Khối ngành nông-lâm-ngư nhiều học bổng

Thứ sáu, ngày 11/03/2011 13:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - LTS: Là khối ngành đào tạo nhân lực trọng điểm của quốc gia, tuy nhiên nhiều thí sinh vẫn "thờ ơ" vì cho rằng nông - lâm - ngư là ngành học lạc hậu, khó kiếm việc làm, công việc vất vả…
Bình luận 0

NTNN tổ chức bàn tròn với ý kiến, tư vấn của nhiều chuyên gia giáo dục nhằm hỗ trợ thí sinh có lựa chọn nộp hồ sơ dự thi trong mùa tuyển sinh ĐH-CĐ 2011.

Ông Vũ Văn Xứng - Hiệu trưởng Trường ĐH Nha Trang: Giảm 20% học phí

img
Thí sinh thi ĐH Nông nghiệp Hà Nội kỳ thi năm 2010.

Trường ĐH Nha Trang có đào tạo một số ngành về thủy sản, cung cấp nguồn nhân lực cho ngư nghiệp như chế biến, nuôi trồng, khai thác thủy sản… Trong mỗi đợt tuyển sinh, điểm chuẩn cho những ngành này đều có sự "ưu ái" với mức điểm thấp hơn 2 điểm so với các ngành khác.

Con em nông dân, ngư dân đang theo học ở trường được giảm 20% học phí. Ngoài ra, các sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn còn được bố trí miễn phí chỗ ở. Mặc dù các em ra trường đều có việc làm ngay, nhu cầu rất lớn, nhưng do tâm lý các em sợ khổ, sợ vất vả nên hầu như chỉ có các em ở nông thôn đăng ký vào học.

Ông Nguyễn Minh Hiếu - Hiệu trưởng Trường ĐH Nông - Lâm Huế: Nhiều cơ hội du học

img

Thí sinh thi vào khối ngành này thường có 3 cái "sợ": Sợ ra trường khó kiếm việc làm; sợ công việc khổ sở phải gắn liền với đồng ruộng; sợ ngành học lỗi thời, lạc hậu… Nhận thức như vậy là chưa đúng.

Thực tế đã chứng minh, mỗi năm Trường ĐH Nông - Lâm Huế tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu và cũng chừng ấy sinh viên ra trường, các em đều có công ăn việc làm ổn định chỉ sau 1 năm.

Hàng năm, các nông trường, các trạm, viện nghiên cứu, các đối tác nước ngoài… quan tâm đến phát triển nông thôn đều liên hệ với nhà trường để tuyển sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp.

Ngoài ra, đối với các em sinh viên khi đang học tại trường có thành tích học tập tốt sẽ được cử đi đào tạo ở nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc… Em nào có trình độ tiếng Anh khá sẽ được cử sang các nước châu Âu để học tập, nghiên cứu theo chương trình hợp tác song phương.

Ông Nguyễn Tấn Vui - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên: Dễ có học bổng

Ở những ngành học khác tại Trường ĐH Tây Nguyên, sinh viên muốn đạt học bổng khuyến khích phải đạt học lực giỏi, riêng sinh viên khối ngành nông -lâm- ngư chỉ cần học lực khá là có thể có học bổng. Ngoài ra, mức học phí cho sinh viên nhóm ngành này cũng được ưu ái hơn các nhóm ngành còn lại.

Hàng năm, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, nông thôn thường xuyên có học bổng hỗ trợ khuyến khích sinh viên khối nông-lâm-ngư của trường. Bên cạnh đó, điểm đầu vào các khoa này thường rất "dễ thở". Cụ thể, năm 2010 điểm trúng tuyển các khối ngành này chỉ từ 13 - 17 điểm. Vì vậy, thí sinh không nên ngần ngại đăng ký vào khối ngành vừa dễ trúng tuyển, lại có nhiều cơ hội học tập và công việc như nông -lâm -ngư. Đây thực sự không phải là khối ngành yếu thế.

Ông Dương Anh Tuyên - TTK Chương trình Phát triển nguồn nhân lực nông thôn VN Nhu cầu nhân lực lớn

Ngành nông - lâm - ngư không hề là một ngành yếu thế, bởi lẽ hiện nay, nhu cầu nhân lực của ngành này là rất lớn và có tính ổn định cao.

Theo thống kê mới nhất từ Bộ GDĐT về nhu cầu đào tạo các ngành (trình độ công nhân kỹ thuật đến đại học) từ nay đến 2020 như sau: Lâm nghiệp 8.000 - 10.000 người/năm, thủy lợi 7.000 - 9.000 người/năm, thủy sản 8.000 - 8.500 người/năm, nông nghiệp 58.000 - 60.000 người/năm.

Ngoài ra, khi có kiến thức và được đào tạo bài bản, việc làm giàu từ ngành này sẽ không khó. Thực tế, nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú nhờ trang trại, nhờ đất, nhờ rừng…

Theo tôi, vấn đề nằm trong nhận thức của các em, cần phải tạo cho các em có được sự yêu nghề, mong muốn gắn bó và phục vụ nông nghiệp. Để làm được điều đó, nhà trường nên đưa nhiều mô hình làm giàu hiệu quả từ nông nghiệp vào chương trình giảng dạy để chứng minh cho các em thấy ngành nông nghiệp rất có tương lai.

Ông Huỳnh Thanh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông - Lâm TP.HCM: Sẽ có nhiều hỗ trợ

img

ĐH Nông- Lâm TP.HCM hiện có 52 ngành và chuyên ngành đào tạo, trong đó có 13 ngành liên quan đến nông nghiệp truyền thống như: Cơ khí nông, lâm, chế biến nông sản thực phẩm, phát triển nông thôn… các ngành này đều được ưu tiên về mức học phí, chỉ ở khoảng 290.000 đồng/tháng, trong khi các ngành khác dao động từ 340.000-360.000đồng/tháng.

Chúng tôi còn cố gắng dành các suất học bổng của các tổ chức cho sinh viên các ngành này. Một số tập đoàn trong nước như Tập đoàn Điện Bàn, Tập đoàn Gỗ Trường Thành… hàng năm đều dành khoảng 100 triệu đồng để hỗ trợ học bổng cho sinh viên chuyên ngành nông, lâm.

Ước tính mỗi năm trường huy động hơn 2 tỷ đồng từ các tổ chức, các tổng công ty hỗ trợ sinh viên theo học các khối ngành nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem