Khởi động nhẹ nhàng với môn Văn

Thứ bảy, ngày 02/06/2012 12:21 PM (GMT+7)
Dân Việt - Ghi nhận ở nhiều địa điểm thi, mặc dù không còn thi cụm, chấm chéo và “khuyết” thanh tra ủy quyền của Bộ nhưng các hội đồng thi vẫn khá nghiêm túc. Đề thi môn Ngữ văn "dễ thở", giúp nhiều thí sinh thở phào.
Bình luận 0

 

img
Thí sinh hớn hở rời phòng thi sau môn Ngữ văn tại Hội đồng thi THPT Tây Hồ

Nhiều trường hợp quên chứng minh thư

Sáng nay (2.6) gần 1 triệu học sinh trong cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 với môn Ngữ văn. Tại Hà Nội, mặc dù 7h30 mới bắt đầu vào thi nhưng nhiều thí sinh đã đến trường thi từ rất sớm. 6h sáng tại Hội đồng thi trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ, Hà Nội) hầu hết thí sinh đã có mặt ở phòng thi.

Đúng 6h30, toàn bộ cán bộ trông thi và thí sinh tập trung làm lễ chào cờ, xác nhận niêm phong đề thi. 7h, thí sinh vào phòng thi, 7h25 giám thị phát đề thi, 7h30 thí sinh bắt đầu làm bài thi. Tuy nhiên, theo bảo vệ tại địa điểm thi này cho biết, khi thí sinh đã vào phòng thi từ 7h, có hơn 10 trường hợp thí sinh quên mang chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ liên quan phải ra cổng trường liên hệ với phụ huynh về lấy.

Tương tự, tại Hội đồng thi trường THPT Xuân Đỉnh (Từ Liêm), sát giờ phát đề vẫn có thí sinh xin phép ra ngoài cổng để nhận chứng minh thư nhân dân của phụ huynh mang đến. Bảo vệ Hội đồng thi phải yêu cầu phụ huynh giải tán khỏi khu vực trước cổng trường để đảm bảo an ninh và nhận cầm chứng minh thư nhân dân cho thí sinh ra lấy. Tại Hội đồng trường THPT Cầu Giấy cũng có 2 thí sinh quên chứng minh thư nhân dân mặc dù buổi phổ biến quy chế thi ngày 1.6, thí sinh đã được nhắc nhở rất kỹ.

Hội đồng thi trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa) thì cho biết, trong buổi thi văn có 3 học sinh vắng mặt với lý do bị ốm, các thí sinh này đều đã được phụ huynh mang giấy xác nhận của bệnh viện đến để được hưởng quy chế ưu tiên.

Tại TP.HCM, dù buổi sáng tiết trời âm u và có mưa nhẹ nhưng không khí mát mẻ khiến thí sinh khá dễ chịu khi bước vào phòng thi. Tại các địa điểm thi vẫn xảy ra các hiện tượng quên mang chứng minh thư, thẻ dự thi, đến muộn… nhưng tình trạng mang "phao" thì hầu như không có. Ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định: “Điểm khác biệt của các hội đồng thi tại TP.HCM so với các tỉnh thành khác là các thí sinh nếu đến muộn ít hơn 15 phút (theo quy chế thi tốt nghiệp THPT 2012 - PV) vẫn sẽ được vào thi và được bố trí dự thi ở một phòng thi riêng để tránh ảnh hưởng đến các thí sinh khác”, ông Sơn cho biết.

Năm nay, TP.HCM có tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp năm 2012 là 66.316 (trong đó có 56.092 thí sinh hệ THPT và 10.224 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên) với 3.630 phòng thi. Toàn thành phố có 322 thanh tra thi sẽ cắm chốt tại 109 hội đồng thi tốt nghiệp. Đồng thời cũng có đội thanh tra lưu động gồm có 9 thành viên sẽ tiến hành thanh tra bất chợt tại các hội đồng coi thi.

Môn Ngữ văn dễ thở

Kết thúc môn thi đầu tiên, hầu hết thí sinh đều cho rằng đề thi không quá khó, thí sinh trung bình nếu làm hết đề dễ dàng được điểm 6, 7.

Em Nguyễn Hồng Hạnh – THPT Tây Hồ cho biết: “ Câu 1 (2 điểm) không đánh đố, thí sinh chỉ cần đọc qua và nhớ tác phẩm là trả lời ngon lành, phần tự chọn 2 đề đều rất hay và dễ làm, không quá khó vì trên lớp các thầy cô đã ôn thi rất kỹ rồi, còn câu 3 điểm viết 1 bài văn nghị luận về “thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sỗng xã hội” cũng rất gần gũi”.

Em Hoàng Phương Thanh – THPT Hoàng Cầu thì cho biết: “Tuy đề văn không khó nhưng cũng mất khá nhiều thời gian cho mỗi câu nếu muốn phân tích cho … “ra ngô ra khoai”. Cũng vì lý do đó mà em thấy các bạn làm khá miệt mài mới đủ thời gian, không thấy ai ra sớm cả”.

Em Lê Thị Vân Anh – Học sinh lớp 12A1 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) tự tin cho biết: “Một câu trong đề thi trùng với câu trong đề thi thử vòng 2 ở trường nên em phân tích khá tốt, các câu còn lại cũng nằm trong chương trình ôn thi tại lớp nên không có khó khăn gì, em đoán mình sẽ được ít nhất là 7 điểm”.

Thầy Nguyễn Văn Cường – giáo viên có kinh nghiệm nhiều năm luyện thi môn văn tại TP.Thái Bình thì nhận định: “Đề thi ngắn gọn, súc tích nhưng dung lượng kiến thức tương đối nhiều, đòi hỏi thí sinh phải vừa có khả năng ghi nhớ, phải vừa lập luận phân tích và hiểu sâu sắc tác phẩm. Với đề văn này, nếu làm trọn vẹn thì thí sinh học trung bình có thể đạt điểm 6 – 7, thí sinh khá giỏi dễ dàng đạt điểm 8 – 9”.

Cô Nguyễn Thị Lài – giáo viên văn trường THPT Thủ Khoa Huân (TP.HCM) cũng cho biết: “Năm nay đề thi môn Ngữ văn nằm trong chương trình 12 là chủ yếu, nhiều ý của đề thi rất hay và cũng có chút suy luận. Nếu các em có tư duy tốt thì sẽ làm được điểm 7 và 8 điểm rất dễ, còn những học sinh trung bình cũng có thể làm bài đạt 5 đến 6 điểm".

Chiều nay, thí sinh sẽ bước vào thi môn Hóa học, thời gian làm bài 60 phút, bắt đầu từ 14 giờ 30 phút.

Đề thi chính thức tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2012 (Thời gian 150 phút)

I. Phần chung dành cho tất cả các thí sinh (5 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Trong phần cuối tác phẩm Số phận con người, nhà văn M. Sô – lô – khốp viết: Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ…

(Ngữ văn 12, Tập 2, tr 123, NXB Giáo dục - 2008)

Hai con người được nói ở trên là những nhân vật nào? Vì sao tác giả gọi họ là hai con người côi cút? Hình ảnh hai hạt cát trong câu văn có ý nghĩa gì?

Câu 2 (3 điểm):

Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội.

Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

II. Phần riêng – Phần tự chọn (5 điểm)

Câu 3.a - Theo chương trình chuẩn (5 điểm)

Phân tích đoạn thơ sau trong bài Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu:

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi...

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

Nhớ sao lớp học i tờ

Đồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan

Nhớ sao ngày tháng cơ quan

Gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

Nhớ sao tiếng mõ rừng chiều

Chày đêm nện cối đều đều suối xa…

(Ngữ văn 12, Tập một, tr. 111, NXB Giáo dục - 2009)

Câu 3.b - Theo Chương trình Nâng cao (5 điểm)

Phân tích hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân

(Phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục - 2009)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem