Hơn 110.000ha cây trồng bị thiệt hại
Theo ông Lê Quốc Doanh - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), báo cáo sơ bộ của các địa phương cho biết, sau cơn bão số 8 có 26.216ha diện tích lúa mùa bị thiệt hại từ 30- 70%, trong đó có hơn 8.000ha lúa phản ứng ánh sáng (lúa còn xanh) và gần 18.200ha lúa đến thời kỳ thu hoạch, nhưng chưa kịp thu hoạch…
|
Thiệt hại do bão số 8 gây ra rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp (ảnh chụp tại huyện Tứ Kỳ, Hải Dương). |
Đối với diện tích cây vụ đông, có tổng 84.605ha bị thiệt hại, trong đó có gần 29.000ha diện tích bị thiệt hại từ 30- 70% và hơn 55.700ha bị thiệt hại trên 70%. Diện tích bị thiệt hại chủ yếu là cây vụ đông ưa ấm gieo trồng sớm (được 30- 45 ngày tuổi) như: Ngô, lạc, đậu tương, nhóm rau ăn củ, ăn quả họ bầu bí, họ cà, họ hành tỏi…
Ông Nguyễn Quang Đồng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết: "Thiệt hại do bão số 8 đối với địa phương ước tính khoảng 805 tỷ đồng, trong đó trồng trọt là hơn 700 tỷ đồng. Riêng đối với cây vụ đông, theo ông Đồng thiệt hại gần 10.000ha (trong tổng diện tích gần 20.000ha), đặc biệt, diện tích cây rau màu có giá trị cao như bí, dưa hấu, ớt… gần như mất trắng, không có khả năng phục hồi. Còn ông Dương Đức Tùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Phòng cho biết: Nông nghiệp của Hải Phòng bị thiệt hại nặng nhất với hơn 770 tỷ đồng. Cụ thể, có hơn 300ha ớt bị bão quật ngã không thể khôi phục lại.
Bà Nguyễn Thị Vang- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho rằng: "Hiện nay, các công ty trên địa bàn đã không còn giống khoai tây để phục vụ sản xuất với khung thời vụ hiện nay chỉ có thể trồng các loại cây ăn lá ngắn ngày". Bà Vang cũng đề nghị Bộ NNPTNT, Chính phủ hỗ trợ địa phương 3 tấn hạt rau ăn lá.
Cần hỗ trợ khẩn cấp
Tại Ninh Bình, thiệt hại ban đầu của tỉnh ước tính 270 tỷ đồng, riêng vụ đông đã có hơn 9.200ha bị ảnh hưởng (trong tổng số 10.600ha), trong đó thiệt hại nặng hơn 5.000ha. Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình Trần Đình Toàn cho biết: "Việc đánh giá thiệt hại và hỗ trợ nên tiến hành cẩn trọng và tránh gây xáo trộn nông thôn do chính sách hỗ trợ. Trước mắt, T.Ư hỗ trợ khẩn cấp giống ngô và các loại hạt giống rau ngắn ngày”.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng cho biết: “Bộ sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ cấp xuất các giống rau từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ gấp cho các địa phương thiệt hại trong tuần tới. Bộ cũng sẽ kiến nghị Chính phủ xuất cấp giống ngô từ nguồn dự trữ cho các địa phương”.
Còn ông Mai Bá Luyến - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Thanh Hóa cho biết: "Trong điều kiện như hiện nay, việc khôi phục vụ đông cực kỳ khó khăn, các chính sách hỗ trợ cần kịp thời”. Theo ông Luyến diện tích rau màu ven biển của Thanh Hóa bị thiệt hại nhiều, không thể khôi phục. Riêng trồng trọt thiệt hại ước tính hơn 100 tỷ đồng (trong tổng thiệt hại hơn 200 tỷ).
Về chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp, ông Bùi Xuân Trình - Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, nên rà soát cẩn trọng công tác hỗ trợ. Các chính sách hỗ trợ của địa phương cần tuân thủ theo Quyết định 1442 của Thủ tướng Chính phủ. Về hạt giống, ông Trình cho rằng nên hỗ trợ bằng tiền để dân tự mua hơn là hạt giống. Trước mắt, các địa phương cần chủ động trích tạm ứng kinh phí nhanh chóng khắc phục hậu quả cho dân trước khi T.Ư rà soát lại.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.