Khôi phục, phát triển giống vịt Cổ Lũng

Thứ hai, ngày 18/02/2013 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vịt cổ rụt, chân nhỏ, lùn, cổ và đầu có lông khoang, con trống lông cổ màu xanh biếc, ít dịch bệnh tốt, ăn ngon, nuôi 4 - 5 tháng có thể đạt 1,6 - 2kg, đó là những đặc điểm nổi trội của giống vịt Cổ Lũng (Bá Thước, Thanh Hóa).
Bình luận 0

Ông Trương Tiến Đàm - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bá Thước cho biết, đây là giống vịt bản địa đã có hơn trăm năm nay, vịt chủ yếu tập trung ở 5 xã như: Cổ Lũng, Lũng Niêm, Lũng Cao, Thành Lâm và Thành Sơn. Nhưng vịt được nuôi nhiều và có chất lượng thịt ngon nhất là ở xã Cổ Lũng và Lũng Niêm.

Theo ông Đàm, vịt Cổ Lũng có đặc điểm là cổ rụt, chân nhỏ, lùn, có khả năng kháng bệnh rất tốt, xương nhỏ, thịt nhiều nạc, thơm ngon. "Sở dĩ vịt có chất lượng thịt tốt vì chúng được thả trên các khe suối để kiếm ăn, nguồn nước sạch chảy từ núi đá ra nên rất nhiều canxi, điều kiện khí hậu mát mẻ"- ông Đàm cho biết thêm.

img
Anh Lò Minh Thuận thôn Lặn Ngoài, xã Cổ Lũng đang chăm sóc đàn vịt Cổ Lũng quý hiếm.

Vịt Cổ Lũng nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu đẻ, trọng lượng tầm 3-4 tháng tuổi đạt 1,6-1,7kg. Hiện vịt có giá từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, nhưng số lượng đàn vịt trên địa bàn chỉ còn khoảng 600 con. Anh Lò Minh Thuận, thôn Lặn Ngoài, xã Cổ Lũng cho biết: "Gia đình tôi đã nuôi vịt hàng chục năm nay, sáng mình thả vịt ra suối để nó tự kiếm ăn, tối về cho ăn thêm ngô, lúa, sắn, nên thịt rất chắc, thơm ngon".

Dù có nhiều ưu điểm tốt, song vịt Cổ Lũng hiện đang bị lai tạp với nhiều giống vịt khác. Do đó, để khôi phục và phát triển giống vịt quý này, UBND huyện Bá Thước và Sở KHCN Thanh Hóa đã triển khai Dự án "Phục hồi và phát triển giống vịt Cổ Lũng" từ tháng 7.2011 đến 12.2014. Dự án được chia thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, từ năm 2011 đến hết năm 2012, sẽ xây dựng 3 mô hình, khoảng 30 hộ tham gia nuôi vịt bố mẹ và 30 hộ nuôi vịt thương phẩm tại xã Cổ Lũng và Lũng Niêm, với khoảng 50 con/hộ. Mô hình nhằm chọn lựa ra giống vịt bố mẹ tốt nhất để khôi phục lại giống vịt Cổ Lũng. Giai đoạn 2, từ cuối năm 2012 đến hết năm 2014 sẽ nhân rộng mô hình, hình thành các nhóm cùng sở thích, tổ hợp tác vừa chăn nuôi vịt thương phẩm, vừa lựa chọn giống.

Ông Lò Văn Xuân - Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết: "Từ sự thành công của mô hình, chúng tôi đang nhân rộng ra nhiều hộ trong xã, đồng thời tập trung nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học vừa bảo tồn, vừa phát triển. Về đầu ra, hiện cung vẫn chưa đủ cầu, nhưng về lâu dài chúng tôi sẽ liên kết với các thương lái, nhà hàng trên địa bàn và các huyện lân cận để tiêu thụ, từng bước giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo".

Trong khi đó, ông Trương Tiến Đàm cho biết thêm, theo kế hoạch, giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư thêm một máy ấp trứng, công suất 2.000 quả/ngày. Đồng thời tiếp tục làm điểm 3 hộ nuôi vịt bố mẹ sinh sản với số lượng 100 vịt trống/500 vịt máy/hộ và 3 hộ nuôi vịt thịt với số lượng 1.000 con/hộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem