Chủ tịch có thể nói rõ hơn về nguy cơ đối với nông dân được đề cập trong tham luận, đó là “không ít bộ, ngành và địa phương còn coi nông dân, nông nghiệp là "sân sau” của công nghiệp, doanh nghiệp”?
Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường.
- Đúng là vẫn còn hiện tượng một số người, DN còn lợi dụng nông nghiệp để làm ăn, lợi dụng việc trợ giúp nông nghiệp để làm ăn. Tôi lấy ví dụ cụ thể như trợ giá hoặc mua tạm trữ lúa gạo, nông dân không được gì cả. Doanh nghiệp ở giữa ăn hết. Chính sách ban đầu thì tốt, mục đích là muốn giúp nông dân được lãi 30%. Khi nông dân được mùa rớt giá thì Nhà nước mua tạm trữ lúa gạo, nhưng tất cả cái lợi nhuận đó lại vào doanh nghiệp hết. Thực tế đã chứng minh rất rõ.
Thực tế vậy nhưng tại sao chính sách vẫn tồn tại và kéo dài từ năm này qua năm khác, thưa Chủ tịch?
- Cái đó thì phải hỏi người ra chính sách. Còn chúng tôi cũng đã kiến nghị nhiều năm nay rồi nhưng vẫn chưa được. Chúng tôi sang nhiều nước, thấy để giải quyết vấn đề được mùa rớt giá, họ có giải pháp rất cổ điển nhưng rất hiệu quả, đó là sử dụng các thiết bị lưu giữ, chúng ta vẫn nói là công nghệ bảo quản sau thu hoạch. Nói nôm na là “đắt bán chơi, rẻ để đấy”. Nhưng chúng ta chưa làm được điều này.
Trong tham luận, Chủ tịch có nói tới thực trạng nông dân chỉ muốn ly nông, ly hương. Căn nguyên của vấn đề đó là do đâu?
- Cơ bản chúng ta ở đây đều là con em nông dân. Tại sao bây giờ người nông dân lại muốn từ bỏ cội nguồn của mình? Vì nông dân khổ quá! Nông dân yếu thế quá. Vì vậy, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước là rất lớn trong việc đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho người nông dân. Chúng tôi đặt ra vấn đề này, như một tiếng chuông cảnh báo để Đảng nhìn thấy rõ hơn.
Chính vì giải quyết vấn đề đó mà Hội Nông dân đã đề ra nhiệm vụ xây dựng hình mẫu người nông dân kiểu mới?
- Đúng vậy. Làm gì có chuyện nông thôn mới được duy trì bởi người nông dân cũ? Tôi đề xuất người nông dân kiểu mới phải có 5 đặc trưng mới là: Nhận thức mới; kiến thức mới; ý thức mới; văn hóa mới và quyết tâm mới. 5 cái mới đó sẽ giúp nông dân có đời sống cao, thu nhập cao, mới có sức để giữ và phát triển nông thôn mới, nhờ vậy mới có sức tiếp cận với công nghệ tiên tiến hiện đại, phát triển của thế giới.
Trong 5 nhiệm vụ trên, theo Chủ tịch nhiệm vụ nào là khó khăn nhất?
- Theo tôi, quan trọng nhất và đột phá nhất là kiến thức mới. Phải dạy cho nông dân, đào tạo cho nông dân, làm gì cũng phải có kiến thức, có đào tạo mới thành công được. Nuôi vài ba con gà, con lợn thì không cần học cũng được, nhưng nuôi cả vài trăm, vài nghìn con mà không có kiến thức thì không thể làm được. Có kiến thức sẽ hỗ trợ cho nhận thức. Kiến thức mới thì văn hóa cũng sẽ mới.
Tuy vậy, cái này mới là đề xuất. Nếu thông qua, Đảng và Nhà nước phải chỉ đạo tập trung thành chuyên đề có tiêu chí cụ thể, có lộ trình mục tiêu để lãnh đạo thực hiện. Đây là chuyện rất lớn, bởi nông dân chiếm gần 70% dân số. Cải biến nông dân chính là cải biến xã hội Việt Nam.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.