Nghị lực phi thường của cô giáo khiếm thị dạy giỏi tiếng Anh, có 2 bằng đại học

Tập Thỏa Chủ nhật, ngày 21/11/2021 06:01 AM (GMT+7)
Không thấy ánh sáng từ khi mới sinh ra, bằng nghị lực phi thường, Phạm Thị Nhân vẫn sở hữu 2 bằng đại học và trở thành giáo viên dạy giỏi tiếng Anh.
Bình luận 0

Số phận trớ trêu

Biết mình thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa, Phạm Thị Nhân (SN 1995, trú tại thôn Nội Trung, xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đã quyết tâm vượt lên chính mình, đạt được nhiều thành tích đáng nể, khiến nhiều người thán phục.

Ngay từ khi mới lọt lòng, Phạm Thị Nhân bị khiếm thị bẩm sinh, gia đình đưa Nhân chữa trị khắp nơi, nhưng bố mẹ đành gạt nước mắt đưa con về nhà.

Hà Tĩnh: Khâm phục cô giáo khiếm thị “sở hữu” 2 bằng Đại học - Ảnh 1.

Cô giáo khiếm thị Phạm Thị Nhân. Ảnh: LT

Lên 6 tuổi, Phạm Thị Nhân được tham gia lớp học chữ nổi (chữ Braille) do Hội Người mù Hà Tĩnh tổ chức.

Nhân nhớ lại: "Bị khiếm thị bẩm sinh nhưng đến 4 tuổi em mới nhận ra mình khác biệt với bạn bè. Các bạn xa lánh, không muốn chơi cùng, trêu chọc, em phải sống thu mình lại. Em khóc rất nhiều, nhưng được sự quan tâm động viên bố mẹ, người thân, dần dần em lấy lại sự tự tin, thấy yêu đời hơn".

Lên 7 tuổi, Nhân rời khỏi vòng tay yêu thương bố mẹ vào Mái ấm tình thương ở TP.HCM. Tại đây, Nhân được học văn hóa, kỹ năng sống và nghệ thuật. Ngoài ra, các thầy cô ở Mái ấm tình thương TP.HCM dạy cho Nhân làm các đồ thủ công như: sen đá, hoa giấy, tranh... để kiếm thêm thu nhập.

Hà Tĩnh: Khâm phục cô giáo khiếm thị “sở hữu” 2 bằng Đại học - Ảnh 2.

Bà Đào Thị Hồng - mẹ Nhân và con gái. Ảnh: LT

"Từ chương trình học phổ thông cho đến bậc đại học, em đều học cùng các bạn bình thường. Cũng có nhiều lúc em muốn từ bỏ việc học vì tiếp nhận kiến thức gặp nhiều khó khăn. Nhưng nghĩ về mẹ, gia đình, em quyết tâm vượt qua.

Lên lớp 5, nhờ sự chịu khó, chăm học, vốn từ vựng khá, cấu trúc ngữ pháp chắc, em đã giao tiếp được với người nước ngoài, niềm đam mê tiếng Anh với em càng cháy bỏng. Để bổ trợ về ngôn ngữ, em thường học thêm phát âm và ngữ pháp ở Google hoặc Youtube thông qua công cụ tìm kiếm bằng giọng nói. Thời gian đầu chưa quen, cũng nhiều bất tiện, nhưng sau này các ứng dụng đã giúp em rất nhiều trong học tập", Nhân bật mí.

Thành tích đáng nể

Học hết trung học phổ thông, Phạm Thị Nhân đăng ký vào chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ý chí, quyết tâm và nghị lực phi thường đã giúp Nhân không ngừng vươn lên trong học tập. Năm 2020, Nhân tốt nghiệp với 2 tấm bằng đại học, Nhân được nhận vào giảng dạy tại Trung tâm Anh ngữ Kim Nhung (quận Bình Thạnh, TP.HCM).

Hà Tĩnh: Khâm phục cô giáo khiếm thị “sở hữu” 2 bằng Đại học - Ảnh 3.

Phạm Thị Nhân bị khiếm thị bẩm sinh nhưng đã làm được những việc mà người thân, hàng xóm phải thán phục. Ảnh: LT

Cô giáo Phạm Thị Nhân chia sẻ: "Năm đầu của đại học, em đi dạy thêm, việc truyền đạt kiến thức đến học sinh không còn trở ngại. Hàng ngày em soạn giáo án bằng chữ nổi sau đó nhờ trợ giảng chuyển thành giáo án Powerpoint để học sinh dễ tiếp thu kiến thức.

Giờ lên lớp, em giảng dạy theo kiến thức đã soạn, trợ giảng bấm slide theo lời nói của em. Mức lương mà Trung tâm trả cho em là 5-6 triệu/tháng, khoản tiền đó cũng đủ chi phí cuộc sống".

"Em thiệt thòi nhiều thứ nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người khác. Có những thứ nhìn được chưa chắc đã tốt, mà nên cảm nhận bằng tâm, bằng tấm lòng của chính mình", cô giáo Nhân giãi bày.

Bà Đào Thị Hồng (SN 1970), mẹ của Nhân chia sẻ: "Mới sinh ra, Nhân đã có nhiều điều bất thường so với những đứa trẻ khác. Người thân đưa đồ chơi, hoặc những thứ nhiều màu sắc cũng không thấy con phản ứng gì, lúc đó cứ nghĩ con không thích chơi nhưng nào phải.

Lên 7 tháng tuổi, tôi mới biết được Nhân bị khiếm thị bẩm sinh. Gia đình đã đưa Nhân chữa nhiều bệnh viện nhưng không có hiệu quả. Nhiều đêm tôi khóc, thương con, có lúc còn nghĩ quẩn không muốn sống.

Mặc dù khiếm thị bẩm sinh, gia đình hoàn cảnh, nhưng Nhân rất kiên cường, ý chí, vượt qua mặc cảm để cố gắng học tập tốt. Hiện tại với những gì mà con đã làm được, gia đình tôi rất tự hào", bà Hồng xúc động nói.

Nói về dự định trong tương lai, Phạm Thị Nhân cho biết: "Em không muốn phụ thuộc, trở thành gánh nặng của ai. Dù có vấp ngã thì em vẫn đứng dậy để đi tiếp. Em đang cố gắng để mở một lớp dạy tiếng Anh hoặc cơ sở trị liệu ở quê để được gần gia đình".

Trao đổi với PV Dân Việt, bà Phạm Thị Thùy - Phó Chủ tịch Hội Người mù Hà Tĩnh chia sẻ: "Lúc 6 tuổi, Phạm Thị Nhân đã được nhận vào Hội Người mù Hà Tĩnh để học chữ nổi. Với tinh thần ham học hỏi, chăm chỉ nên sau 6 tháng học ở Hội em đã có thành tích rất tốt. Hội Người mù Hà Tĩnh đã liên hệ gửi em vào Mái ấm Huynh Đệ Như Nghĩa ở TP.HCM để được học tập và rèn luyện bản thân được tốt hơn".

"Mặc dù gia đình ở nông thôn kinh tế khó khăn, lại bị khiếm thị nhưng bằng sự nỗ lực, lạc quan em Phạm Thị Nhân đã đạt được nhiều thành tích đáng khâm phục. Em không chỉ là tấm gương truyền cảm hứng học tập, tinh thần tích cực cho người đồng cảnh ngộ mà nhiều bình thường cũng nể phục em", bà Phạm Thị Thùy nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem