Nhạc sĩ Phạm Tuyên cám ơn các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ Huế đã luôn đồng hành, giúp đỡ gia đình trong những việc hiếu sự. Phía sau là bức tượng Phạm Quỳnh.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên cám ơn các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ Huế đã luôn đồng hành, giúp đỡ gia đình trong những việc hiếu sự. Phía sau là bức tượng Phạm Quỳnh.
Ngày 28/5/2016, Hội đồng Họ Phạm Việt Nam và gia đình tiến hành nghi lễ Tạ thổ mộ và lễ khánh thành tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Đông đảo giới trí thức, văn nghệ sĩ, và thân hữu của gia đình ở Huế lại đến chia vui cùng nhạc sĩ Phạm Tuyên. Lần này có thêm một nhân vật khá đặc biệt là PGS-NGƯT, họa sĩ Vĩnh Phối, người hiện đang giữ Từ đường Thượng thư Nguyễn Đình Hòe, người sáng lập chùa Vạn Phước hồi đầu thế kỷ XX.
Năm 1973, họa sĩ Vĩnh Phối là Chủ tịch Ủy ban dựng tượng danh nhân, mà bức đầu tiên là tượng cụ Phan Bội Châu, nay được dựng ở công viên đầu cầu Trường Tiền. Trong bài phát biểu, ông Chủ tịch Hội đồng Họ Phạm Thừa Thiên Huế điểm lại những bức tượng đã được dựng ở Huế theo phương thức xã hội hóa gồm có tượng các danh nhân Phan Bội Châu (2 bức), Đặng Huy Trứ (2 bức); tượng bốn vị danh tướng: Phạm Tu, Đặng Tất, Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thuyết. Và lần này là tượng nhà văn hóa Phạm Quỳnh.
Tại lễ khánh thành nhà nghiên cứu Phan Thuận An chia sẻ: Việc khánh thành bức tượng này là một tín hiệu đáng mừng. Có một điều đáng mừng hơn nữa là tượng đài nhà văn hóa Phạm Quỳnh đã được dựng ngay trong lòng người Việt từ lâu về trước, nhất là từ khi Cụ nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn”. Lời văn nổi tiếng này đã được con cháu khắc ghi rất rõ như một câu đối có giá trị bất hủ ở hai trụ cổng và bên trong khuôn viên ngôi mộ của cụ.
Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, con cháu đã có ý định đưa cụ Thượng Chi về quê nhà. Thế nhưng, một số văn nghệ sĩ, trí thức là thân hữu của giáo sư Phạm Khuê và nhạc sĩ Phạm Tuyên đề nghị nên bảo tồn nguyên trạng phần mộ của cụ Thượng Chi ở nơi này. Bởi vì cuộc đời hoạt động chính trị - văn hóa và số phận của cụ Phạm gắn liền với những năm tháng cuối cùng của triều đình Huế. Cụ Thượng Chi không chỉ là nhà văn hóa mà còn là một chứng nhân lịch sử của Huế.
Nhà văn hóa Phạm Quỳnh quê ở Hải Dương, mất ở Huế tháng 9/1945, ở làng Hiền Sĩ, huyện Phong Điền. Hơn mười năm sau, như là một sự ngẫu nhiên của định mệnh, cụ được cải táng về chùa Vạn Phước, ngôi chùa có nhiều gắn bó và lưu giữ nhiều kỷ vật của ba cụ Thượng thư triều Nguyễn: cụ Nguyễn Đình Hòe, cụ Phạm Liệu, cụ Thượng Chi Phạm Quỳnh.
Tháng 9/2015 lễ giỗ lần thứ 70 của cụ Phạm được tổ chức tại Huế và tại Hà Nội. Trước ngày chính giỗ ở Từ đường (hiện nay là tư gia của nhạc sĩ Phạm Tuyên), các nhà sư ở Tổ đình Vạn Phước đã làm lễ cầu siêu, giải oan bạt độ cho cụ Phạm. Hội đồng Họ Phạm Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tại mộ phần. Ngoài ra, có khá nhiều vị trí thức, văn nghệ sĩ: ông Chủ bút kiêm Chủ nhiệm Tạp chí Xưa-Nay - nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo, Phó Tổng biên tập báo Thừa Thiên Huế... Giám đốc NXB Thuận Hóa; nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà nghiên cứu (NNC) Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; nhà văn Nguyễn Khắc Phê, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương, nhà văn Hà Khánh Linh, NNC Nguyễn Đắc Xuân, NNC Phan Thuận An, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.v.v...
Một số vị đã có bài phát biểu cảm tưởng, lời kính cáo cụ Phạm Thượng Chi. NGƯT Thân Trọng Ninh tỏ lòng biết ơn sâu sắc cụ Phạm Quỳnh đã viết về cụ Nội của mình là Thượng thư Thân Trọng Huề trên Tạp chí Nam Phong số 96/1925. NNC Nguyễn Xuân Hoa bày tỏ: Lúc sinh thời, tiên sinh nổi tiếng là người cẩn trọng, cả trong lời nói, câu văn, trong sinh hoạt, ứng xử. Là kẻ hậu sinh, thật tình chúng tôi không dám nói lời vọng ngôn trước hương linh của Phạm Tiên sinh. Tiên sinh nổi danh là bậc thức giả đông tây kim cổ. người có Tây học vững chắc, nhưng rất nặng lòng với dân tộc, với “quốc túy”, “quốc văn”, lại phải sống trong một thời đầy những biến động phong ba bão tố.
Nặng lòng với dân tộc lắm cụ mới mạnh mẽ nói trước Nghị viện Pháp: “Dân tộc Việt Nam chúng tôi không thể ví như một tờ giấy trắng được đâu. Chúng tôi là một cuốn sách đầy rẫy những chữ viết bằng thứ mực không phai đã hằng mấy mươi thế kỷ nay”. Có lẽ cũng do nặng lòng với dân tộc lắm mà tiên sinh đã hết lời ngợi khen cảnh sắc Huế trong 10 ngày du khảo, mới nhận lời về Huế với ý tưởng những mong giúp Nam triều canh tân đất nước, thu hồi chủ quyền, mới ở lại biệt thự Hoa Đường để sống với chốn thần kinh non nước hữu tình. Nhưng cuộc đời trớ trêu lại giữ luôn thân xác của tiên sinh trên đất Huế.
Cũng nhận mình là kẻ hậu học, kính cáo hương linh cụ Phạm NNC Phan Thuận An viết: Cụ đã phải ra đi ở tuổi 53, giữa lúc thể lực còn tráng kiện, tinh thần còn minh mẫn, ở tuổi “tri thiên mệnh”, ở thời điểm sung sức nhất trong cuộc đời. Tuy nhiên, những chân giá trị trong các công trình văn chương và học thuật của Cụ thì người đời không ai có thể giết chết được, mà ngược lại, sẽ làm cho thanh danh của Cụ sống mãi với thời gian.
Riêng nỗ lực tự học của Cụ trong tuổi thanh xuân đã là một tấm gương sáng ngời cho hậu thế. Chỉ nội trong năm 1917, ở lứa tuổi 25, Cụ đã đứng ra làm Chủ bút Tạp chí Nam Phong và thành lập Hội Khai trí Tiến đức. Hoạt động tích cực không biết mệt mỏi của Cụ tại hai cơ sở văn hóa nổi tiếng này, ngoài những thành tựu về các phương diện khác, còn làm cho chữ quốc ngữ tiến được những bước dài và quan trọng... Di thể của Cụ đang an nghỉ dưới nấm mộ này, nhưng phương danh của Cụ đã vang xa trên thế giới...
Bày tỏ tấm lòng của mình với lão tiền bối, các nhà báo Hoàng Phước, Phạm Hữu Thanh Tùng, Thuỷ Trường đã kịp hoàn thành công việc in ấn và tổ chức ra mắt cuốn sách “Phạm Quỳnh - Những góc nhìn từ Huế”. Sách do NXB Thuận Hóa ấn hành.Tên sách được lấy từ một bài viết đã in trên Tiền phong Chủ nhật.
Tác phẩm được hình thành từ những bài viết đã in trên các báo in, báo điện tử, một số tham luận trong buổi ra mắt cuốn “Phạm Quỳnh - một góc nhìn”, tập 2, do Tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan, một nhà nghiên cứu người Huế, sinh sống ở Hà Nội, tổ chức bản thảo, NXB Công an nhân dân ấn hành. Buổi ra mắt và giới thiệu cuốn sách này do Thường trực Hội đồng Họ Phạm Thừa Thiên Huế tổ chức (tại Huế) vào tháng 8/2012.
“Phạm Quỳnh - Những góc nhìn từ Huế” do NXB Thuận Hoá ấn hành. Cuốn sách tiếp tục đưa ra những góc nhìn khác nhau, những góc nhìn mới, và cởi mở, nhằm tiếp tục nhận diện lại chân dung nhân vật lịch sử Phạm Quỳnh một cách trung thực; góp phần thẩm thấu hơn nữa những giá trị văn hoá thuộc về học giả đa tài Phạm Quỳnh và những góc khuất lịch sử cần được làm sáng tỏ.
Sau lễ giỗ lần ấy con cháu đồng thuận trùng tu lại khu mộ và dựng tượng cụ Phạm, xây dựng nơi dây thành một địa chỉ văn hóa. Lễ khởi công được tổ chức ngay sau ngày khai mạc Festival Huế 2016. Công trình hoàn thành trước lễ Phật đản một ngày. Trụ cổng giữ nguyên hai câu “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn” bằng chữ Nôm.
Mặt sau mộ dựng một cuốn thư bằng đá đen khắc thủ bút và chữ ký của cụ Phạm, những dòng Cụ Phạm viết ở biệt thự Hoa Đường vào sáng ngày 23/8/1945, trong bài tùy bút cuối cùng có tựa đề Cô Kiều với tôi mà chúng ta đã được đọc ở tập Hoa Đường tùy bút: “Tiếng là nước, có tiếng mới có nước, có quốc văn mới có quốc gia”.
Trước bình phong dựng thêm cuốn thư, cũng bằng đá đen, khắc câu nói nổi tiếng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn/ Tiếng ta còn, nước ta còn” bằng chữ Nôm và Quốc ngữ. Kiến trúc tổng thể khu mộ được giữ nguyên trạng, kể cả cây xanh. Chỉ dựng thêm bức tượng, chất liệu đá, làm điểm nhấn, lát gạch toàn bộ diện tích đất nền, và dựng thêm hai chiếc ghế đá.
Xin được nói thêm, bốn năm nay mộ phần nhà văn hóa Phạm Quỳnh và mộ thi sĩ Phạm Hầu, ở ngay phía trước Tam quan chùa Vạn Phước, đã trở thành địa chỉ - điểm đến trong chương trình “Ngày thơ viếng mộ thi nhân” do Hội nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức.
Thanh Tùng (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.