá nhiều” và số nghệ nhân qua trường lớp “khá ít”.

Theo anh Tuấn, sửa mai nghệ thuật phải có tay nghề cao, có kiến thức về đặc tính sinh trưởng của cây mai. Thời gian để tạo được một cây mai có dáng ưng ý có khi phải mất vài ba năm...

Nhiều nghệ nhân cây kiểng cho biết, chăm sóc mai chưng Tết cho khách hàng ngán nhất là thời tiết... trở chứng. Nếu gặp tình huống này tay nghề dù là “cao thủ” có khi cũng... chào thua.

“Tui làm nghề này hơn chục năm rồi, cũng tay ngang nhảy qua, nên “dính chưởng” mấy lần phải năn nỉ khách hàng gần chết họ mới chịu thôi”, một thợ sửa mai ở Tiền Giang thổ lộ.

img

Theo nghệ nhân Năm Đông nghề sửa mai không phải... dễ ăn

Theo anh này, sau khi tạo dáng, thúc bón, đến Tết cây mai bỗng dưng… "điếc" nụ, không nở hoa.

Ngay như nghệ nhân Tư Triều cũng có vài lần… "lên ruột". Ông cho biết, sửa mai theo yêu cầu không đơn giản. Đôi khi sửa mai kiểu này, gia chủ trở chứng bắt làm lại kiểu khác.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Đông – làng mai Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, lâu nay ông không còn nhận sửa mai cho khách nữa.

“Phức tạp, lằng nhằng lắm, lấy tiền khách không dễ đâu. Mình làm kiểu này, khách hàng lại thích kiểu khác. Thời tiết đỏng đảnh, mai điếc, ít hoa… cũng chết mình. Tôi “chạy”, bỏ nghề sửa mai từ lâu rồi”, ông Đông chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem