Khởi kiện ra tòa là giải pháp văn minh cho các vi phạm bản quyền

Minh Anh Thứ sáu, ngày 05/10/2018 15:43 PM (GMT+7)
Tham gia vào Công ước Berne, Việt Nam có trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong nước và của các quốc gia thành viên. Đồng thời các quốc gia thành viên cũng sẽ phải có nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả Việt Nam.
Bình luận 0

img

MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi của Noo Phước Thịnh.

Khởi kiện ra tòa là giải pháp văn minh 

Trong đơn kiện, phía nhạc sĩ Zack Hemsey đã yêu cầu Noo Phước Thịnh phải bồi thường thiệt hại về vật chất 500 triệu đồng; bồi thường thiệt hại tinh thần 50 triệu đồng; thanh toán chi phí thuê luật sư 300 triệu đồng. Nam ca sĩ cũng phải công khai xin lỗi nhạc sĩ Zack Hemsey trên báo điện tử, báo giấy về các hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Việc ca sĩ Noo Phước Thịnh vi phạm bản quyền ca khúc “The way” của nhạc sĩ Zack Hemsey mà đơn vị đại diện là Công ty Epic Elite (Công ty Epic Elite mua độc quyền ca khúc "The way" của nhạc sĩ Zack Hemsey) đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của bạn đọc, đặc biệt là giới showbiz.

Theo đơn kiện, nhạc sĩ Zack Hemsey khẳng định rằng ca sĩ Noo Phước Thịnh đã sử dụng ca khúc The Way của mình để làm phần nhạc nền cho phân đoạn từ phút 6:05 đến 7:30 của MV “Chạm khẽ tim anh một chút thôi”. Nhạc sĩ Zack Hemsey nêu rằng tháng 10. 2017, ông phát hiện ca sĩ Noo Phước Thịnh chia sẻ trực tuyến MV có tên "Chạm khẽ tim anh một chút thôi". MV này nhanh chóng đạt mức 30 triệu view trên YouTube. Hành vi này đã ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp tới sự toàn vẹn của tác phẩm cũng như độc quyền cho phép người khác khai thác khả năng thương mại của tác phẩm. Vì vậy, theo điều 28 và 35 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi của ca sĩ Noo Phước Thịnh đã xâm phạm bản quyền tác giả/quyền liên quan đang được bảo hộ của nhạc sĩ Zack Hemsey".

Từ góc độ luật pháp, Luật sư Phan Vũ Tuấn - Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phân tích: "Đối với vụ việc này trước tiên cần xác định được hành vi xâm phạm đến từ đâu. Bởi vì trong nhiều trường hợp, ca sĩ chỉ đóng vai trò là người cuối cùng hoặc là người xuất hiện để góp phần đưa tác phẩm đến với công chúng mà thôi. Họ chưa hẳn đã là chủ sở hữu hay là người đầu tư toàn bộ cũng như sáng tạo ra toàn bộ tác phẩm đó.

Ngoài ra, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng nhau ký kết rất nhiều các Điều ước quốc tế song phương cũng như đa phương liên quan đến sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Chẳng hạn như: Công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả 1886; Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thiết lập quan hệ quyền tác giả (BCA) 1997; Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) 2001… Chính vì vậy, để đưa ra nhận định chính xác về việc có hay không có hành vi vi phạm, chúng ta cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, không chỉ ở những quy định của pháp luật quốc gia mà còn cả những quy định tại Điều ước quốc tế".

img

Hình ảnh trong phân cảnh của MV Chạm khẽ tim anh một chút thôi. Ảnh Internet

Bảo hộ quyền tác giả góp phần thúc đẩy sáng tạo

Tham gia vào Công ước Berne, Việt Nam có trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả trong nước và của các quốc gia thành viên, đồng thời các quốc gia thành viên cũng sẽ phải có nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả cho các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả Việt Nam. Tuy nhiên thực tế vừa qua, tại Việt Nam vẫn xảy ra thường xuyên tình trạng vi phạm quyền tác giả một cách khá phổ biến, ở cả nhạc Việt Nam và nhạc quốc tế. Song việc vi phạm bản quyền trong nước và quốc tế vẫn đang diễn ra dưới nhiều hình thức và ở những góc độ vi phạm khác nhau.

Theo bộ phận pháp chế của VCPMC cho biết: “Nhiều trường hợp vi phạm bản quyền ca khúc quốc tế đã xảy ra. Gần đây nhất là Chương trình nhạc hội “Trip to the moon” tại Hà Nội vào ngày 16.9.2018 do Công ty TNHH Kết Nối Á châu tổ chức: đơn vị tổ chức không có thiện chí thực hiện, viện mọi lý do để né tránh trả tiền sử dụng quyền tác giả đối với hàng loạt ca khúc quốc tế hiện đang thuộc phạm vi quản lý của VCPMC (14 tác phẩm thuộc các thành viên ở các nước: Mỹ, Hà Lan, Anh, Canada, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Brazil. Đây cũng là đơn vị đã có tiền lệ vi phạm quyền tác giả ở rất nhiều chương trình trước đó diễn ra tại Đà Nẵng, Hưng Yên và Hà Nội".

img

Là thành viên của Hiệp hội các Nhà soạn nhạc và Soạn lời Quốc tế (CISAC), VCPMC đảm bảo quyền tác giả theo công ước quốc tế

Riêng đối với vụ vi phạm bản quyền giữa ca sĩ Noo Phước Thịnh và tác giả Zack Hemsey (tác phẩm “The Way”) hiện đang do Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết. VCPMC không có bình luận gì về vụ việc này. Tuy nhiên, qua đây, VCPMC gửi một số khuyến cáo liên quan đến vấn đề bản quyền âm nhạc:

1- Để tránh rủi ro pháp lý, đặc biệt là vấn đề bồi thường hết sức nặng nề khi có kiện tụng xảy ra, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm, bản ghi cần tôn trọng bản quyền và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tôn trọng bản quyền cũng chính là tôn trọng giá trị sáng tạo và thúc đẩy lao động sáng tạo, là thái độ ứng xử văn minh rất cần thiết trong xu thế phát triển và hội nhập hiện nay.

VCPMC đã gửi báo cáo đến Bộ VHTTDL, Cục Bản quyền tác giả, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các Sở VHTT Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…, đồng thời báo cáo Liên minh CISAC và các tổ chức bản quyền quốc tế về tình trạng vi phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật đang có chiều hướng ngày một tràn lan, tinh vi, thách thức.

Hành lang pháp lý về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đã tương đối đầy đủ và thuận lợi để các bên có liên quan cùng thực hiện. Pháp luật của Việt Nam về quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, được hướng dẫn tại Nghị định số 22/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01.4.2018.

2- VCPMC là tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả âm nhạc hiện đang đại diện cho khoảng 4.000 tác giả Việt Nam, và các tác giả quốc tế thông qua việc ký kết hợp tác song phương với trên 70 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản âm nhạc có phạm vi điều chỉnh trên 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; đồng thời VCPMC là thành viên chính thức của Liên minh quốc tế CISAC với 239 tổ chức thành viên đại diện cho hơn 4 triệu chủ sở hữu quyền tác giả.

3.Thực tế vừa qua vẫn xảy ra thường xuyên tình trạng vi phạm quyền tác giả, đặc biệt ở lĩnh vực tổ chức biểu diễn, phần do nhận thức và ý thức pháp luật của nhiều tổ chức, cá nhân chưa thực sự đầy đủ, bên cạnh đó còn do công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí có những quy định trong thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn còn bị “vô hiệu hóa” như hiện tượng “Đơn cam kết”. Đây là mẫu đơn ban hành theo Thông tư số 01/2016/TT-BVHTTDL ngày 24/3/2016 của Bộ VHTTDL để cho đơn vị tổ chức cam kết với cơ quan nhà nước là sẽ thực hiện quyền tác giả, mà phi lý ở chỗ đây không phải là sự cam kết với chính chủ sở hữu quyền, hoàn toàn đi ngược lại luật pháp Việt Nam và Công ước quốc tế. Và điều bất cập hơn nữa là mẫu đơn này cho đến nay vẫn được các đơn vị tổ chức biểu diễn sử dụng để nộp hồ sơ đề nghị cấp phép, mặc dù vào ngày 19/10/2016, Bộ VHTTDL đã tiếp tục ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BVHTTDL trong đó đã quy định rõ về việc bãi bỏ “Mẫu đơn cam kết” này kể từ ngày 01/01/2017.

Chính sách và những kẽ hở pháp luật, cản trở sự phát triển và hội nhập

Việc tham gia vào những ràng buộc cam kết quốc tế và đặc biệt là Công ước Berne là một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập của Việt Nam. Luật sư Phan Vũ Tuấn cho rằng: "Việc gia nhập Công ước Berne và những cam kết quốc tế sẽ góp phần thanh lọc môi trường văn hóa của Việt Nam, loại trừ dần các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Mặc dù vậy, hiện tại vấn đề nhận thức về quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung tại Việt Nam vẫn còn mới mẻ và để cạnh tranh công bằng với các nước là một thách thức vô cùng khó khăn.

Việc gia nhập Điều ước quốc tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, tùy vào bối cảnh và mức độ nhận thức của mỗi quốc gia mà việc nội luật hóa các quy định tại Điều ước quốc tế sẽ khác nhau. Đây chính là lúc chúng ta vận dụng linh hoạt các Điều ước quốc tế vào thực tiễn pháp luật quốc gia mình".

Từ thực tiễn hoạt động, bộ phận pháp chế của VCPMC chỉ ra rằng: “Vấn đề nổi cộm tồn tại trong suốt thời gian qua trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ nằm ở việc các chính sách pháp luật chưa thực sự đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn, thậm chí một số chính sách còn dẫn đến nhiều bất cập, khó khăn như trường hợp “Mẫu đơn cam kết” nêu trên trong thời gian dài đã gây nhiều tổn hại về mặt tài sản và cả tổn thương về mặt tinh thần đối với các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Vừa qua, Bộ VHTTDL có bản dự thảo nghị định với nội dung bãi bỏ điều kiện về thực hiện quyền tác giả trong thủ tục cấp phép biểu diễn nghệ thuật và kinh doanh, lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. VCPMC ngay lập tức đã gửi văn bản báo cáo Hội Nhạc sĩ VN, văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ VHTTDL về vấn đề này; đồng thời các Hội Âm nhạc và nhiều tác giả cũng đã lên tiếng để góp ý, kiến nghị. VCPMC thay mặt cho các tác giả Việt Nam cũng như các thành viên tổ chức quốc tế đề nghị Bộ VHTTDL, các cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm xem xét để đảm bảo việc thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan được đồng bộ và đạt kết quả, cũng như cân nhắc kỹ lưỡng trong việc ban hành chính sách pháp luật để phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước Quốc tế có liên quan".

Ngoài những Công ước và Hiệp định quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, Việt Nam còn thực hiện các cam kết quốc tế khác trong đó có các Hiệp định song phương với Hoa Kỳ; Hiệp định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ với Thụy Sỹ. Vì thế, những vấn đề liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ không còn là chuyện của riêng Việt Nam. Luật sư Phan Vũ Tuấn Khẳng định: "Với những vụ việc tranh chấp hay xử lý xâm phạm về quyền tác giả, việc áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép, trong đó có khởi kiện ra Tòa là giải pháp văn minh nhất đối với các bên".

Có hiệu lực từ tháng 4-2018, Nghị định số 22/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan) có chỉnh sửa một số nội dung phù hợp thực tế hơn. Nổi bật nhất là quy định tăng mức độ, hình thức xử phạt. Cụ thể, cơ quan chức năng có thể phạt hành chính từ 50 - 300 triệu đồng; nặng hơn là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm đối với hành vi phân phối bản sao tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình không có bản quyền.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem