Khởi đầu gian nan
Quyết định về nước sau khi tốt nghiệp thạc sĩ kép chuyên ngành tài chính và quản trị kinh doanh tại Australia, anh Trần Thái Dương đã bỏ qua những lời mời gọi làm việc hấp dẫn để dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp đầy thách thức và rủi ro là làm dự án rau sạch. Công ty cổ phần Skyfarm được anh Dương thành lập tháng 4.2012, với Gotula là thương hiệu độc quyền, được đăng ký bản quyền cho các sản phẩm rau an toàn đạt chuẩn GlobalGAP (chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu).
Cà chua là sản phẩm chủ lực của trang trại Gotula. Ảnh: I.T
“Người Việt thường có tư duy rau, củ là các sản phẩm cấp thấp, giá rẻ khi so sánh với các sản phẩm như thịt, cá nhưng chúng tôi sẽ chứng minh điều ngược lại: Để có một sản phẩm rau an toàn và tươi ngon rất kỳ công, tiêu tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc, chưa kể sản xuất rau chịu nhiều rủi ro hơn so với chăn nuôi”.
Anh Trần Thái Dương
|
“Chúng tôi muốn tạo ra sản phẩm nông nghiệp thực sự đẳng cấp, chất lượng cao, tươi, ngon và tuyệt đối an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng để làm được như vậy, chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn, từ địa điểm khu đất lý tưởng để thực hiện dự án cho tới thiên tai, thời tiết diễn biến thất thường…” – anh Dương chia sẻ.
Anh Trần Thái Dương đã lặn lội đi khắp các tỉnh thành phía Bắc để tìm địa điểm lập trang trại. Theo anh Dương, mảnh đất ấy phải cách xa những khu công nghiệp hiện đại để đảm bảo nguồn đất, nguồn nước hoàn toàn tinh khiết, không nhiễm dư lượng hoá chất độc hại. Đến nơi nào, sáng lập viên của Skyfarm cũng tỉ mẩn đem mẫu nước, mẫu đất về phòng thí nghiệm, đặt thiết bị đo ánh sáng độ ẩm, do sức gió, lấy dữ liệu của trạm quan trắc địa phương về nghiên cứu kỹ.
Cơ duyên đã giúp anh tìm thấy khu đất hoang sơ, nằm lọt thỏm trong thung lũng ở xã Cao Răm, huyện Lương Sơn (Hoà Bình). “Đoạn đường từ Hà Nội tới nông trại chỉ mất chừng 60km, nhưng 3km lối đi lại rất cực nhọc, phải lội qua 9 con suối, vượt qua 2 chiếc cầu. Chưa kể, hồi đầu mới về, nơi đây không có sóng điện thoại, không nước sạch, không internet. Chúng tôi phải tự bỏ tiền ra kéo điện, khoan giếng, đưa máy cày, máy xúc để đào hồ điều hoà, cải tạo lại đường sá. Sau một năm, khu sản xuất mới dần hiện ra hình hài. Tổng chi phí đầu tư cho khu sản xuất trang trại Gotula đã lên tới 1 triệu USD” – anh Dương cho hay.
Tối ưu công nghệ
Sơ chế cà chua. Ảnh: I.T
Thời điểm hoàn thiện trang trại, toàn thể đội ngũ nhân viên bắt tay vào canh tác, hơn 3 tháng sau mới có những sản phẩm đầu tiên, nhưng qua hai đợt bán hàng ban đầu, anh Dương quyết định ngừng lại, chấp nhận bỏ đi toàn bộ công sức và chi phí vì chưa hài lòng với chất lượng sản phẩm.
Anh cho rằng người tiêu dùng Việt hoàn toàn xứng đáng được sử dụng những sản phẩm cao cấp do người Việt làm ra và hoàn toàn có quyền được biết toàn bộ thông tin liên quan đến nguồn gốc sản phẩm. Chính vậy, Gotula đã đầu tư hệ thống quản lý dữ liệu hiện đại để ghi chép nhật ký canh tác chuyên sâu, được cập nhập hàng ngày bởi các cán bộ kỹ thuật canh tác tại trang trại. Mỗi sản phẩm lại mang một mã truy vết riêng, tuỳ theo vị trí canh tác, dù có thể cùng ngày thu hoạch. Và khách hàng có thể dễ dàng truy cập để kiểm tra nguồn gốc sản phẩm trực tuyến thông qua mã truy vết chuyên biệt.
Hiện, Gotula là trang trại duy nhất ở miền Bắc, sở hữu chứng nhận GlobalGAP là tiêu chuẩn cao nhất về rau an toàn, được chấp nhận rộng rãi hiện nay trên toàn thế giới, đặc biệt là thị trường các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. “Nhà sản xuất đạt chứng chỉ Global GAP không những cần đảm bảo những yêu cầu sản xuất ra sản phẩm sạch, mà còn phải quan tâm đến sự phát triển bền vững, quan tâm tới yếu tố môi trường và con người. Mọi nhân tố liên quan đến quá trình sản xuất từ nguồn hạt giống, cơ sở hạ tầng, nguồn đất, nguồn nước, phân bón… đến sản lượng, sơ chế, chất liệu đóng gói đều phải được kiểm tra và giám sát nghiêm ngặt qua một bên thứ 3, để đảm bảo chất lượng sản phẩm và không có hàng nguồn gốc khác trà trộn vào. Với đội ngũ nhân công, chúng tôi cũng ưu tiên với người dân địa phương và phụ nữ. Từ những người vẫn sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, chúng tôi đã đào tạo họ thành những nông dân lành nghề, sản xuất theo công nghệ cao” – anh Dương chia sẻ.
Hiện, Gotula đã hợp tác với những đối tác phân phối chiến lược như Aeon, Orfarm, L’s place… và sản phẩm Gotula đang được bán rộng rãi hơn 30 điểm phân phối trên địa bàn Hà Nội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.